Bước phát triển mới của công tác khuyến học, khuyến tài

28/12/2020 09:16

5 năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập gắn với các hoạt động khuyến học, khuyến tài góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào ngày càng lan tỏa.


Ông Phạm Văn Bảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho các tập thể tiêu biểu năm 2019


Vượt chỉ tiêu

Ngày 20.2.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm2020" nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến học thường xuyên, suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" (gọi tắt là các mô hình học tập).

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1260/KH-UBND phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị cấp xã tỉnh Hải Dương đến năm 2020".

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và HKH tỉnh đã biên soạn phát hành "Tài liệu tập huấn cán bộ khuyến học cơ sở". Công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ hội cơ sở được HKH các cấp chú trọng. 5 năm qua, các cấp HKH đã mở 60 lớp tập huấn cho 6.500 lượt cán bộ khuyến học cơ sở. Từ đó, các cán bộ HKH cơ sở sẽ là kênh trung gian tuyên truyền tới các gia đình, dòng họ nhằm thúc đẩy phong trào khuyến học. Hội tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập với 9 sở, ngành, đoàn thể của tỉnh là Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh... Trong chương trình phối hợp có nội dung xây dựng các mô hình học tập thuộc các cấp của các đơn vị nêu trên.

Phong trào thi đua KHKT từ các gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị đã tạo động lực khuyến khích mỗi người dân học tập, học tập thường xuyên. Với phương châm "Cần gì học nấy", HKH xã, phường, thị trấn phối hợp với Ban Giám đốc trung tâm học tập cộng đồng tổ chức khảo sát nhu cầu học tập của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp. 

Qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh có 48 mô hình học tập tiêu biểu. Tỉnh có 449.357 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập" (chiếm 80%), 7.674 "Dòng họ học tập" (78%), 1.383 "Cộng đồng học tập" (89%), 1.094 "Đơn vị học tập" (90%), đều vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Tất cả các trường mầm non, phổ thông đều được công nhận là “Đơn vị học tập”. Vừa qua, HKH phát 1.440 phiếu điều tra ở các huyện, thị xã, thành phố cho thấy kết quả 99,6% ý kiến nhân dân đánh giá mô hình “Gia đình học tập” gắn với cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, 73%số "Gia đình học tập" đã thoát nghèo, 94% số ý kiến nhân dân đánh giá mô hình "Gia đình học tập" rất tốt và tốt. Về mức độ hài lòng của nhân dân đối với cấp ủy, cơ quan, đoàn thể… đều đạt trên 80%.



Phát thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vượt khó


Đẩy mạnh khuyến học từ cơ sở

Các cấp hội trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo công tác phát triển hội viên, nhiều tổ chức đảng ở cơ sở có hầu hết đảng viên tham gia tổ chức HKH. Năm2015, số hội viên toàn tỉnh là 474.225 (đạt 25% số dân), đến nay tăng lên thành 607.011 hội viên, đạt 32% dân số (vượt 2% so với chỉ tiêu đề ra). Nhiều huyện có số hội viên tăng nhanh như Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện... 

Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động ủng hộ phong trào KHKT như đến tận gia đình, trụ sở, gửi thư kêu gọi con em xa quê, vinh danh những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia... Trước khi hỗ trợ, các cấp HKH đều tập trung rà soát, lựa chọn những học sinh tiêu biểu, đang cần hỗ trợ để giới thiệu, làm cầu nối cho tổ chức, cá nhân tới trao tặng. Việc các cấp HKH sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí, quà tặng do các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, các đơn vị khuyến học ủng hộ đã tạo sự tin tưởng, giúp phong trào ngày càng lan tỏa.

Việc phát triển quỹ được các cấp hội chú trọng. Đến tháng 6.2020, tổng Quỹ Khuyến học các cấp trong tỉnh đạt 124 tỷ đồng. Trong đó, quỹ cấp huyện, cấp xã và dòng họ là 123 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so với năm 2015, đạt bình quân 65.500 đồng/người/năm.Từ nguồn quỹ, các cấp hội đã khen thưởng 877.907lượt học sinh và 47.035 lượt giáo viên với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Hải Dương là tỉnh có số Quỹ Khuyến học vào loại khá trong cả nước. Quỹ Khuyến học được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm đúng quy chế quản lý quỹ đã ban hành, tập trung vào việc cấp học bổng, trợ cấp cho học sinh nghèo toàn tỉnh. Nhiều dòng họ hiện nay có số dư Quỹ Khuyến học từ 100-300 triệu đồng. Quỹ Khuyến học do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thành lập hoạt động hiệu quả như "Quỹ Khuyến học Mạc Đĩnh Chi", "Quỹ Khuyến tài An Phát” của huyện Nam Sách, "Quỹ Khuyến học Nguyễn Đình Bể" ở huyện Kim Thành… 

PHẠM VĂN BẢO

Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, 
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh

 Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp hội được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý, gồm: Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 15 cờ thi đua xuất sắc, 125 bằng khen, 484Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học"; UBND tỉnh tặng 54bằng khen cho các tập thể, cá nhân; Hội Khuyến học tỉnh tặng 26 cờ thi đua xuất sắc và 298 giấy khen cho Hội Khuyến học cấp huyện và cơ sở...

(0) Bình luận
Bước phát triển mới của công tác khuyến học, khuyến tài