Giao thông - Đô thị

Bước phát triển mới của thị xã Kinh Môn

NGUYỄN Vỹ, Bí thư Thị ủy Kinh Môn 20/12/2024 05:52

Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã Kinh Môn đã hiện thực hoá mục tiêu xây dựng đô thị loại III với những bước đi vững chắc.

suc-bat-do-thi-2.jpg
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, tập trung xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Thành quả tự hào

Thị xã Kinh Môn có diện tích khoảng 165,34 km2, dân số thường trú trên 180.000 người. Nằm ở phía đông bắc của tỉnh Hải Dương, Kinh Môn có vị trí gần các trung tâm kinh tế phía bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh). Đô thị có hệ thống giao thông huyết mạch: đường tỉnh 389, 389B, quốc lộ 17B kết nối quốc lộ 18 và quốc lộ 5… Đây là các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Hải Dương và vùng trọng điểm kinh tế phía bắc. Là cửa ngõ của tỉnh nên Kinh Môn được xác định là 1 trong 4 đô thị động lực của Hải Dương.

Với những thuận lợi, tiềm năng sẵn có, Kinh Môn đã định hướng, tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Kinh Môn là huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương về đích nông thôn mới và là huyện nông thôn mới thứ 38 của cả nước.

suc-bat-do-thi-1.jpg
Diện mạo đô thị có những bước phát triển vượt bậc

Sau về đích nông thôn mới, Kinh Môn lập đề án, đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể xây dựng huyện Kinh Môn trở thành thị xã. Tháng 9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 768/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Kinh Môn và các phường, xã thuộc thị xã Kinh Môn.

Phát huy kết quả đạt được, thị xã Kinh Môn tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp thị xã Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III.

Trung bình 3 năm 2021-2023, tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 9,39%, đặc biệt năm 2024 đạt 11,7%, vượt 2% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 0,83 triệu đồng/tháng so với năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã còn 0,93%, giảm 0,42%… Các mặt văn hoá, xã hội phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao...

suc-bat-do-thi-4.jpg
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thị xã ước đạt 65.435 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2023

Đòn bẩy phát triển

Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh kết hợp nội lực địa phương, quá trình xây dựng đô thị loại III, Kinh Môn đã tạo được những tiền đề quan trọng làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn thị xã.

Ngoài hệ thống giao thông sẵn có, trên địa bàn có nhiều dự án đã và đang được triển khai xây dựng: Tuyến đường giao thông kết nối quốc lộ 17B với cầu Dinh, thị xã Kinh Môn; tuyến đường kết nối quốc lộ 17B (tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (TP Hải Phòng) đoạn từ quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; tuyến đường và cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 (TP Chí Linh) với đường dẫn cầu Triều (Kinh Môn); cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5; đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B; nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương.

Các dự án trên nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch; mở rộng không gian phát triển đô thị thị xã Kinh Môn; hình thành trục giao thông kết nối liên vùng giữa Hải Dương với Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

suc-bat-do-thi-6.jpg
Những năm qua, thị xã tập trung triển khai hệ thống hạ tầng các khu đô thị mới

Đặc biệt, dự án nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương không chỉ kết nối mạng lưới giao thông thị xã Kinh Môn với quốc lộ 5, huyện Kim Thành và các huyện lân cận mà còn từng bước hoàn thành tuyến giao thông kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quốc lộ 18, có ý nghĩa quan trọng trong mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội thị xã Kinh Môn nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Những năm qua, công tác quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị được thị xã đặc biệt quan tâm. Kinh Môn đã lập quy hoạch 6 phân khu theo quy hoạch chung của khu vực nội thị gồm: phân khu đô thị hiện hữu, đô thị cửa ngõ, đô thị trung tâm, đô thị công nghiệp phía tây bắc, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp phía tây nhằm mở rộng không gian đô thị của thị xã. Địa phương đã triển khai đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu đô thị mới, lập quy hoạch nông thôn khu vực ngoại thị, tạo tiền đề phát triển đô thị trong những năm tiếp theo.

Kinh Môn hiện có 4 cụm công nghiệp Long Xuyên, Duy Tân, Phú Thứ, Hiệp Sơn cơ bản được lấp đầy; 4 cụm công nghiệp đã được thành lập: An Phụ, Thăng Long, Thất Hùng, Quang Trung. Cùng với hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp trên, Kinh Môn từng bước chuyển đổi công nghệ các nhà máy đang sản xuất trên địa bàn, nhất là nhà máy vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Thu hút các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, mang tính bền vững.

Đặc biệt, thị xã Kinh Môn là địa phương đầu tiên của Hải Dương đang triển khai thực hiện Dự án Xây dựng trung tâm dịch vụ logistics, cảng, kho xăng dầu và khu dịch vụ thương mại, với quy mô 50 ha, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án triển khai tại xã Minh Hòa, có ý nghĩa phát triển ngành dịch vụ logistics của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách.

suc-bat-do-thi-5.jpg
Cầu vượt sông Kinh Môn là một trong những dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn thị xã, góp phần mở rộng không gian đô thị

Trong nông nghiệp, cùng các sản phẩm truyền thống hành, tỏi, sắn dây, nếp cái hoa vàng, các sản phẩm OCOP, thị xã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng mới - trải nghiệm, nông nghiệp hữu cơ ngay khu vực xã Bạch Đằng.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng sẵn có về du lịch, Kinh Môn đã hoàn thiện đồ án quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với 1.800 ha. Thị xã còn có 2 di tích là chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ nằm trong hồ sơ quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để Kinh Môn phát triển hơn nữa du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn tiếp tục phấn đấu, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030.

Ngày 16/9/2024, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 858/QĐ-BXD công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.

Ngày 11/12/2024, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển và là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đồng thời là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Kinh Môn.

NGUYỄN Vỹ, Bí thư Thị ủy Kinh Môn
(0) Bình luận
Bước phát triển mới của thị xã Kinh Môn