Hồi còn bé, lần đầu tiên được bà ngoại dắt đi chợ quán Đông đầu làng cho ăn bát bún cá rô, Long ăn ngon lành. Gió thổi trên cành đa lào xào chưa qua hai cơn, bát bún cá rô đã không còn cả nước dùng.
Hồi còn bé, lần đầu tiên được bà ngoại dắt đi chợ quán Đông đầu làng cho ăn bát bún cá rô, Long ăn ngon lành. Gió thổi trên cành đa lào xào chưa qua hai cơn, bát bún cá rô đã không còn cả nước dùng. Con bé Luyến phụ mẹ bán hàng vừa cắt bún vừa che miệng cười rúc rích khiến Long đỏ mặt. Long chợt thấy ghen tị với con nhỏ, có lẽ suốt ngày được ăn bún cá rô nên má nó phúng phính như hai miếng bánh đúc. Nó mà là em gái Long thì suốt ngày bị bẹo má. Đợi Long ăn xong, bà kéo tay Long đi sang gốc đa và dặn, cháu ngoan, học giỏi, thoát khỏi cảnh nghèo thì cả đời thích ăn bún cá rô lúc nào chẳng được. Cá rô đầm Đông làng ta thơm ngon nức tiếng ở vùng xứ Đông, lại ăn với bún của cô Hạ làm từ gạo tẻ thơm cấy dưới đồng Hương thì không đâu sánh bằng.
Cho đến bây giờ, bà ngoại đã về suối vàng từ lâu, Long vẫn nhớ y nguyên buổi chợ đó và lời bà dặn. Tuy Long học không giỏi để thành đạt, giàu có như bà mong mỏi nhưng hằng ngày đã có thể được ăn thỏa thuê món bún cá rô, vì Long đã gọi cô Hạ là mẹ vợ. Con bé má bánh đúc ấy đã là vợ Long.
Một lần mang giỏ cá tới đổ, Luyến nhận và trả tiền, Long chợt nhìn thấy cái khuôn nón lá Luyến đang khâu dở, đường kim mũi chỉ đều chằn chặn mà kín. Lá nón trắng muốt như cánh cò. Long mạnh bạo:
- Luyến khéo tay nhỉ? Có bán nón không?
Con bé má lúng liếng trả lời:
- Không, em sẽ đổi nón bằng cá rô của anh bắt cơ!
Nghe con bé nói, Long khẽ khàng:
- Thế mai tôi sẽ mang cá vào đổi nhé! Nhưng Luyến phải thêu hoa hồng trong vành nón đấy!
- Gớm, ăn chơi thế! Anh tặng người yêu à?
Nghe Luyến hỏi, hai má Long nóng lên vì xấu hổ nói:
- Yêu đương gì. Cái nón của mẹ tôi đã vá chằng vá đụp mấy miếng rồi. Mẹ tôi chỉ thích thêu hoa hồng không thích tranh ảnh màu mè.
Chiều hôm sau, Long mang cái giỏ chỉ có chừng dăm con rô ron đi qua quán Đông. Luyến chạy ra mang theo cả mùi ngai ngái cúc tần còn quyện theo trong tà áo:
- Nón của anh này!
- Nhưng hôm nay dở giời không bắt được nhiều cá rô...- Long ái ngại nói thì Luyến bảo:
- Anh cứ cầm nón về cho mẹ đi, rồi anh trả cá rô cho em sau cũng được.
Hai đứa yêu nhau từ lúc nào.
***
Nhà Long đông anh em, nhà Luyến chỉ có một mình, hàng quán lại đắt khách nên một thời gian sau khi cưới, vợ chồng Long dọn ra ở luôn ngoài quán để tiện bán hàng. Khi đã thạo nghề hơn, vợ chồng Long được mẹ vợ bàn giao nghề và thương hiệu “Bún rô quán Đông” cho mà làm ăn, còn bà về nhà trong làm bún bán và vui cảnh vườn ao.
