Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngân hàng số sẽ là tương lai của ngành ngân hàng.
Thanh toán số, thương mại số và giao vận thông minh qua điện thoại, máy tính đang "nở rộ". Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Hiện nay, thanh toán điện tử ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức thanh toán mới linh động và tiện lợi như thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán bằng điện thoại và các thiết bị di động (mobile banking), thanh toán qua ngân hàng trực tuyến (internet banking), thanh toán qua homebanking, thanh toán bằng tiền điện tử… Tại Việt Nam hình thức thanh toán điện tử phổ biến nhất hiện nay vẫn là thanh toán thẻ.
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Tân, Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), đến tháng 6.2016, số lượng thẻ phát hành đã đạt mức trên 106 triệu thẻ, tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010 với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.
Tính chung giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng thẻ điện tử ở Việt Nam đã giúp việc tiêu thụ hàng hóa tăng 0,22% và đóng góp của lưu hành thẻ vào GDP Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD. Vào cuối năm 2015, giá trị giao dịch ATM đã đạt mức 1.564 nghìn tỷ đồng.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngân hàng số sẽ là tương lai của ngành ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều đã cung cấp dịch vụ internet banking, 16 tổ chức cung cấp hơn 2,3 triệu tài khoản ví điện tử. Kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 95% các ngân hàng triển khai internet banking, mobile banking và 30% ngân hàng sẽ triển khai ngân hàng số, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có máy chấp nhận thẻ POS, hơn 300.000 máy POS được lắp đặt,....
TS. Nguyễn Thị Thanh Tân nhận định, định hướng phát triển công nghệ số trong ngành ngân hàng là tất yếu, sự phát triển của công nghệ giúp gia tăng tiện ích với người sử dụng các dịch vụ tài chính.
Đặc biệt, theo báo cáo Hành vi người dùng điện thoại thông minh 2017 của Nielsen Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh so với số lượng những người sử dụng điện thoại thông thường chiếm 84% vào năm 2017, tăng 10% so với một năm trước. Đây là một thị trường tiềm năng để phát triển thanh toán trên thiết bị di động. Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh hình thức thanh toán trên di động QR Pay – thanh toán bằng cách quét QR code (Quick response code - mã phản hồi nhanh, mã vạch ma trận).
Theo các chuyên gia kinh tế thì lợi ích QR Pay mang lại cho tất cả chủ thể tham gia vào thanh toán là khách hàng, người bán hàng và ngân hàng thanh toán. Người tiêu dùng không cần sử dụng tới tiền mặt hay thẻ ngân hàng. Việc thanh toán bằng mã QR bảo đảm tính an toàn nhờ hai lớp bảo mật, khi người dùng đăng nhập vào tài khoản trên ứng dụng mobile banking và khi người dùng nhập mật khẩu OTP (do ngân hàng gửi về qua SMS) hoặc xác thực bằng vân tay để hoàn tất thanh toán.
Đối với doanh nghiệp, đây là một hình thức thanh toán đơn giản, không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu, có thể dễ dàng triển khai đại trà, nhanh chóng với chi phí thấp và ứng dụng rất đa dạng trong đời sống như thanh toán tại quầy, thanh toán trên hóa đơn, thanh toán trên website, Facebook, catalogue, tờ rơi, biển quảng cáo,...
Hiện tại, khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng mobile banking của nhiều ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, OCB...
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là một trong những ngân hàng đầu tiên nghiên cứu ứng dụng và mở rộng hình thức thanh toán QR Code qua ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động Agribank E-Mobile banking.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Agribank trong thời gian tới là cần đẩy nhanh đầu tư công nghệ để có thể phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại như: QR Pay, Samsung Pay, Autobank… kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Để người dùng có cơ hội trải nghiệm cách thức thực hiện thanh toán dùng QR Pay, Agribank đã triển khai các gian hàng ảo tại một loạt sự kiện lớn như: Triển lãm Banking Vietnam, Smart Industry World 2017, Industry 4.0 Summit 2018.
Đặc biệt, trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0, Agribank cũng đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử đáp ứng thị hiếu của người dùng như: A Transfer Service (cho phép khách hàng thực hiện giao dịch chuyển khoản hoặc thanh toán bằng tin nhắn SMS tại bất kỳ nơi nào có phủ sóng viễn thông di động); A PayBill (cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn bằng tin nhắn SMS); Agribank Emobile Banking (cho phép khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ về tài chính ngân hàng như: chuyển khoản trong hệ thống Agribank, nạp tiền điện thoại trả trước, mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn, nộp tiền ví điện tử Vnmart… và các dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: trao đổi thông tin, thông tin vé máy bay, quản lý đầu tư, tra cứu thông tin…).
Ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối công nghệ Ngân hàng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, hiện OCB đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để phát triển ngân hàng bán lẻ như ngân hàng hợp kênh, đầu tư QR Code vì thấy được những lợi ích từ ngân hàng số, từ thị trường, từ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ… Đồng thời, khách hàng cũng đang thay đổi hành vi, thói quen tương tác với ngân hàng. Do vậy, ngân hàng phải đi theo thói quen mua sắm tiêu dùng của khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo ban hành Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai theo một chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch ngân hàng thì cũng xuất hiện một số vụ mất cắp thông tin của người dùng thẻ dẫn đến mất tiền đã xảy ra.
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Tân, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng ở Việt Nam hiện nay hầu hết đều là thẻ từ dẫn đến nhiều rủi ro như làm giả thẻ, gian lận thẻ và sử dụng chip điện tử hoặc thiết bị đọc trực tiếp để lấy trộm thông tin thẻ nhằm thanh toán, rút tiền, chuyển tiền.
“Còn thanh toán bằng điện thoại, điện thoại thông minh thường không sử dụng các chương trình diệt virus nên rất dễ nhiễm các loại virus, mã độc được cài lên máy mà người sử dụng không hề biết, các chương trình này sẽ tự động kích hoạt khi sử dụng các ứng dụng trên điện thoại và sao chép thông tin nhạy cảm của khách hàng như ảnh, mật khẩu tài khoản, các dữ liệu cá nhân rồi gửi lại về các đối tượng sử dụng chương trình đó. Nhờ đó, các tin tặc sẽ dễ dàng sử dụng các thông tin có được để đánh cắp tiền trong tài khoản của người dùng”, TS. Nguyễn Thị Thanh Tân cho biết
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích sử dụng các hình thức thanh toán mới, Chính phủ đã ban hành Quyết định 241 phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. “Đây là một cú hích cho Việt Nam, cho người dân sử dụng dịch vụ công”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
THÙY DƯƠNG (TTXVN)