Bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu

03/08/2019 06:20

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton vừa khẳng định Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2.8.2019.

Việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF được giới phân tích nhận định sẽ mở đường cho cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ.


Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký tháng 12.1987 tại Washington chính thức bị khai tử

Mỹ chính thức rút khỏi INF từ ngày 2.8

Trong phát biểu tại Diễn đàn Quỹ nước Mỹ trẻ (YAF) ngày 31.7.2019 ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tiếp tục khẳng định một lần nữa rằng Mỹ sẽ chính thức rút khỏi INF từ ngày 2.8.2019.

Trong bài phát biểu, Cố vấn John Bolton đã nhắc lại cáo buộc cho rằng Nga đã vi phạm INF. Đó là nguyên nhân khiến Mỹ rút khỏi hiệp ước. Cố vấn An ninh Mỹ cho rằng Nga đã tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí đạn đạo và siêu âm để nâng cấp kho vũ khí của mình.

Ngoài ra, ông Bolton còn đưa ra một lý do khác có liên quan đến Trung Quốc khiến Mỹ quyết định rút khỏi INF. Đó là việc hiện nay do Trung Quốc không phải là một bên tham gia thỏa thuận INF nên nước này đang phát triển những loại tên lửa mà Mỹ không thể vì bị ràng buộc bởi INF.

Tuy nhiên, phản ứng lại quan điểm này của Mỹ, cho đến nay Trung Quốc vẫn  khẳng định lập trường phản đối việc đa phương hóa hiệp ước INF vì cho rằng, tốt hơn là Mỹ nên cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân của nước này theo tinh thần của các bản hiệp ước đang có hiệu lực, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho các nước khác.

Ngoài ra, đối với gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START mới, hay còn gọi là START-3) - hiệp ước duy nhất còn tồn tại giữa Nga và Mỹ hiện nay - ông Bolton cho biết có khả năng START mới cũng sẽ không tiếp tục được gia hạn.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng hiệp ước START mới, được thông qua vào năm 2010, đến nay vẫn chưa hoàn thiện vì không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga.

Theo ông Bolton, các bên cần tập trung vào những điều gì "tốt hơn" thay vì gia hạn một thỏa thuận chưa hoàn thiện. Vì vậy, nhiều khả năng hiệp ước START sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Mark Esper cũng đã xác nhận Mỹ vẫn sẽ tuân thủ tất cả các cam kết trong hiệp ước INF đến ngày 2.8 song sau thời điểm này, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi những gì phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Mỹ.

Cáo buộc lẫn nhau

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký ngày 8.12.1987.

Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Liên Xô lúc đó đã triển khai gần 400 đầu đạn hạt nhân hướng về phía Tây Âu, trong khi Mỹ cũng đã phản ứng với việc bố trí các tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu.

Do đó, Hiệp ước INF khi được ký kết đã mở ra một nền tảng bảo vệ cho các đồng minh châu Âu của Mỹ và đánh dấu một thỏa thuận quan trọng giữa hai nước là trung tâm của cuộc chạy đua vũ trang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo thỏa thuận hạt nhân INF, Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) và Mỹ cam kết không phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung (tầm bắn từ 500-5.500 km). Từ khi hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1.6.1988, đến tháng 6.1991, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa.

Các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong hơn ba thập niên qua, INF được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Âu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cả Nga và Mỹ đều liên tục cáo buộc nhau vi phạm INF. Những cáo buộc gần đây bắt đầu từ hồi tháng 10-2018 khi Mỹ một lần nữa cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước vì chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi INF.

Theo quan điểm của Mỹ, Nga đã vi phạm INF khi phát triển hệ thống tên lửa 9M729, mà phương Tây gọi là SSC-8, được cho là hệ thống cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn tới 2.600 km. Yêu cầu tiên quyết của Mỹ là muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa được cho là có thể đánh bại các lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu này.

Trong khi đó, lập trường của Nga là loại tên lửa trên của nước này hoàn toàn đáp ứng các quy định của INF, đồng thời tố cáo Mỹ đã vi phạm INF khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania. Nga cũng khẳng định Mỹ không có bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga vi phạm INF.

Phía Nga còn cho rằng, việc Mỹ yêu cầu Nga phải tiêu hủy hoàn toàn hệ thống tên lửa 9M729 và quá trình tiêu hủy phải được kiểm chứng thực chất là để các chuyên gia Mỹ có điều kiện thâm nhập rất sâu vào phần cốt lõi hoạt động chế tạo tên lửa của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi INF còn đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí giữa hai nước. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Vì những tranh cãi trên nên Mỹ đã quyết định ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2.2.2019 và bắt đầu kích hoạt một tiến trình 6 tháng để hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước này vào ngày 2.8.2019.

