Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

25/12/2010 06:18

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là mốc son lịch sử đánhdấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam chấm dứt thời kỳ đấu tranh tựphát, khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành trở thànhgiai cấp lãnh đạo cách mạng.


Ngày 5-9-1960 Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Trong diễn văn khai mạc Đại hội Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng trước các nhiệm vụ lịch sử là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua.

Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân hơn 80 năm và hàng trăm năm của chế độ phong kiến thối nát. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổ ra nhưng kết cục đều thất bại do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn soi đường. Các phong trào đấu tranh do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo dưới ngọn cờ "Cần Vương"; cùng với các cuộc khởi nghĩa nông dân lấy hệ tư tưởng phong kiến làm nền tảng đã tỏ ra lỗi thời, bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử. Các phong trào đấu tranh theo đường lối cải lương hay chủ trương bạo lực dưới ngọn cờ tư sản dân tộc đang lên cũng nhanh chóng lộ rõ sự yếu hèn, thất bại trước các nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Chỉ có phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục, rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động cách mạng, kiên trì mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Việt Nam đầu thế kỷ XX là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp đã làm tích tụ những mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân đế quốc và bè lũ tay sai. Mâu thuẫn ấy chỉ có thể được giải quyết bằng con đường đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm xác định rõ chủ trương về một cuộc cách mạng không ngừng, cách mạng “đến nơi”, bắt đầu từ cách mạng giải phóng dân tộc đến xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, sau đó tiến dần lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa với tính cách là một chế độ xã hội độc lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của mình, Đảng ta đã xác định rõ "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; về nhiệm vụ cách mạng: "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" . Như vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định rõ mối quan hệ khăng khít giữa các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam gắn độc lập dân tộc, dân chủ với định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng trước mắt, chống đế quốc là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.

Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, gần 80 năm qua từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã trải qua những chặng đường oanh liệt và thắng lợi vẻ vang. Đó là một cuộc cách mạng "đến nơi", sâu sắc, triệt để, độc lập dân tộc gắn với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những thành quả vĩ đại của cuộc cách mạng ấy là không thể phủ nhận. Vậy mà, các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam vẫn cố tình dựng chuyện, trắng trợn xuyên tạc, bôi đen lịch sử. Chúng bất chấp sự thật lịch sử dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và ngang nhiên tuyên bố rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường đưa đất nước “đi lên chủ nghĩa xã hội là đưa dân tộc vào chỗ chết”... Nhưng thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ XX đã hoàn toàn bác bỏ các luận điệu thù địch xằng bậy đó. Có Đảng lãnh đạo, giáo dục, tổ chức, rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng đường lối chính trị, đấu tranh tự phát, bước vào thời kỳ đấu tranh tự giác giành nhiều thắng lợi to lớn làm thay đổi địa vị của cả dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh dân tộc, với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Khẳng định địa vị độc tôn lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: "Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường". Ngay sau khi giành được chính quyền, Tuyên ngôn độc lập ra đời (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước bắt tay ngay vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược "xây dựng gắn liền với bảo vệ chính quyền cách mạng", trong đó trọng tâm là xây dựng, lấy xây dựng làm điều kiện cho bảo vệ. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân xâm lược Pháp, Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo nhằm phát huy sức mạnh toàn dân kháng chiến, thực hiện chiến tranh nhân dân, "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, lấy sức mình là chính"; thực hiện kháng chiến đi đôi với kiến quốc để “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”, từng bước làm chuyển hoá thế trận, thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng nhưng miền Nam vẫn tạm thời bị Mỹ, Ngụy chiếm đóng, thống trị. Trên cơ sở phân tích tình hình, xác định những mâu thuẫn chủ yếu khác nhau ở mỗi miền Nam, Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành mục tiêu giải phóng dân tộc trong cả nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Cả hai cuộc cách mạng đó đều nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời.

Sự kết thúc thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng có nghĩa là sự mở đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng chiến lược xuyên suốt đó của cách mạng Việt Nam đã được Đảng ta thực hiện ngay sau ngày miền Nam vừa được giải phóng (30-4-1975), đất nước có hòa bình, độc lập, thống nhất, quán triệt sâu sắc đường lối chiến lược của Đảng, nhân dân cả nước bắt tay vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, chúng ta không được phép một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam còn thể hiện rõ nét trong suốt 25 năm đổi mới vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trải nghiệm thực tiễn để có đường lối đúng đắn.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước chồng chất khó khăn thì những thành tựu đạt được sau 25 năm đổi mới là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định lý tưởng cộng sản cao đẹp, sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Vậy mà kẻ thù của chủ nghĩa xã hội vẫn không ngừng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận con đường phát triển đất nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa là "sản phẩm ngoại nhập, không có tương lai". Nhất là sau những sai lầm về đường lối cải tổ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thế kỷ XX, kẻ thù đã lớn tiếng tuyên bố rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã bị phủ định ngay tại quê hương của nó bởi sự lỗi thời; hơn nữa, khi du nhập vào Việt Nam đã bị cắt xén, biến dạng thành bạo lực đấu tranh; kinh tế trì trệ, suy thoái, khủng hoảng… Chúng coi đây là “hồi kết”, “Chương thử nghiệm cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản"; sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản.v.v.. nhưng thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, cải cách của Việt Nam, Trung Quốc… đã chứng minh cho điều ngược lại với những suy diễn chủ quan, sai lầm đó của kẻ thù.

Đất nước có hoà bình, thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhưng với mô hình và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng vào Việt Nam đã nhanh chóng bộc lộ khuyết tật, sai lầm của nó. Trước những sai lầm, Đảng ta đã dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật", kiên quyết sửa chữa, kịp thời tổng kết rút ra những bài học từ những thành công và cả sai lầm, thất bại, kiên trì sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. 25 năm qua với bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của một Đảng cách mạng cầm quyền luôn biết tự đổi mới, chỉnh đốn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước giành nhiều thắng lợi mới. Mô hình, mục tiêu chủ nghĩa xã hội và con đường, biện pháp xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn. Mặc dù đó mới chỉ là những thắng lợi bước đầu nhưng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản vẫn là mục tiêu mà nhân loại vươn tới. "Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".

Bốn bài học lớn Đảng đã tổng kết trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước tiếp tục là cơ sở vững chắc của những bước ngoặt cách mạng trong những năm tới: Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Ba là, đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bốn là, đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Đảng luôn chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới là cội nguồn thắng lợi góp phần tạo nên những bước ngoặt cách mạng Việt Nam.

 PGS, TS PHẠM VĂN NHUẬN

(0) Bình luận
Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo