Bước đầu phát huy được trí tuệ của toàn dân

29/03/2013 10:27

Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân...



Hội Luật gia tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ảnh: Việt Cường

Cách thức lấy ý kiến rất phong phú. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp đóng góp thông qua các hội nghị. Đối với nhân dân, việc này được thực hiện thông qua chính quyền cấp cơ sở, các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, mọi người dân đều có thể góp ý bằng văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị tổng hợp, thông qua cổng thông tin điện tử, địa chỉ e-mail do các tổ chức, cơ quan báo chí, tuyên truyền công bố.

Để nhân dân thuận lợi trong việc tìm hiểu, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, công tác tuyên truyền đã chủ động từ sớm và được đẩy mạnh từ đầu tháng 2-2013. UBND tỉnh đã đưa đại diện các cơ quan tuyên truyền, báo chí lớn của tỉnh vào Tổ giúp việc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền, biên tập tài liệu, tổ chức hội nghị báo cáo viên, hội nghị định hướng về công tác tuyên truyền. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sớm mở chuyên mục tuyên truyền, dành thời lượng, diện tích thỏa đáng trên các ấn phẩm cho công tác tuyên truyền việc lấy ý kiến và đăng, phát ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đẩy mạnh tuyên truyền trực quan. Cổng Thông tin điện tử tỉnh, website của các sở, ban, ngành, địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục đăng tải các nội dung liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp; mở chuyên mục về lấy ý kiến. Một số trang website công bố địa chỉ e-mail để thu nhận ý kiến của nhân dân.

Gần 2 tháng qua, công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 luôn được quan tâm. Các ngành như công an, quân sự, tư pháp, nội vụ, thanh tra đã tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, bảo đảm thông tin 2 chiều. Mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều được báo cáo, trao đổi, thống nhất và giải quyết nhanh chóng. Việc tổng hợp ý kiến được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Mọi ý kiến của các tập thể, cá nhân được tập hợp đầy đủ, chi tiết và trung thực.

Tổng hợp đến ngày 12-3 của Sở Tư pháp cho thấy, toàn tỉnh đã tổ chức 665 hội nghị ở cấp tỉnh, huyện, xã và ở các cơ quan, tổ chức. Đã có 6.926 ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến này được tập hợp thành 42 báo cáo của các cơ quan, tổ chức và 18 văn bản, thư góp ý của công dân gửi về địa chỉ e-mail công bố trên các website. Tỉnh ta đã thu nhận được nhiều ý kiến có chất lượng cao của cán bộ và nhân dân, trong đó đáng chú ý là những ý kiến của cán bộ, nhân viên các ngành trong khối nội chính, của MTTQ, của cán bộ hưu trí, trí thức.



Đại diện lãnh đạo các sở, ngành góp ý sửa đổi Hiến pháp


Đa số các ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều cho rằng dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Dự thảo đã đổi mới về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Nội dung sửa đổi cũng đã giải quyết được những vấn đề bất cập của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và cơ bản bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Toàn tỉnh cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, về tên gọi, bố cục, về kỹ thuật lập hiến... Trong đó cả những ý kiến đồng tình và ý kiến đề nghị sửa đổi. Đáng chú ý là những ý kiến đề nghị Hiến pháp cần nâng tính khái quát, tính thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu hơn, tránh tình trạng Hiến pháp diễn giải thay các đạo luật cụ thể. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng, chính quyền trước dân. Đề nghị gộp chương III vào chương II như cách làm của Hiến pháp 1946. Đề nghị gộp một số điều gần giống nhau vào thành một điều như: điều 3, 5; điều 13, 14; điều 16, 17... Đề nghị thêm chương "Chế độ kinh tế" tách từ các điều của chương III để tương xứng với chương I "Chế độ chính trị". Hiến pháp nên viết gọn lại thành 10 chương, 100 điều cho dễ nhớ...

Giai đoạn 1 của đợt lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã kết thúc. Giai đoạn tiếp sẽ kéo dài đến hết tháng 9-2013. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp đầy đủ các ý kiến. Cần khắc phục ngay tính hình thức, chung chung, như việc báo cáo tổng hợp ý kiến quá ngắn hoặc đồng ý với toàn bộ nội dung...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Bước đầu phát huy được trí tuệ của toàn dân