Cuối tháng 7, người dân thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) bức xúc và lo lắng khi phát hiện hàng chục tấn bùn thải nghi độc hại bị xả trộm ra bãi rác sinh hoạt của thị trấn.
Hố chôn lấp bùn thải đã được lực lượng chức năng khai quật
Sự việc đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý bước đầu. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm vì không biết lượng bùn thải đó nguy hại như thế nào, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe ra sao?
Nhiều nơi có bùn thải Ngày 21-7, lực lượng chức năng huyện Kinh Môn phát hiện khoảng 2 m3 bùn thải nghi độc hại được chôn lấp dưới lớp đất trong mỏ đá cũ. Lượng bùn thải ở dạng rắn có màu xám đen, bốc mùi tanh hôi. Cách đó vài chục mét, trong bãi rác thải sinh hoạt của thị trấn có một lượng bùn thải lớn hơn thế cũng được người dân phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng. Mặc dù đã qua gần chục ngày nhưng tại bãi rác sinh hoạt của thị trấn Phú Thứ từng lớp bùn thải được đổ lẫn rác thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý. Trên bề mặt, lớp bùn đã khô, dùng tay bóp nhẹ tơi vụn, nhiều chỗ có màu xanh của lớp gỉ kim loại, mùi tanh nồng giống như mùi đạm u rê. Bà Vũ Thị Bình ở khu 2 Lỗ Sơn cho biết: "Bao năm nay người dân Phú Thứ đã chịu đựng khói và bụi từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Bây giờ, họ còn đổ trộm bùn thải ra môi trường. Chúng tôi chưa biết lượng bùn thải này chứa độc tố gì, có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe hay không. Vì vậy, tôi mong cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, truy rõ chủ nguồn thải để xử lý theo quy định của pháp luật".
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, người dân thị trấn Phú Thứ còn phát hiện một lượng bùn thải lên tới hàng trăm m3 được đổ tại khu vực giáp mỏ đá của Công ty CP Khai thác khoáng sản Hải Dương, gần khu dân cư Phúc Sơn. Bùn thải có màu nâu đen, lẫn nhiều hạt màu xanh, phía trên tơi xốp, dưới chân đặc quánh do đọng nước mưa. Lượng bùn này khá giống với bùn thải được đổ trong bãi rác của thị trấn đã được phát hiện trước đó.
Hành động vô trách nhiệmĐến bây giờ, câu hỏi lượng bùn thải đó phát sinh từ đâu, do ai đổ trộm ra môi trường vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Phần lớn người dân khẳng định lượng bùn này do Công ty TNHH Nhôm Tân Đông thải ra vì trên bao bì còn ghi rõ tên công ty. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Quảng, Giám đốc Nhân sự và Đối ngoại Công ty TNHH Nhôm Tân Đông thừa nhận bùn thải là của công ty nhưng đơn vị không thải ra môi trường. "Công ty đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc vận chuyển bùn mẫu không thực hiện được do doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Khi đó, thay vì chuyển vào công ty, doanh nghiệp lại đổ thẳng ra bãi đất trống. Ngay sau khi biết tin, chúng tôi đã cho người ra thu gom, vận chuyển về công ty để xử lý. Quá trình thu gom không triệt để nên còn sót lại vài bao dẫn đến việc người dân hiểu lầm công ty đổ trộm ra môi trường", ông Quảng giải thích. Cách giải thích này không thuyết phục. Một người dân thắc mắc: "Không doanh nghiệp nào lại ký hợp đồng với một đơn vị chưa đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại". Người dân cũng nghi ngờ tại sao phải lấy bùn mẫu với khối lượng lên tới vài m3. Ngoài ra, công ty khó giải thích về vài chục m3 bùn thải được đổ lẫn rác thải sinh hoạt lại có cùng đặc điểm với lượng bùn được phát hiện trước đó. Đây là điều người dân đang nghi ngờ và mong muốn cơ quan chuyên môn nhanh chóng kiểm tra, xác minh làm rõ. Ngoài lượng bùn thải đã được phát hiện, người dân cho biết vẫn còn một lượng bùn lớn hơn đã bị đổ thẳng xuống các hồ nước trong khu vực. Điều này cũng cần được các cơ quan chức năng xem xét.
Đối với lượng bùn thải hàng trăm m3 nằm tại khu đất giáp với mỏ đá của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết vị trí chứa bùn thải thuộc dự án tuyển xỉ của Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên. Công ty đã được Nhà nước giao 2,2 ha đất thời hạn 50 năm phục vụ dây chuyền tuyển xỉ thuộc dự án luyện thép. Từ năm 2014, UBND thị trấn đã kiểm tra, yêu cầu công ty thực hiện đúng các quy định trong quá trình sản xuất, lưu giữ, vận chuyển xỉ, bùn xỉ. Theo đại diện lãnh đạo Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên, dây chuyền tuyển xỉ nằm trong dự án xây dựng nhà máy luyện kim Tân Nguyên. Trong quá trình sản xuất, lượng xỉ phát sinh sẽ được vận chuyển đến dây chuyền tuyển xỉ để nghiền. Quá trình này sẽ phát sinh bùn xỉ. Lượng bùn xỉ này được nạo vét định kỳ và bán lại cho các đơn vị sản xuất xi măng. Sở dĩ người dân cho rằng bùn xỉ bị đổ trộm ở đây là vì diện tích khu đất khá lớn, bùn xỉ lại được chứa ở phía cuối, giáp với đất của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng tường rào, treo biển cảnh báo để tránh người dân hiểu lầm.
Người dân đang mong chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn để làm rõ doanh nghiệp nào phát sinh loại bùn thải này, ai đã đổ trộm ra môi trường, bùn thải có độc hại hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? "Đổ trộm bùn thải ra môi trường là hành động vô trách nhiệm cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật", anh Trương Văn Đảo ở khu 2, thị trấn Phú Thứ đề nghị.
VỊ THỦY
UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn tập trung giải quyết dứt điểm đơn, thư của một số hộ ở các khu dân cư số 2 và 3, thị trấn Phú Thứ phản ánh hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông, Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên, Công ty Xi măng Cường Thịnh... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định tại khu vực gần bãi rác của thị trấn Phú Thứ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10 - 8. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND huyện Kinh Môn kiểm tra, giám sát 21 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30 - 9.
PV
|