Nhiều công trình dân dụng không có giấy phép nhưng cũng không bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhắc nhở, kiểm tra...
Dãy nhà đã và đang xây dựng ở đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc hầu hết không có giấy phép
Dù đã có quy định các hộ dân ở thị trấn khi xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác phải xin cấp phép nhưng do chính quyền nhiều thị trấn và huyện buông lỏng quản lý nên hầu hết các hộ dân đều không xin cấp phép.
Vi phạm phổ biếnNhiều người dân ở các thị trấn trong tỉnh cho biết, lâu nay khi họ xây dựng nhà cửa đều không xin giấy phép. Người dân cũng không thấy chính quyền yêu cầu hay nhắc nhở gì.
Ông Nguyễn Đình X. ở đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc cho biết: "Khi nhà cửa xuống cấp phải nâng cấp hoặc xây mới thì chúng tôi cứ tự xây dựng. Chúng tôi không biết phải xin giấy phép xây dựng và nếu không có giấy phép thì có bị ảnh hưởng gì về quyền lợi và trách nhiệm?". Khi chúng tôi hỏi, mọi người cũng không nắm rõ quy định khi xây dựng nhà ở trong đô thị bắt buộc phải xin phép chính quyền. Hầu hết cũng không biết nếu xây dựng nhà không phép, khi thực hiện dự án của Nhà nước mà phải di dời tài sản sẽ không được bồi thường. Nhà xây dựng không có phép, không được Nhà nước chứng thực tài sản trên đất, điều đó ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân trong việc sở hữu tài sản.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Vang, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cũng thừa nhận, ngoài việc các hộ ở khu đô thị mới có giấy phép do Phòng Kinh tế hạ tầng cấp thì đa số các hộ dân ở phố cũ hoặc trong xóm khi xây dựng nhà ở đều tự ý làm, miễn là không vi phạm hành lang an toàn đường bộ, chỉ giới đường.
Ông Lê Văn Thủ, Trưởng khu dân cư Lê Bình (thị trấn Thanh Miện) cho biết, hầu hết các nhà dân xây dựng thấp tầng ở khu dân cư đều không xin giấy phép. Những nhà xây dựng cao tầng ở thị trấn đều có giấy phép của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cấp. Gia đình nào xây dựng lấn chiếm đất công, lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ đều bị thị trấn xử lý nghiêm.
Không chỉ có thị trấn Gia Lộc, Thanh Miện buông lỏng quản lý cấp phép xây dựng mà ở các thị trấn như: Lai Cách (Cẩm Giàng), Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà cũng đều chung tình trạng trên. Có một thực tế là các thị trấn đều được công nhận là đô thị loại V gần 20 năm nay, nhưng tình trạng buông lỏng trong cấp phép xây dựng dân dụng ở các khu phố cổ, khu dân cư cũ rất phổ biến.
Tăng cường quản lý Trong khi nhiều huyện còn buông lỏng việc quản lý, cấp phép xây dựng dân dụng thì ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) thực hiện rất nghiêm túc việc quản lý xây dựng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Trước năm 2010, thị trấn trực tiếp cấp phép cho người dân xây dựng và sửa chữa nhà ở. Từ năm 2010 trở lại đây, theo quy định của Nhà nước, việc cấp giấy phép xây dựng do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thực hiện. Thị trấn Kẻ Sặt đã xây dựng và thực hiện quy chế quản lý đô thị từ lâu. Người dân ở các đường phố, các khu dân cư khi xây dựng hay sửa chữa, nâng cấp nhà ở phải làm đơn và được UBND thị trấn hướng dẫn làm các thủ tục để xin cấp giấy phép xây dựng. Cán bộ địa chính kiểm tra hiện trạng đất đai. Hộ xây dựng nhà phải chụp ảnh hiện trạng các công trình xây dựng lân cận, ký biên bản cam kết với các hộ liền kề, nếu làm hư hỏng công trình lân cận phải đền bù. Trong quá trình xây dựng phải tuân thủ sự chỉ đạo của thị trấn, thi công tránh giờ cao điểm, bảo đảm giao thông đô thị và môi trường. Sau khi xây dựng phải nạo vét cống rãnh, không để vật liệu xây dựng làm tắc hệ thống thoát nước đường phố… Nhờ làm tốt công tác cấp phép, quản lý tốt trật tự xây dựng, thị trấn Kẻ Sặt tạo được nền nếp trong hoạt động đô thị. Phố xá tuy chật hẹp nhưng bảo đảm kiến trúc đô thị.
Do thị trấn Nam Sách chưa có quy hoạch chi tiết nên việc cấp phép xây dựng ở các khu phố cũ rất khó giải quyết
Điều đó cho thấy, ở các thị trấn, nếu chính quyền các cấp quan tâm thì công tác quản lý xây dựng đô thị thực hiện được.
Ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Việc nhiều thị trấn buông lỏng trong cấp
Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 quy định, việc xây dựng nhà ở trong các khu đô thị đã có quy hoạch tỷ lệ 1/1.500 được các cấp thẩm quyền phê duyệt, khi xây dựng nhà ở không phải xin giấy phép xây dựng. Như vậy, đối tượng cần quan tâm tới việc cấp phép ở thị trấn là các đường phố cũ và các khu dân cư.
|
phép xây dựng cho các hộ dân là vấn đề đáng lo ngại, cần được chấn chỉnh. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, các công trình xây dựng dân dụng ở thị trấn và cả khu vực nông thôn đều phải cấp giấy phép xây dựng. Việc xây dựng nhà ở không phép là hệ lụy khó giải quyết khi có dự án của Nhà nước, các gia đình vi phạm phải tự dỡ bỏ, nếu không sẽ bị cưỡng chế mà không được đền bù. Theo quy định, nếu xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng ở đô thị, với nhà ở riêng lẻ, mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Cần nhân rộng điển hình quản lý đô thị tốt như thị trấn Kẻ Sặt. Các thị trấn cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh quy chế quản lý đô thị, đồng thời thực hiện nghiêm việc cấp phép xây dựng các công trình dân dụng. Hiện nay, hầu hết các thị trấn mới có quy hoạch tổng thể, chưa thực hiện quy hoạch chi tiết. Trước mắt, các thị trấn phải thực hiện trước một bước quy hoạch phân khu trên cơ sở quy hoạch chung. Tỉnh cần quan tâm, nghiên cứu, tạo cơ chế cho phép mỗi thị trấn hình thành một đội quy tắc để hỗ trợ cho chính quyền tăng cường quản lý xây dựng, quản lý đô thị, bảo đảm giao thông, môi trường.
TRẦN TUẤN
Sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết
Hiện nay, đa số người dân ở thị trấn Nam Sách đã có ý thức xin cấp phép khi xây dựng nhà cửa hoặc các công trình khác. Việc thực hiện cấp phép xây dựng được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch chi tiết nên một số hộ dân ở các khu phố cũ, phố cổ khi đề nghị được cấp phép xây dựng thì cơ quan chức năng rất khó giải quyết bởi Nam Sách là thị trấn cổ, đã phát triển trong nhiều năm nên khó xây dựng các công trình theo quy hoạch mới vì không có mặt bằng.
Để khắc phục những khó khăn đó, huyện đang hoàn thiện và sớm trình cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch chi tiết. Trước mắt, để thực hiện định hướng quy hoạch chung, huyện đề nghị các cấp, ngành liên quan của tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Luật Xây dựng, nhất là định hướng, quy hoạch phát triển đô thị.
VƯƠNG ĐỨC THÀNHTrưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Sách
Cần thành lập lực lượng quy tắc ở thị trấn
Hiện nay chưa có thị trấn nào có đội quy tắc, vì vậy việc quản lý đô thị còn nhiều hạn chế. Các vi phạm trong hoạt động xây dựng của người dân, những vi phạm về hành lang đường bộ, vỉa hè, vi phạm về môi trường chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời và hầu hết khó xử lý. Việc nhắc nhở, xử lý vi phạm trật tự đô thị do thiếu lực lượng chức năng sẽ kém hiệu quả. Có lực lượng quy tắc, những vi phạm về quy chế quản lý đô thị sẽ sớm được phát hiện, có thể xử lý kịp thời, tránh cho người dân vi phạm một cách quá đà, khó xử lý. Vì vậy, trong hoạt động quản lý đô thị, các thị trấn rất cần lực lượng quy tắc.
NGUYỄN ĐỨC THẮNGChủ tịch UBND thị trấn Lai Cách
Xây dựng quy chế quản lý đô thị
Việc quản lý đô thị ở thị trấn Gia Lộc hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cấp phép xây dựng, do chưa có quy chế quản lý đô thị. Vì chưa có quy chế nên vi phạm đất công, vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ, làm hư hỏng công trình nhà liền kề, cản trở giao thông trong quá trình thi công, vi phạm về môi trường... đều thiếu căn cứ để xử lý. Rất mong trong thời gian tới, thị trấn sớm có quy chế quản lý để làm cơ sở cho việc thực hiện cấp phép xây dựng đúng với quy định của pháp luật. Các hộ có công trình xây dựng cần cam kết trách nhiệm với các hộ lân cận, nếu xây dựng làm hư hại các công trình này phải đền bù; trong quá trình xây dựng phải bảo đảm môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông.
NGUYỄN HỮU TÂN Số 7, phố Hữu Nghị, thị trấn Gia Lộc |