Chưa bao giờ hệ thống giao thông nông thôn trong tỉnh lại được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân như hiện nay.
Đoạn đường dài 600 m qua trụ sở UBND xã Thái Học (Bình Giang) được mở rộng giúp việc đi lại thuận tiện
Bộ mặt giao thông ngày càng hoàn thiện góp phần quan trọng giúp các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
"Thay máu"
Từ năm 2010 đến nay, thông qua các dự án, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT)
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp 4.448 km đường GTNT với tổng kinh phí đầu tư 4.449,19 tỷ đồng. Trong đó có 78 km đường nhựa, 3.799 km đường bê tông xi măng, còn lại là đường trải đá dăm, cấp phối, gạch vỡ xỉ lò. Số kinh phí xây dựng do ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 120 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 746 tỷ đồng, đặc biệt nguồn vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp lên tới gần 3.583 tỷ đồng. Cùng với xây dựng, ngân sách tỉnh còn cấp 44 tỷ đồng để bảo trì một số tuyến đường GTNT được đầu tư trước năm 2003.
|
đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn 265 xã, phường, thị trấn. Nếu ví những tuyến đường giao thông như huyết mạch của nền kinh tế thì thời gian qua, phong trào xây dựng đường GTNT trong tỉnh đã được "thay máu", từ cách hỗ trợ, cách làm... Để các chương trình đạt hiệu quả cao, tỉnh đã đưa ra cơ chế hỗ trợ trước bằng xi măng thay thế cho cơ chế hỗ trợ sau bằng kinh phí. Với cơ chế linh hoạt này, các địa phương không phải ứng vốn trước để mua xi măng.
Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của ngành giao thông vận tải, các địa phương đã huy động và kết hợp nguồn lực của Nhà nước và nhân dân tích cực đầu tư xây dựng GTNT. Nhận thức về trách nhiệm xây dựng và quản lý đường GTNT của người dân ở các địa phương đã được nâng cao một bước. Nhân dân thực hiện là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Trong các dự án GTNT tại các địa phương, nhân dân tự giải phóng mặt bằng, hiến đất xây dựng, chính quyền địa phương tham gia mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống thoát nước… Khối lượng xây dựng tăng lên đột biến, chất lượng cũng được nâng cao rõ rệt vì người dân trực tiếp tham gia giám sát quá trình thi công.
Có thể nói, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc tuyên truyền vận động của các tổ chức, đoàn thể cùng với sự đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp tích cực của nhân dân là nhân tố chính tạo nên sự thành công của phong trào xây dựng đường GTNT trong tỉnh.
Trên dưới đồng lòngĐại diện Sở Giao thông vận tải khẳng định: Ít có phong trào nào nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân như chương trình xây dựng đường GTNT. Có khảo sát thực tế tại các địa phương mới thấy đánh giá này hoàn toàn chính xác.
Điển hình như xã Thái Học (Bình Giang), GTNT đã giúp bộ mặt làng quê của xã phong quang, sạch đẹp, kinh tế - xã hội phát triển trong nhóm đầu của huyện. Toàn xã có 33 km đường giao thông, trong đó có 7 km đường liên xã, 8 km đường liên thôn, 10 km đường ngõ, xóm và 8 km đường nội đồng. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, Thái Học đã bê tông hóa toàn bộ đường liên xã, thôn, xóm và khoảng 90% đường nội đồng. Mặc dù số xi măng được hỗ trợ chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị đầu tư cho một số tuyến đường nhưng nguồn "vốn mồi" này thực sự là động lực để xã Thái Học huy động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí làm đường. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã có đến hơn 2.000 trong tổng số hơn 3.000 gia đình hiến đất làm đường. Việc mở rộng một số tuyến đường đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân. Đơn cử như việc mở rộng đoạn đường dài 600 m qua trụ sở UBND xã từ 3 m thành 6 m đã giúp người dân đến trụ sở xã làm việc thuận tiện hơn. Trường THCS và mầm non của xã cùng nằm trên tuyến đường này nên học sinh đi lại thuận lợi, không còn cảnh ùn tắc giao thông như trước. "Việc xây dựng đường GTNT đã giúp xã Thái Học đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Xã đã tự đánh giá đạt đủ 19 tiêu chí, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt xã chuẩn NTM", ông Vũ Trọng Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Ở Cẩm Giàng, Đức Chính cũng là một trong những xã có phong trào xây dựng GTNT phát triển nhanh và mạnh. Nhờ đó, xã đã trở thành xã NTM từ năm 2014. Ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chương trình xây dựng GTNT được xã triển khai từ lâu, nhưng cao điểm là giai đoạn 2011-2014. Giai đoạn này, riêng đầu tư cho làm đường GTNT của xã đã lên đến hơn 33 tỷ đồng. Từ năm 2013, xã được tỉnh hỗ trợ gần 3.200 tấn xi măng, trước đó hỗ trợ bằng tiền chiếm 20% giá trị công trình. Hiện tại, gần 30 km đường xã, ngõ, xóm đã được bê tông hóa theo chuẩn NTM, 12 km đường trục chính nội đồng cũng đã được đổ bê tông, 10km đường nội đồng các nhánh đang được hoàn thiện". Để có hệ thống GTNT hoàn thiện như hiện nay, phong trào xây dựng đường ở xã đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Cả xã có hàng trăm hộ tham gia hiến trên 10.000 m2 đất làm đường. GTNT là đòn bẩy quan trọng giúp Đức Chính đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015, thu nhập bình quân của xã đạt 31,5 triệu đồng/người. Năm 2016, xã phấn đấu đạt 35 triệu đồng/người.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 xã đạt chuẩn NTM, 128 xã hoàn thành tiêu chí về giao thông. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của ngành giao thông vận tải Hải Dương cùng chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh.
TIẾN HUY