Bước đột phá về năng suất lúa mùa ở Thanh Miện

12/10/2010 05:55

Năng suất lúa mùa của Thanh Miện năm nay ước đạt 62 tạ/ha, cao nhất trong vụ mùa từ năm 1998 trở lại đây và vượt 1,3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái, là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa mùa.


Huyện Thanh Miện đạt năng suất lúa mùa cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Trong ảnh: Nông dân xã Lê Hồng thu hoạch lúa Q5

Đến ngày 11-10, huyện Thanh Miện đã thu hoạch xong toàn bộ 7.249 ha lúa mùa. Đồng chí Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năng suất lúa mùa của huyện năm nay ước đạt 62 tạ/ha, cao nhất trong vụ mùa từ năm 1998 trở lại đây và vượt 1,3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái”. Thanh Miện cũng là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa mùa.


Xã Đoàn Kết có 454ha đất cấy lúa, trong đó diện tích đất chua, trũng chiếm 66%. Vụ mùa năm nay, xã bố trí 15% diện tích gieo cấy ở trà sớm, chủ yếu có giống Bắc thơm số 7, nếp, Q.ưu 1; còn lại 85% trà trung cấy giống Q5, nếp, Bắc thơm số 7. Những vụ mùa trước, nông dân xã Đoàn Kết thường cấy nhiều mạ dược, phương thức cấy mạ trên sân, gieo vãi còn ít. Trong kỹ thuật thâm canh mạ dược, nông dân thường để mạ dài ngày rồi mới nhổ cấy. Trong khâu chăm sóc lúa, việc bón phân mất cân đối, bón thừa đạm diễn ra khá phổ biến; việc điều tiết nước tưới dưỡng chưa khoa học, chưa hợp lý, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây lúa và lãng phí nguồn nước.

Bước vào vụ sản xuất năm nay, xã Đoàn Kết quyết tâm khắc phục những hạn chế trong sản xuất của những vụ mùa trước. Xã bố trí tăng diện tích gieo vãi và mạ sân lên 90ha. Sau khi mạ dược đủ tuổi cấy, chính quyền xã chỉ đạo nông dân cấy trong khung thời vụ tốt nhất, không để mạ già. Do cánh đồng có nhiều chân đất và địa hình khác nhau, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết thực hiện điều tiết nước nhiều lần cho từng khu vực, bảo đảm mực nước hợp lý và tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng tưới nước tràn lan như mọi năm. Chính quyền xã đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị mở 12 lớp chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân, trong đó chú trọng việc bón phân cân đối NPK, bón lót sâu, giảm bón phân đơn. Trong các đợt cao điểm phòng, trừ sâu, bệnh, các lớp tập huấn được mở xuống các thôn, xóm để giúp nông dân dễ nắm bắt và thực hành ngay. Ông Phạm Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết khẳng định: “Năng suất lúa mùa của xã ước đạt 62 – 63 tạ/ha, mức cao nhất trong vụ mùa từ trước đến nay, vượt 7 – 8 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái. Trong đó, giống Q5 cho năng suất cao nhất, đạt 66,6 – 69,4 tạ/ha. Giống lúa nếp IR352 cũng đạt năng suất 61 – 64 tạ/ha. Đạt được thắng lợi này là do xã đã bố trí thời vụ hợp lý, kỹ thuật canh tác có sự đổi mới, thời tiết vụ mùa tương đối thuận lợi, công tác phòng, trừ dịch hại thực hiện khá tốt”.

Xã Thanh Giang gieo cấy 406,7ha lúa trong vụ mùa này, trong đó trà sớm chiếm 30% diện tích, còn lại là trà trung. Giống Q5 và Bắc thơm số 7 giữ vị trí chủ lực trong cơ cấu giống của xã. Nhận thấy việc cấy mạ trên sân tiết kiệm công lao động, cho năng suất cao nên vụ mùa này nông dân Thanh Giang tích cực mở rộng diện tích cấy mạ sân. Toàn xã cấy khoảng 70% diện tích mạ trên sân, vượt 15% so với năm ngoái. Nông dân đã chú ý hơn đến việc bón phân tập trung, cân đối NPK, giảm bón thừa đạm. Mặc dù đầu vụ mùa có xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, nhưng các cơ quan chức năng trong huyện và HTX Dịch vụ nông nghiệp kịp thời bơm nước tưới dưỡng, không để ảnh hưởng lớn tới lúa mùa. Xã chỉ đạo tốt nông dân tích cực phòng, trừ sâu, bệnh, bảo vệ lúa mùa. Hiện nay, Thanh Giang cơ bản thu hoạch xong lúa mùa. Ước tính, năng suất lúa Q5 đạt khoảng 68 tạ/ha; Bắc thơm số 7 đạt khoảng 54 tạ/ha. Năng suất chung toàn vụ của xã ước đạt 63,6 tạ/ha, cao hơn mức bình quân chung của huyện 1,6 tạ/ha.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, vụ mùa năm nay có một số khó khăn. Tình trạng cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng tới điều tiết nước để làm đất gieo cấy ở đầu vụ. Cuối vụ, rầy nâu gây hại mạnh và mưa, giông làm đổ nhiều diện tích. Tuy nhiên, thời tiết toàn vụ cơ bản thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển. Huyện chủ động triển khai kế hoạch sản xuất từ sớm. Cơ cấu trà lúa, giống lúa, lịch gieo cấy được bố trí hợp lý, nông dân gieo cấy đúng lịch thời vụ.

Vụ mùa này, huyện Thanh Miện gieo cấy 7.249ha, trong đó trà sớm chiếm 24% diện tích, trà trung chiếm 76% diện tích. Phương thức gieo thẳng và cấy bằng mạ trên nền đất cứng chiếm 60% tổng diện tích gieo cấy. Đến ngày 5 – 7, nông dân đã kết thúc gieo cấy. Các cơ quan chức năng huyện tăng cường chỉ đạo nông dân chăm bón theo phương châm bón lót sâu, bón tập trung, cân đối NPK để lúa đẻ nhánh tập trung, đạt số dảnh hữu hiệu cao, hạn chế sâu, bệnh. Huyện tổ chức 59 lớp chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa cho hơn 4.200 nông dân. Trạm Bảo vệ thực vật huyện làm tốt công tác dự báo sâu, bệnh, khuyến cáo nông dân phòng, trừ kịp thời các đợt gây hại mạnh của sâu cuốn lá lứa 5, rầy nâu cuối vụ. Do thời tiết thuận lợi, công tác chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, nông dân tích cực chăm sóc, bảo vệ tốt lúa mùa nên huyện Thanh Miện đã giành một vụ mùa thắng lợi. Năng suất lúa toàn vụ ước đạt 62 tạ/ha, trong đó giống Q5 và TBR1 cho năng suất cao nhất.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước đột phá về năng suất lúa mùa ở Thanh Miện