Đã có 9 người ở Guinea Xích Đạo tử vong trong đợt bùng phát vi rút Marburg. Bệnh rất hiếm gặp ở người nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 88%. Hiện vi rút này chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Bệnh nhân nhiễm vi rút Marburg được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Uige, Angola - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13.2, Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở bờ biển phía tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do vi rút Marburg, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía tây đất nước này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do vi rút Marburg - một bệnh có độc lực cao - gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên tới 88%.
Hiện chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do vi rút Marburg, tuy nhiên việc chăm sóc hỗ trợ sớm bằng bù nước và điều trị triệu chứng sẽ giúp cải thiện khả năng sống.
PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết bệnh Marburg có nhiều điểm tương tự về tác nhân gây bệnh (đều thuộc họ filovirus), triệu chứng lâm sàng, khả năng gây tử vong và đường lây truyền với bệnh Ebola.
Riêng về độc lực, vi rút gây bệnh Marburg có độc lực thấp hơn một chút so với bệnh Ebola.
Do vi rút chủ yếu lưu hành ở động vật (các loài khỉ, vượn và dơi) ở vùng dịch lưu hành (vùng nam của sa mạc Sahara) nên khả năng lây lan từ động vật sang người Việt Nam là không có, trừ trường hợp nhập lậu động vật hoang dại.
Vi rút Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, khả năng lây rất thấp
Với nguồn lây từ con người, PGS Dũng cho hay chủ yếu là do tiếp xúc của da và niêm mạc với dịch tiết như nước bọt, mồ hôi, chất nôn ói, phân, nước tiểu, máu, sữa và tinh dịch của người bệnh (còn sống hay đã chết). Nhưng người bệnh thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng rất thấp.
Tuy nhiên cần lưu ý là nhiều loại vi rút (trong đó có vi rút Ebola và Marburg) có khả năng tồn tại trong tinh hoàn sau khi người bệnh hết bệnh, nên vi rút có thể hiện diện trong tinh dịch khoảng 2 tháng sau khi mắc bệnh.
"Việc giáo dục tránh quan hệ tình dục với người có sống ở vùng dịch nếu không rõ tiền sử y khoa của những người này cũng là điều quan trọng để giảm bệnh lây lan", PGS Dũng nhấn mạnh.
Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin bệnh do vi rút Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người và hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.
WHO cho biết thêm, các cuộc điều tra tiếp theo về đợt bùng phát bệnh do vi rút Marburg đang được tiến hành. Tại các quận bị ảnh hưởng thuộc Guinea Xích Đạo, các đội tiên phong đã được triển khai để theo dõi những người tiếp xúc, cách ly và chăm sóc y tế cho những người có triệu chứng bệnh.
Bên cạnh đó, WHO cũng đang thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó quốc gia và bảo đảm sự cộng tác của cộng đồng trong việc kiểm soát ổ dịch.
Theo Tuổi trẻ