Buông lỏng quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ

06/04/2017 07:19

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 900 cơ sở sản xuất rượu, trong đó chỉ có 5 cơ sở công bố sản phẩm về rượu. Thực tế, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu gặp nhiều khó khăn.



Khu nấu rượu và làm men tại một hộ dân ở làng nghề rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ
(Cẩm Giàng) còn chật chội, ẩm thấp


Công ty Thịnh Hoàng Gia ở xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) sản xuất, kinh doanh rượu từ năm 2015. Trung bình mỗi ngày công ty nấu 4 nồi rượu cho ra khoảng 240 lít rượu thành phẩm. Sản phẩm của công ty chủ yếu là rượu trắng và rượu ngâm nếp cẩm. Anh Hoàng Văn Thịnh, người quản lý công ty này cho rằng: Nghị định 94/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh rượu. Doanh nghiệp của anh đã thực hiện nghiêm túc các quy định này, song thực tế việc quản lý chưa thực sự gắt gao nên vẫn có nhiều loại rượu trôi nổi bán ra thị trường với số lượng lớn và giá chỉ bằng một nửa của những công ty được cấp phép. Do đó nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. 1 lít rượu thành phẩm công ty anh bán ra có giá 40.000 đồng mới có lãi, nhưng trên thị trường rượu trắng không rõ nguồn gốc chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng.

Tại làng nghề nấu rượu truyền thống Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) có trên 400 hộ dân nấu rượu và chỉ có 3 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Những hộ còn lại nấu rượu nhỏ lẻ theo hình thức thủ công. Các hộ này chủ yếu sử dụng gạo để nấu thành rượu bán lẻ, sau đó tận dụng bỗng rượu để chăn nuôi. Khi được hỏi về các điều kiện sản xuất, kinh doanh rượu, nguồn gốc gạo, men… thì rất ít người biết. Vừa qua, ngày 23.3, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện khoảng 1.000 lít rượu và 240 kg bột men tại cơ sở kinh doanh của chị Hoàng Thị Nhung không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế qua kiểm tra của các lực lượng chức năng thì đại đa số các cơ sở sản xuất rượu đều vi phạm các điều kiện như: cơ sở ẩm mốc, không bảo đảm nguyên tắc sản xuất một chiều; việc ủ gạo và men còn trong điều kiện ẩm thấp và thiếu ánh sáng; nơi nấu rượu chật chội; kho gạo, bao bì để lẫn lộn cùng rượu thành phẩm gây nguy cơ cháy nổ cao; người lao động không có giấy khám sức khỏe định kỳ; nơi chế biến còn nằm gần khu vực chăn nuôi… Nguy hiểm hơn có cơ sở còn mua men rượu không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tự mua thuốc bắc không rõ nguồn gốc về chế biến. Hầu hết các cơ sở đều chứa rượu bằng các phuy nhựa bịt nắp kín, do rượu có chất trung hòa mạnh nên rất dễ bị phai nhựa không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Tương tự như tại làng nghề Phú Lộc, tình trạng buông lỏng quản lý rượu cũng diễn ra tại xã Nam Hồng (Nam Sách). Từng là địa phương có hàng chục hộ nấu rượu thủ công nhưng nay xã chỉ còn vài hộ nấu. Hộ ông Nguyễn Xuân Xạ ở thôn Thượng Đáp vừa kinh doanh bánh kẹo, vừa nấu mỗi ngày khoảng 20 lít rượu. Trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hằng năm, xã đều kiểm tra việc kinh doanh của gia đình ông nhưng lại không chú ý tới sản phẩm rượu. Vừa qua, đoàn kiểm tra của tỉnh phát hiện cơ sở của ông Xạ không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy trình nấu, lọc, ủ men đều rất mất vệ sinh.

Mặt khác, hoạt động buôn bán rượu đã bị thả trôi quá lâu. Chỉ có một số cơ sở sản xuất rượu với số lượng lớn được cấp phép, còn lại những hộ cá thể đều hoạt động tự phát chưa được quản lý. Việc phân cấp quản lý giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa, việc quản lý rượu khó hơn một số mặt hàng khác do phải lấy mẫu kiểm định mới phân tích được chất lượng rượu nên các tuyến huyện, xã chưa quan tâm kiểm tra mặt hàng này. Các đoàn kiểm tra mới chỉ tập trung kiểm tra sản phẩm rượu có nguồn gốc được bán ở các cửa hàng, siêu thị và việc đánh giá chủ yếu dựa vào cảm quan. Chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa thống kê và quản lý chặt chẽ các hộ dân nấu rượu. Các cửa hàng kinh doanh nhập rượu từ nhiều nguồn khác nhau, khó kiểm soát được nguồn gốc cụ thể của từng loại rượu.

THANH MINH

(0) Bình luận
Buông lỏng quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