Trong bối cảnh quan hệ Nga - Pháp có chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian gần đây, ngày 19.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Pháp.
Đây là chuyến thăm chính thức nước Pháp đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga Putin kể từ khi Tổng thống Macron đắc cử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin
Thu hẹp khoảng cách, thúc đẩy quan hệ song phương
Tại cuộc hội đàm tại khu nghỉ dưỡng mùa Hè ở Bregancon, miền Nam nước Pháp, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm trong đó có việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Libya…cũng như chống khủng bố và an ninh mạng. Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước cũng thảo luận về thiên tai và tan băng ở Siberia, đồng thời lưu ý cam kết chung tay chống lại sự biến đổi khí hậu. Cuộc hội đàm diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến được tổ chức tại Pháp từ ngày 24 - 26.8 tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Pháp Macron khẳng định Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ông Macron nêu rõ: “Tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới là chủ đề thảo luận với ông Putin. Pháp đang tiến hành công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, trong khi Nga đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Chính vì vậy, tôi muốn trao đổi ý kiến với Tổng thống Nga Putin về những vấn đề này”.
Đề cập vấn đề an ninh tập thể, ông Macron cho biết, Pháp sẵn sàng cùng với Nga nghiên cứu định hình cấu trúc an ninh giữa Nga và châu Âu, đồng thời bày tỏ tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực này sẽ thành công.
Đối với cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin nhất trí rằng những thay đổi ở quốc gia Đông Âu này sau cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về ông Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy các cơ hội hòa bình ở miền Đông, tiến tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nửa thập kỷ ở nước này.
Liên quan vấn đề Syria, ông Macron bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động không kích của lực lượng quân chính phủ ở tỉnh Idlib, nơi được coi là thành trì lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria, đồng thời nhấn mạnh cần một lệnh ngừng bắn khẩn cấp. Trong khi đó, Tổng thống Nga nêu rõ Moskva ủng hộ hành động quân sự của Syria chống các phần tử khủng bố tại các vị chí chiến lược quan trọng giáp Thổ Nhĩ Kỳ này. Ông Putin cho biết: “Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của quân đội Syria… nhằm chấm dứt những mối đe dọa khủng bố".
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron đã bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của Nga với châu Âu. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Pháp viết: "Tôi cho rằng tương lai của Nga hoàn toàn là châu Âu. Chúng tôi tin vào một châu Âu trải dài từ Lisbon tới Vladivostok".
Tạo động lực cho quan hệ Nga-EU
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra cách đây 5 năm khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây rơi vào tình trạng đóng băng, thời gian gần đây, quan hệ giữa Moskva và Paris đang dần nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt ở cấp cao, ngày càng thường xuyên hơn. Hôm 28.6 vừa qua, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Các Nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản. Lãnh đạo Nga và Pháp cũng thường xuyên điện đàm để thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Trong năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã đến thành phố Le Havre, vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe. Kết quả cuộc hội đàm cho thấy, Moskva và Paris đã chủ động đối thoại trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, nhằm tháo gỡ những vướng mắc vốn là rào cản trong quan hệ hai nước nhiều năm qua.
Có thể nhận thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao này, nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa Nga và Pháp, vốn bị đóng băng sau năm 2014, đã được khôi phục, trong đó đáng chú ý là hoạt động của Ủy ban hợp tác an ninh với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước, tức cơ chế “2+2”, và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại.
Lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai nước cũng ghi nhận chiều hướng tích cực. Kết thúc năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó; lượng vốn của Pháp đầu tư vào nền kinh tế Nga đạt hơn 18 tỷ USD. Hơn 600 doanh nghiệp Pháp hoặc liên doanh đang hoạt động tích cực trên thị trường Nga.
Trên thực tế, Điện Elysee đã nhiều lần thể hiện thiện chí muốn khởi động lại các mối quan hệ cũng như các cuộc đối thoại chiến lược với Điện Kremlin. Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Tổng thống Pháp Macron đã khẳng định vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Những động thái của Pháp được cho là phù hợp với xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia châu Âu trong việc hàn gắn quan hệ với Nga nhằm tránh tổn thất nặng nề từ những đòn trừng phạt lẫn nhau. Theo Tổng thống Nga Putin, từ năm 2014 đến nay, các biện pháp cô lập của phương Tây đối với Nga khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 50 tỷ USD nhưng EU cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với mức thiệt hại lên đến 240 tỷ USD.
Việc tăng cường hợp tác với Nga không chỉ giúp Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đối phó hiệu quả với các mối đe dọa và thách thức an ninh, trong đó có chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà còn mang lại lợi ích cho cả hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Hiện Pháp đứng thứ 7 trong số các quốc gia có vốn đầu tư vào Nga với hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại xứ sở Bạch dương, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Renault, Auchan... Ngược lại, với Nga, Pháp cũng là thị trường nhiều tiềm năng đối với một số lĩnh vực mà Moskva có thế mạnh như dầu khí, hàng không, vũ trụ ...
Giới chuyên gia nhận định, mối liên hệ giữa Moskva và Paris chưa thể quay trở lại quỹ đạo hợp tác, phát triển bình thường sau chuyến thăm của Tổng thống Putin. Song, chuyến thăm Pháp lần này của người đứng đầu nước Nga có ý nghĩa quan trọng khi không chỉ đánh dấu sự ấm lên trong mối quan hệ giữa hai nước, giúp hai bên thu hẹp khoảng cách để mở ra không gian đối thoại mới, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mà còn tạo ra xung lực mới giúp tái khởi động quan hệ Nga-EU.
Theo TTXVN