Buồn vui trước ngưỡng cửa đại học

24/09/2021 14:27

Vui sướng, sốc và hụt hẫng là hai thái cực tâm trạng của nhiều học sinh khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm trúng tuyển. Nhiều em điểm không thật cao nhưng đã trúng tuyển nguyện vọng 1; cũng không ít em điểm thi khá cao vẫn trượt nguyện vọng 1.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay cao hơn năm trước do số thí sinh dự thi đông hơn

Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng, thêm nhiều hình thức xét tuyển đã khiến nhiều thí sinh ngậm ngùi vì điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được ngành học mong muốn.

Nhiều tân sinh viên đã bày tỏ niềm vui sướng khi biết mình đỗ đại học từ nguyện vọng đầu tiên nhưng cũng không ít học sinh hụt hẫng vì điểm thi cao mà vẫn trượt nguyện vọng 1. 

"Đỗ đại học rồi mọi người ơi. Con cảm ơn bố mẹ, em cảm ơn thầy cô... Cảm ơn các bạn, mình yêu các bạn quá, yêu mọi người quá!". Đây là cảm xúc được đăng trên Facebook cá nhân của bạn Vũ Đình Hải Nam ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) khi biết mình đỗ đại học. Nam thi được 20 điểm khối C và đã trúng tuyển nguyện vọng đầu tiên vào Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. 

Khi biết trúng tuyển đúng ngành, trường mình yêu thích, Nam đã nhảy lên sung sướng. "Việc đầu tiên là em gọi cho bố mẹ, sau đó chia sẻ niềm vui trên Facebook với mọi người", Nam nói.

Tương tự, với 22,45 điểm khối A, em Kha Duy Anh ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cũng đỗ nguyện vọng đầu tiên vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Duy Anh mất bố từ sớm, mẹ đi làm xa, em ở cùng bà. "Những nỗ lực của em và sự đồng hành, ủng hộ của cô giáo, bà và mẹ, cuối cùng đã mang lại kết quả như mong muốn", Duy Anh chia sẻ.

Khác với cảm xúc vui mừng của nhiều bạn đỗ ngay nguyện vọng đầu tiên thì có nhiều bạn sốc và hụt hẫng khi điểm thi khá cao mà vẫn trượt nguyện vọng 1. 

Mong muốn sau này làm bác sĩ, T.L.A. ở huyện Thanh Miện đã đăng ký xét tuyển vào các Trường Đại học Y Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình. Mặc dù đạt 25,8 điểm nhưng em đều không đỗ vào các trường này. L.A. đành phải chọn ngành công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dù đây không phải là ngành yêu thích. "Em rất buồn khi không đỗ vào trường như mong muốn. Dù vậy, em vẫn chấp nhận kết quả đã đạt được", L.A. nói.

Em Nguyễn Đức Anh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng khá sốc khi được hơn 26,9 điểm khối C nhưng vẫn trượt ngành nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh nhân dân vì thiếu hơn 0,1 điểm. "Mong ước được đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân của em thất bại rồi. Bây giờ em đành chọn nguyện vọng 2 vào Đại học FPT", Đức Anh chia sẻ. 

Gác lại niềm vui, nỗi buồn, các tân sinh viên đều chia sẻ đang mong chờ ngày đến trường để trải nghiệm cuộc sống ở môi trường mới. Các bạn trẻ khẳng định đại học là bắt đầu một chặng đường mới khó khăn hơn và cần nhiều cố gắng hơn nữa. 

Trước việc nhiều thí sinh có điểm thi khá cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Tứ Kỳ nhận định mùa thi năm nay nhiều ngành điểm chuẩn tăng đột biến, nhất là các khoa sử dụng tiếng Anh trong quá trình giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, điểm chuẩn một số trường tốp trên có tăng nhưng không nhiều mà chủ yếu tăng đột biến ở các trường tốp giữa. 

Theo cô Hoa, một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm tuyển vào các trường năm nay cao hơn năm trước do số thí sinh dự thi đông hơn. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều học sinh đã thay đổi ý định đi du học, phải lựa chọn các trường trong nước để dự thi hoặc xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh có sự cân nhắc kỹ hơn khi chọn ngành nên có nhiều thay đổi trong xu hướng chọn ngành. Điểm bài thi tiếng Anh cao cũng góp phần làm cho điểm chuẩn xét tuyển tăng.

Những thay đổi về hình thức xét tuyển cũng tác động không nhỏ đến yếu tố đầu vào. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đã xét tuyển bằng học bạ, điểm đánh giá năng lực, sử dụng chứng chỉ IELTS, TOEFL. Từ đó, nhiều học sinh chỉ ở mức trung bình, khá đã chủ động nộp xét tuyển bằng học bạ từ sớm, còn học sinh giỏi lại có các chứng chỉ tiếng Anh, điểm năng lực nên lựa chọn được các trường phù hợp hơn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng 11% so với năm trước; số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 24%; số thí sinh đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác tăng 17.000 em so với năm trước.

Theo Công an tỉnh, năm nay, Hải Dương có 278 thí sinh đủ điều kiện tham dự kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, học viện khối công an. Kết thúc đợt xét tuyển, toàn tỉnh có 16 thí sinh trúng tuyển vào các trường, học viện này, giảm nhiều so với năm 2020. Nguyên nhân chính do chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, học viện giảm, chỉ tiêu tuyển sinh của tỉnh được giao cũng giảm và việc phân chia khu vực tuyển sinh khiến thí sinh phải cạnh tranh cao hơn.

THỦY ANH

(0) Bình luận
Buồn vui trước ngưỡng cửa đại học