Làng lấy hai khu đồng Hương dọc con đường cái dẫn vào làng và vào đầm Đông để cắt lốt, chia ô bán đất. Nhà cửa mọc lên san sát, nhọn, vuông, bè, ken vào nhau như xếp hình. Những đất thừa, đuôi thẹo của các nhà cũng xây từng gian để cho thuê trọ. Công nhân ở hai khu công nghiệp vào thuê nườm nượp. Chợ quán Đông bỗng phình to, hàng bún cá rô quán Đông khách ra ăn từ tờ mờ sáng.
“Mình sẽ phải kiếm tiền để xây nhà”. “Vợ chồng mình cứ bán bún cá rô anh thấy ổn rồi còn gì nữa?”. “Anh với em còn trẻ chứ không phải như mẹ em mà bám vào quán bún cá bằng lỗ mũi này. Chúng ta phải năng động mà làm ăn thì mới theo kịp thiên hạ chứ?”.
Long thấy một vật gì đó ngáng ở họng. Lần đầu tiên Long nhận thấy vợ trở nên chua ngoa, toan tính, hám lợi. Anh cắm đầu vào mớ cá rô mà mổ, còn phải luộc, gỡ, rim rán. Buổi chiều thứ bảy có nhiều khách, anh còn phải đến lớp mẫu giáo đón con Bông về gửi bà ngoại trông hộ rồi quay ra bán hàng cùng với Luyến. Nhưng lúc sau Luyến ăn diện, đánh phấn bôi son, dắt xe máy ra cửa quán bảo:
- Anh ở nhà bán hàng. Em điện thoại nhờ mẹ đón con hộ rồi.
Long thấy Luyến diện dàng hỏi:
- Em đi đâu?
Luyến nhấn ga và nói:
- Mấy đứa bạn thân nó mời đi ăn tối. Em về muộn.
Chẳng biết Luyến về lúc nào, vì sau khi vị khách cuối cùng về với bước chân vắt thừng, Long phải vội vã dọn rửa, lau chùi quán rồi leo lên giường, mệt quá thiếp đi. Sau buổi đó, Luyến hay đi chơi hơn. Long hỏi thì Luyến bảo phải đi giao du để mở mắt, tính chuyện làm ăn.
Trưa ấy, Long từ đầm lên, vừa đánh vừa mua được lưng thau tướng cá rô đang ngồi đánh vẩy thì Luyến mặc váy hồng ra ngồi xuống bên cạnh. Kể từ khi Luyến có thai con Bông hay nôn ọe thì Long đã không để Luyến mổ cá nữa. Luyến nói:
- Làng mình nhiều người đi xuất khẩu lao động lắm rồi. Nhà Ba vừa về làm thủ tục đón vợ con sang bên Nhật đấy anh ạ. Nghe đồn mỗi tháng trừ ăn tiêu cũng để được năm chục triệu tiền Việt gửi về.
Hai hôm sau, Luyến bảo xin đi làm văn phòng cho một công ty may mặc liên kết với nước ngoài. Năm tháng sau, Luyến hỏi Long: Tiền tiết kiệm của anh có bao nhiêu? Em sẽ đi xuất khẩu lao động.
***
Nhiều nhà cao tầng mọc lên vây lấy đầu làng, quán Đông ít gió hơn nên cũng đã loãng dần đi hương sen, hương súng trong những làn gió sớm, gió chiều. Mỗi khi vãn khách, Long ngẩn ngơ ra đứng dưới tán đa ngóng ra phía xa xa. Những cánh chim trời bay về lao xao trên bụi cây mọc ở mô đất trồi lên giữa đầm trong ánh chiều tà, gợi cảm giác trống vắng, hanh hao cả cõi lòng. Ở chỗ cầu ao gần cây dành dành, vài đứa con trai, con gái mới lớn đang ngồi rúc rích với nhau. Cánh đồng Hương đang co lại, lụn vụn, còn làng thì phình to không còn ra hình hài gì. May còn cây đa cổ thụ để cho người đi xa nhớ mốc tìm về.
Luyến cũng đã về, nhưng Luyến không về một mình. Sau gần ba năm đi xa, Luyến về với một người đàn ông trung niên ngoại quốc, ô tô đỗ tận cổng nhà bà Hạ. Bà Hạ ớ người ra không ngờ tin đồn đến tai bà tháng trước là con gái bà bên kia có bồ đã không phải tin nhảm. Bà khóc lóc tìm lời khuyên can con gái nghĩ lại mà về với Long, xin Long tha thứ. Long là người rộng lòng, chỉ cần Luyến quay đầu là bờ. Nhưng Luyến không nghe, nhất quyết đâm đơn ly hôn. Long ôm con Bông vào lòng, đứng chết lặng dưới gốc đa. Con Bông nhìn trăng tròn chỉ tay hỏi bố có nhìn thấy cây đa chú Cuội không bố? Long gật đầu. Bông lại hồn nhiên, chẳng thấy chị Hằng đâu, chị Hằng mải vui không về gốc đa rồi. Long nuốt nước mắt vào trong. Long không ký thì tòa vẫn xử, chưa đầy sáu tháng sau, Luyến về nhận tờ giấy ly hôn, đánh xe ra quán Đông, tìm gặp Long lúc vắng khách.
Luyến lịch sự như Tây:
- Không là vợ chồng nhưng mình vẫn là bạn anh nhé! Giờ em sang đó còn chưa ổn định nên không mang con Bông theo được. Em nhờ anh nuôi con giúp em, hằng năm em sẽ gửi tiền về cho anh. Đợi năm con tròn mười tám tuổi em sẽ đón con đi, khi đó em dư sức nhập quốc tịch cho con! Sau này anh thích, sang đó chơi với con vô tư!
Long vẫn bình lặng như không.
Luyến ướm lời:
- Nghe đồn, anh với cô Thoa làng bên cũng gắn bó lắm! Sao hôm nay không thấy cô ấy ra phụ hàng giúp anh? Chẳng lẽ cô ta ngại gặp em?
Long thấy mình không cần phải trả lời câu này nên đi vào bếp bắc nồi nước lá lên. Con Bông vừa khỏi cúm, cần đun cho nó một nồi nước xông thật to để giải cảm. Vừa làm Long vừa chợt nhớ tới Thoa, cái cô gái sát cá đến bán cá rô cho anh một thời gian rồi bỗng nhiên lí nhí xin giúp việc để được học nghề, chưa từng có ai muốn học món bún cá rô nên Long hơi bất ngờ, chẳng biết trả lời sao.
Cả tháng sau, vẫn mang cá đến đổ nhưng không thấy Thoa nhắc nhở gì tới việc xin học nữa. Một chiều đi ra sau bếp lấy ít than bắt gặp Thoa đang ngồi chơi trâu lá đa với Bông bên gốc đa. Thấy Long, Thoa đứng lên định ra về, thì Long gọi lại và hỏi cô còn muốn học nấu món bún rô không? Thoa bẽn lẽn gật đầu.
Long nhận học viên, nhưng chẳng dạy dỗ gì, mặc cho Thoa học bằng mắt và tự thực hành bằng tay. Thực hành thì chủ yếu là lau bàn, rửa bát, bưng bê, mổ cá. Đã một tháng nay Thoa học việc trong im lặng với ông thầy khó tính. Không hiểu sao hôm nay cô ấy nghỉ mà không có lý do gì. Chẳng lẽ, Thoa biết Luyến về giải quyết chuyện ly hôn nên tránh mặt? Cá cũng không có ai mang ra đổ. Đã lâu lâu, ngoài Thoa ra, chẳng có mấy đám trẻ trâu mang cá rô đổ cho quán. Chúng đã độn thêm tuổi để xin đi làm trong những công ty dọc quốc lộ 5 hay đi xuất khẩu lao động. May mà Long vẫn còn sát cá, thêm những giỏ cá của Thoa tranh thủ trưa chiều đi bắt, nên quán vẫn ấm, duy trì ở mức đủ cho Long chạy ra chạy vào. Chính vì thế, Long có thời gian suy nghĩ về lẽ đời khi ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Long nghiệm rằng, sống ở trên đời đâu cần phấn đấu bợt mặt để to tát, để oai oách lên làm gì. Long chỉ cần nấu ngon món bún cá rô nóng hổi và thơm đằm vị mặn mòi, nồng nàn của hương đồng, gió nội cho khách ăn một lần thì lại muốn quay về quán ăn lần nữa, ăn lần nữa rồi thì lại muốn ăn mãi, nhớ không quên cái vị bún cá quán Đông là đủ. Long chỉ cần con Bông chiều về bên bố thì vui cười hớn hở, chạy quanh quẩn bên gốc đa chơi. Tối đến, hai bố con đem chiếu ra trải bên gốc đa ăn cơm tối và ngắm trăng lên trên đồng Hương, trên đầm Đông, thỉnh thoảng có mấy đứa trẻ hàng xóm chạy sang ríu ra, ríu rít với nó như bầy chim ri, thế thôi đã là hạnh phúc rồi.
***
Long đã nung nấu, mày mò tự chế ra công thức làm nước dùng thật đặc biệt sau một tháng thử thách cho một số khách hàng quen biết thưởng thức. Nhất là hôm tay Đen, làng ai cũng quen gọi vậy vì da nó rất đen, làm ở một công ty Nhật, bên đường tàu vào ăn gật gù như bổ củi thì Long đã mãn nguyện. Ba hôm sau, Đen đèo xe đạp một tay Nhật khác đến, bảo Long làm cho hai bát bún cá rô để nó mời bạn Ma-sa-tô của nó. "Làm ngon nhé, nhớ phải là cá rô đầm Đông, Ma-sa-tô tinh mồm lắm!", Đen nhắc. Chén xong bát canh, Đen và Ma-sa-tô cứ luôn miệng khen ngon ngon, lạ lạ, còn rủ rê Long bao giờ đến nước Nhật chơi sẽ đãi món kim chi, kim bắp.
Long quay vào dọn bàn thì bà Hạ hớt hải đi vào, vẻ mặt sầu thảm: “Con ơi, hỏng rồi!”. Bà Hạ òa khóc. Long dìu bà ngồi xuống ghế, rót mời bà cốc nước vối.
- Có chuyện gì hả mẹ?
- Có chuyện với con Luyến rồi con ơi. Giờ mẹ chẳng biết cậy nhờ ai nữa! - bà Hạ vừa nói vừa gạt nước mắt.
- Luyến làm sao? - Long cũng hốt hoảng theo.
- Bên Nhật, cái Nhung bạn nó vừa gọi điện cho mẹ, con Luyến bị người ta đánh ghen, nặng lắm, mấy ngày sau, bạn bè mới biết, cho đi viện, bác sĩ khám, kết luận, mắt trái không chữa được, thằng kia đã truất ngựa truy phong rồi!
Long tái mặt, không ngờ kết cục lại bi đát như thế, Long nói:
- Mẹ cứ bình tĩnh, ở bên đó thì phải nhờ bạn bè bên đó lo cho thôi!
Bà Hạ đau đớn:
- Ai người ta cũng phải đi làm, con Luyến thì đã trốn ra ngoài, nay lại bị thế này. Con ơi là con ơi, cái thân tôi ăn ở kiếp trước như thế nào mà kiếp này lại nhục như thế chứ...
- Mẹ cứ bình tĩnh, để bàn tính xem sao...
Bà Hạ ôm lấy tay Long:
- Gia cảnh mẹ thì con biết rồi, chỉ có một mẹ một con, phải cho nó về quê thôi con ơi. Mẹ nhờ con động viên nó!
Gió đông lộng luồn qua những tán đa, cuốn theo lá vàng lả tả bay theo chiều gió, nhìn theo một chiếc lá đa vừa bứt khỏi cành chao đảo rồi liệng xuống mặt đầm chòng chành như một con thuyền nhỏ giữa biển khơi. Long mở nắm tay, trong ấy có tờ lịch cũ ghi dòng điện thoại của Luyến mà bà Hạ vừa đưa.
Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG