Nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trên toàn thế giới, Liên hợp quốc (LHQ) đã lấy ngày 21.3 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ phân biệt chủng tộc.
Nelson Mandela - biểu tượng của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc
Trong thời đại ngày nay, cuộc chiến chấm dứt phân biệt chủng tộc vẫn vô cùng khó khăn và phức tạp.
Bước tiến quan trọng của nhân loại
Sở hữu tuyến huyết mạch trong giao thông đường biển quốc tế, Nam Phi đã đón những người châu Âu tìm đến định cư và khai thác từ rất sớm. Cũng chính vì vậy, vùng đất này trở thành một quốc gia đa sắc tộc, đồng thời cũng là quốc gia phát triển nhất tại lục địa này.
Tuy nhiên, đa sắc tộc cũng là nguyên nhân dẫn đến những xung đột nghiêm trọng kéo dài tại Nam Phi. Đỉnh điểm là sự xuất hiện của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid được thể chế hóa chính thức vào năm 1948.
Chế độ này loại tất cả những người không phải là da trắng ra khỏi các cơ quan quyền lực, trừ một số rất ít những người da màu. Hàng triệu người da màu đã bị đuổi khỏi nhà đến ở tại các khu dân cư tách biệt, bị tước quyền công dân và chỉ được nhận các dịch vụ công cộng ở mức rất thấp.
Điều này đã tạo nên làn sóng chống đối mạnh mẽ từ những người da màu. Hàng loạt các cuộc biểu tình, xung đột đã nổ ra ở Nam Phi. Điển hình là những cuộc biểu tình do Nelson Mandela phát động.
Với tư cách là thành viên của đảng Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC), cũng là người lập ra Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC, Nelson Mandela đã đi khắp đất nước kêu gọi người dân kháng chiến chống lại Apartheid, chống lại sự kỳ thị của người da trắng bằng các biện pháp phản kháng hòa bình.
Một sự kiện đẫm máu nhưng lại được xem là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống Apartheid: Ngày 21.3.1960, cảnh sát đã thẳng tay nã súng vào những người biểu tình da đen khiến 69 người thiệt mạng. Đảng ANC bị cấm hoạt động. Ông Nelson Mandela chuyển sang đấu tranh vũ trang. Năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.
Trong suốt thời gian bị giam cầm, Nelson Mandela vẫn kiên trì đấu tranh và thu phục được lòng mến mộ của nhiều người dân, tổ chức trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, năm 1966, LHQ đã công bố chọn ngày 21.3 hằng năm là Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc để kêu gọi cộng đồng tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc.
Theo LHQ, sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc gây cản trở sự phát triển, tiến bộ của thế giới. Phân biệt chủng tộc và sắc tộc có thể dẫn đến nạn diệt chủng, phá hủy cuộc sống và phá vỡ nhiều cộng đồng người. Vì thế, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sắc tộc là vấn đề ưu tiên của cộng đồng thế giới.
Với sự phản kháng quyết liệt từ bên trong, sự cô lập và trừng phạt từ thế giới, cộng với vị thế ngày càng suy yếu, nhà cầm quyền tại Nam Phi phải dần nhượng bộ. Đến năm 1991, chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai ở Nam Phi chính thức sụp đổ.
Năm 1994, Nelson Mandela - người đấu tranh không mệt mỏi vì quyền bình đẳng của người da màu được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Nam Phi. Những sự kiện trên đã đánh dấu bước tiến quan trọng của nhân loại trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên phạm vi toàn cầu.
Đã đến lúc phải “đổi mới”
Trong bài phát biểu kỷ niệm ngày 21.3.2019, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế đổi mới cách tiếp cận trong cuộc chiến chấm dứt phân biệt chủng tộc. Ông Guterres nhấn mạnh đã đến lúc phải "đổi mới lời hứa của chúng ta nhằm chấm dứt phân biệt chủng tộc, bài ngoại và các hành vi kỳ thị liên quan, trong đó bao gồm phân biệt xã hội và sắc tộc, hận thù người Hồi giáo và bài Do thái".
Tổng Thư ký LHQ cảnh báo chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc, không khoan dung đang ngày một gia tăng trên thế giới và được củng cố bởi các hệ tư tưởng dân tộc và dân túy.
Theo ông Guterres, sự kỳ thị về chủng tộc, tôn giáo hoặc sắc tộc có thể thể hiện qua tấn công thân thể, bằng lời nói hoặc trên phương tiện truyền thông, song điều quan trọng đối với tất cả cộng đồng là "đứng lên để bảo vệ các nguyên tắc của bình đẳng và nhân phẩm".
Ông Guterres yêu cầu hệ thống LHQ đề ra một chiến lược và kế hoạch hành động để chống lại các phát ngôn thù địch. Ông cũng cho rằng quyền con người trên toàn cầu cầu cần được duy trì và phát huy với sự hỗ trợ luật pháp quốc gia, đồng thời khuyến khích các chính trị gia và lãnh đạo tôn giáo phản đối mạnh mẽ hơn nữa các hành vi phân biệt đối xử và phát ngôn mang tính hận thù.
Sự kiện kỳ thị chủng tộc gây chấn động dư luận thế giới gần đây nhất là vụ xả súng đẫm máu tại Christchurch (New Zealand) khiến hơn 50 người thiệt mạng. Vụ tấn công xảy ra vào ngày 15.3.2019, khi Brenton Tarrant, người Australia, 28 tuổi, đã xả súng vào các tín đồ Hồi giáo đang đi lễ ngày thứ sáu hằng tuần tại đền thờ Al Noor ở trung tâm thành phố Christchurch trước khi tiếp tục di chuyển tới tấn công một đền thờ khác ở khu ngoại ô Linwood.
Phần lớn trong số 51 nạn nhân thiệt mạng là người nhập cư và công dân các nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somalia... Đối tượng Tarrant tự nhận là một người ủng hộ thuyết "người da trắng thượng đẳng".
Đây được xem là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand. Vào thời khắc đen tối đó, Thủ tướng Ardern đã được cả thế giới đánh giá cao khi liên tục mang đến thông điệp của tình yêu thương và đoàn kết dân tộc, thay vì nhấn mạnh vào sự thù hận hay khoét sâu chia rẽ.
Kể từ sau thảm kịch trên, New Zealand đã siết chặt các luật về súng đạn và đang xem xét lại các quy định về xử lý những phát ngôn thù hận. Quốc gia nước này cũng dẫn đầu nỗ lực quốc tế hối thúc các nền tảng truyền thông xã hội hành động mạnh mẽ hơn chống lan truyền chủ nghĩa cực đoan trên những phương tiện trực tuyến.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 13.3.2020 đã thừa nhận quốc gia này có thể "làm nhiều hơn nữa" để giải quyết mối đe dọa từ tư tưởng ủng hộ thuyết "người da trắng thượng đẳng". Thủ tướng Ardern nhấn mạnh tại New Zealand vẫn còn tồn tại những nhóm người tự xem mình là "những người da trắng thượng đẳng cực đoan" và vẫn có một số người tán đồng với quan điểm của hung thủ người Australia trong vụ xả súng tại Christchurch. Bà nêu rõ: "Trách nhiệm của chúng ta là phải đấu tranh không chỉ chống lại sự tồn tại đó, mà cả những yếu tố gây ra sự tồn tại đó. Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa".
Thế giới cùng sát cánh
Phân biệt chủng tộc là “chất độc” làm suy giảm sự đa dạng và đoàn kết xã hội, gia tăng bất bình đẳng, “châm ngòi” cho sự giận dữ, đau khổ và bạo lực. Phân biệt chủng tộc và sắc tộc diễn ra hàng ngày, cản trợ sự tiến bộ của nhiều triệu người trên khắp thế giới.
Phân biệt chủng tộc và sự không khoan dung có thể có nhiều hình thức - từ việc từ chối các cá nhân không được tiếp cận với những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng cho tới việc kích động hận thù chủng tộc, từ đó có thể dẫn đến diệt chủng - tất cả đều có thể phá hủy cuộc sống và phá vỡ các cộng đồng.
Xuất phát từ thực tế đó, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc luôn được xem là một vấn đề ưu tiên của cộng đồng quốc tế và là trung tâm trong các chương trình hành động vì con người. Tổng Thư ký LHQ Guterres từng khẳng định cả thế giới phải sát cánh bên nhau chống lại bạo lực đã bắt rễ trong những tư tưởng thù hận, bài ngoại và phân biệt chủng tộc.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet, ngày 6.8.2019 đã lên tiếng kêu gọi các nước, không chỉ nước Mỹ, hãy hành động chống phân biệt chủng tộc đồng thời lên án các vụ xả súng xảy ra ở bang Texas và bang Ohio trước đó vài ngày.
Bà Bachelet khẳng định LHQ lên án phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại và tư tưởng da trắng thượng đẳng. Đề cập đến một số giải pháp ngăn chặn tội ác thù hận ở Mỹ cũng như các nước khác truyền bá trên mạng xã hội, LHQ kêu gọi các công ty phát triển truyền thông trên mạng online và các chính phủ cần hợp tác để đảm bảo rằng yếu tố "quyền con người" luôn luôn được cân nhắc khi xây dựng luật, chính sách và khi phát triển các sản phẩm trực tuyến nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro về những vụ việc không mong muốn.
Tại Nam Phi - cái nôi của phong trào chống phân biệt chủng tộc, chính phủ vào tháng 3.2019 đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và kỳ thị sắc tộc. Kế hoạch này sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung sau 5 năm thực hiện.
Kế hoạch hành động quốc gia chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và kỳ thị sắc tộc thiết lập cơ chế phản ứng nhanh để giám sát các vụ phân biệt chủng tộc, các hành vi định kiến khác, số vụ việc bị truy tố bởi Viện Công tố quốc gia, cũng như lý do không truy tố và kết quả từng vụ án.
Kế hoạch mới ban hành là công cụ pháp lý quan trọng để ngăn chặn và chống lại các hành vi phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị đồng tính, bài ngoại và các hình thức phân biệt đối xử khác đang diễn ra ở nước này.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nam Phi cũng sẽ sử dụng kế hoạch trên để nâng cao nhận thức về chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng và chống phân biệt đối xử giữa các quan chức nhà nước, xã hội dân sự và người dân.
Nền tảng chia sẻ video YouTube ngày 5.6.2019 cũng thông báo sẽ cấm các video tuyên truyền hoặc cổ xúy nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, cũng như các sự kiện bạo lực. Thông báo của YouTube là một trong những động thái mới nhất của ngành công nghệ nhằm loại bỏ những nội dung thù hằn và bạo lực.
Tuyên bố của YouTube nêu rõ nền tảng này đã luôn duy trì chính sách chống lại các phát ngôn thù hằn. Đây là bước đi nữa của YouTube trong việc cấm các video thể hiện sự phân biệt đối xử, ly khai hay bài trừ dựa trên các tiêu chí như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tầng lớp, tôn giáo...
Trong khi đó, trang mạng và truyền thông xã hội Facebook hồi tháng 3.2019 cấm đăng tải các nội dung ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da trắng hoặc chủ nghĩa ly khai. Theo đó, Facebook và Instagram sẽ xóa các bài đăng và bình luận khen ngợi hoặc ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Facebook cho biết trước đây không cấm các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc da trắng vì cần phải xem xét phạm vi rộng hơn của khái niệm này, như chủ nghĩa ly khai và niềm kiêu hãnh. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các chuyên gia về quan hệ chủng tộc, Facebook đã quyết định áp dụng các quy định đối với nội dung về chủ nghĩa dân tộc da trắng tương tự như với nội dung về da trắng thượng đẳng.
Trên thực tế, lâu nay chính sách của Facebook vẫn chống lại các phát ngôn thù địch về chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Facebook cũng cho biết sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các bài viết về chủ nghĩa dân tộc da trắng. Đây cũng là cách thức đang được Facebook sử dụng để xác định các nội dung về chủ nghĩa khủng bố.
Gần đây nhất, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 2.3.2020 cho biết Berlin sẽ thành lập một ủy ban cấp chính phủ chuyên về chống cực hữu và nạn phân biệt chủng tộc ở nước này. Quyết định này được đưa ra dựa trên lá thư ngỏ của các hiệp hội người di cư sau vụ xả súng mang động cơ phân biệt chủng tộc hồi tháng 2 ở thành phố Hanau, làm 11 người thiệt mạng, gồm cả hung thủ.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh điều quan tâm nhất của giới chức Đức là phải bảo đảm để mọi người ở Đức, bất kể nguồn gốc hay tôn giáo nào, đều được cảm thấy an toàn và thỏa mái. Bà nêu rõ nạn kỳ thị người nước ngoài là vấn đề luôn gây nhức nhối và giới chức Đức thấy rõ trách nhiệm trong vấn đề này.
Theo TTXVN