Đáp trả quyết định rút khỏi INF từ phía Mỹ, ngày 2.2.2019, Tổng thống Nga Putin cũng cho biết Nga quyết định ngừng tuân thủ INF. Sau đó, Tổng thống Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong INF với Mỹ.

Sau khi đã gửi dự luật đình chỉ INF cho Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga để thông qua, ngày 3.7.2019, Tổng thống Nga Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ INF đồng thời tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO.

Còn phía Mỹ, sau thời gian 6 tháng kể từ ngày thực hiện tiến trình rút khỏi INF, Mỹ tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi INF từ ngày 2-8 tới. Nếu không có gì thay đổi, việc cả Mỹ và Nga rút khỏi thỏa thuận sẽ đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận có từ thời Chiến tranh Lạnh này.

Hệ lụy khó lường

Các chuyên gia phân tích nhận định, nếu hiệp ước INF bị xé bỏ sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, mà nó còn có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ nhận rủi ro và gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai đối thủ, gây nguy hiểm cho hàng triệu công dân châu Âu.

Rút khỏi INF, Mỹ sẽ có thể tự do phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung, những điều này cũng sẽ kéo theo hệ lụy là Nga và các cường quốc khác sẽ cũng tiến hành nghiên cứu, thực hiện các biện pháp phòng vệ về quân sự để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia của họ và để đối phó với mối đe dọa từ Mỹ. Sự cạnh tranh giành ưu thế về tên lửa này giữa Mỹ và Nga cũng như các cường quốc khác vì thế có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân rất khó kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của thế giới.

Không những thế, việc hai nước rút khỏi INF còn là bước đi có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. START mới được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5.2.2011.

Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai.

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ có nghĩa vụ phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng theo định kỳ 2 lần/năm. Nga coi START mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới" và nhiều lần khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại về vấn đề này, song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.

Các nhà phân tích lo ngại nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn START mới và nếu không còn INF thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga sẽ tăng lên.

Thực tế, cả Nga và Mỹ cũng đã nhiều lần trao đổi với nhau ở các cấp về vấn đề này nhưng việc đàm phán lại để có được một thoả thuận mới vẫn rất xa vời.

Bởi INF vốn là thoả thuận song phương giữa Mỹ và Liên Xô từ cách đây 3 thập kỷ, trong khi nếu tìm kiếm một thoả thuận mới thay thế cho INF (hay START) trong bối cảnh hiện nay thì thỏa thuận mới này chắc chắn sẽ không thể là thoả thuận riêng giữa Mỹ và Nga nữa mà sẽ yêu cầu phải ràng buộc cả kho vũ khí hạt nhân của nhiều nước khác như Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan hay Israel, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, về bản chất, vũ khí hạt nhân là thành tựu mang tính “đột phá” của khoa học-công nghệ quân sự hiện đại, nhưng nếu không được sử dụng đúng mục đích sẽ trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt và là mối hiểm họa khôn lường, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Nhận thức sâu sắc sự nguy hiểm đó, tháng 7.1968, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tiếp đó, tháng 7.2017, Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, với mục đích kiểm soát, tiến tới tiêu hủy toàn bộ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và đến nay đã có 124 trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc tham gia. Tuy nhiên, điều trớ trêu là hiện nay, một số cường quốc hạt nhân lại chưa tham gia Hiệp ước này, cho nên cuộc chiến tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu vẫn còn nhiều nan giải.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, việc sử dụng vũ khí hạt nhân làm công cụ để răn đe, kiềm chế, ngăn chặn nước khác không những không đạt được kết quả, mà trái lại chỉ làm cho quan hệ quốc tế thêm phức tạp, an ninh, hoà bình thế giới bị đe dọa.

Vì vậy, cộng đồng quốc tế mong muốn Mỹ và Nga nên mời các cường quốc hạt nhân khác cùng tham gia đàm phán để xây dựng một INF thực sự, là cơ chế pháp lý không chỉ dành riêng cho Nga và Mỹ, mà còn là cơ chế chung để ràng buộc tất cả các quốc gia, nhằm ngăn ngừa các cuộc xung đột bằng tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, đồng thời chống sự châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa đến an ninh và sự ổn định ở châu Âu cũng như thế giới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu