Những ngày cuối tuần trong tháng 3 này, hàng chục nghìn du khách quốc tế đổ đến TP Hạ Long (Quảng Ninh), có thời điểm lên tới 15.000 lượt người/ngày.
Khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long tăng mạnh - Ảnh: Đức Hiếu |
Đáng chú ý, du khách Trung Quốc chiếm đến 70% và vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái bằng đường bộ.
Dù đánh giá đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều du khách quốc tế đổ đến địa phương này cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là khi công tác quản lý du lịch, kiểm soát tour tuyến còn nhiều bất cập.
Tăng đột biến
Sáng 25.3 tại khu vực cảng quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh), khoảng 2-3 phút lại có một ô tô du lịch loại 45 chỗ đưa những đoàn khách đến nhà ga cảng tàu, hầu hết là khách Trung Quốc.
Chưa đầy 3 giờ, hơn 250 lệnh được cấp cho tàu du lịch cập bến, phục vụ nhu cầu tham quan của 5.000 khách. Càng về trưa, lượng khách đổ về đây càng tăng.
Hàng chục đoàn khách cùng đến làm thủ tục vào một thời điểm khiến khu nhà chờ tàu đông bất thường và náo nhiệt với nhiều cuộc hội thoại, phần lớn bằng tiếng Trung Quốc.
Phía ngoài khu vực đỗ xe ở cả trong và bên cạnh cảng tàu này chật kín ô tô. Ước tính có hơn 100 xe loại 45 chỗ chuyên chở khách Trung Quốc đỗ tại đây.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các hãng lữ hành đều chọn khu du lịch Bãi Cháy là điểm nghỉ ngơi cho khách. Không khó để nhận biết những tốp khách Trung Quốc đi dạo, mua sắm dọc tuyến đường Hạ Long - Cái Dăm (phường Bãi Cháy) đặc biệt là vào chiều muộn, sau khi hết giờ thăm vịnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tuấn Hà - Phó Giám đốc cảng tàu quốc tế Tuần Châu cho biết vào tháng 3 hằng năm, lượng du khách quốc tế đổ về đây chưa đến 3.000 khách/ngày, nhưng con số này thời gian gần đây lên tới hơn 10.000 người/ngày, thậm chí có thời điểm lên đến 15.000 khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách du lịch Trung Quốc chiếm tới hơn 70%, thường chỉ đi trong ngày chứ ít nghỉ đêm trên vịnh.
Ông Vũ Đức Trường - một trong những đầu mối cung cấp phòng nghỉ cho khách du lịch đến Hạ Long cho biết so với thời điểm cùng kỳ 2016, lượng khách Trung Quốc tăng hơn 30%.
“Chúng tôi có khoảng 300 phòng nghỉ và đã được khách tour Trung Quốc thuê hết. Họ đến nghỉ khoảng 19h-20h, sáng hôm sau đi sớm và trả phòng luôn” - ông Trường nói.
Trong khi đó, anh Nam - một chủ tàu chuyên đón khách Trung Quốc - khẳng định các hợp đồng của đơn vị trong tháng 3 đã tăng hơn 50% so với thời điểm sau Tết.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, những ngày cuối tuần của tháng 3, mỗi ngày có khoảng 5.000 du khách Trung Quốc qua lại cửa khẩu này, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Một chuyên gia du lịch nhận định hiện tượng này là do nhu cầu đi du lịch của du khách nước này ngày càng tăng, đặc biệt sau khi có thông tin Trung Quốc cấm người dân đi du lịch Hàn Quốc.
“Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối của khu vực Quảng Ninh - Hà Nội với các tỉnh phía nam của Trung Quốc hiện rất thuận lợi, chi phí du lịch thấp cộng với công tác quảng bá du lịch đẩy mạnh nên khách đến Quảng Ninh ngày một nhiều” - vị này nhận định.
Hướng dẫn viên dẫn đoàn khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long vào dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu |
Phải biết chăm sóc khách
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Đăng Thanh - Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh nhiều trước hết là một cơ hội lớn cho du lịch địa phương này, cho thấy Quảng Ninh thực sự thu hút du khách quốc tế.
Đó cũng là cơ hội để các nhà đầu tư đến đây xây dựng hạ tầng lưu trú, hạ tầng giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí... Qua đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai khoáng sang dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm trong khu vực này.
Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận việc có quá nhiều du khách Trung Quốc cũng phát sinh nhiều vấn đề và nếu công tác quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
“Khách đông cũng gây áp lực đến vấn đề môi trường, bảo đảm an ninh trật tự. Có một số doanh nghiệp với cách làm chưa bài bản, hay dùng các chiêu trò làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch...” - ông Thanh nói.
Ngoài ra, một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc có dấu hiệu bất minh trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, chủ các cửa hàng cấu kết với đơn vị lữ hành để tổ chức những tour du lịch giá bèo, đưa khách đến các điểm này với mức hoa hồng cao và thu tiền “đầu khách”.
Có những điểm bán hàng thường xuyên thay đổi pháp nhân và tên cửa hiệu, giá cả các mặt hàng cao hơn nhiều so với giá thị trường. Một số hướng dẫn viên sử dụng thẻ hướng dẫn giả hoặc không có thẻ hướng dẫn, nhất là vào các ngày cao điểm...
Trong một cuộc họp về du lịch mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nêu ra những tồn tại của hoạt động kinh doanh lữ hành, nhất là với đối tượng khách đường bộ từ Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá tour hoặc khoán trắng cho hướng dẫn viên... làm xấu hình ảnh của du lịch Quảng Ninh.
Do vậy, ông Long đã phát động chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch địa phương.
Theo đó, lực lượng liên ngành của địa phương sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp lữ hành, xử lý nghiêm các vi phạm, có thể tạm đình chỉ hoặc chấm dứt cấp phép hoạt động. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lược lâu dài với thị trường khách du lịch Trung Quốc.
“Chúng ta cần chăm sóc và xác định thị trường để có một cách ứng xử phù hợp. Đừng bao giờ nghĩ khách Trung Quốc là khách rẻ tiền vì thực tế sức tiêu dùng và nhu cầu mua bán của dòng khách này rất lớn” - vị này nói.
Theo Tuổi trẻ