Không kịp thời phát hiện, chưa kiên quyết xử lý là những nguyên nhân khiến vi phạm xây nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, đất chuyển đổi tại huyện Kim Thành trở thành vấn đề bức xúc.
Công trình vi phạm trên đất chuyển đổi tại xã Ngũ Phúc
Năm 2003, gia đình ông Đặng Văn Quang ở thôn Vũ Xá, xã Thượng Vũ nhận đấu thầu hơn 1,5 mẫu đất trũng của thôn để chăn nuôi. Năm 2007, gia đình ông đã tự ý xây căn nhà 1 tầng kiên cố, diện tích hơn 60 m2 có đầy đủ công trình phụ khép kín tại đây. Nhiều năm nay, công trình vẫn còn, không bị tháo dỡ.
Tương tự, tại thôn Thiên Xuân (xã Kim Tân), hơn 10 năm trước, gia đình ông Lê Văn Huy nhận đấu thầu đất chuyển đổi của địa phương để phát triển chăn nuôi. Ngay sau đó, gia đình ông đã xây dựng căn nhà cấp 4 kiên cố. Khi phát hiện, xã đã lập biên bản xử lý vi phạm, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Đến năm 2017, gia đình ông tiếp tục cơi nới thêm.
Tình trạng trên diễn ra tại nhiều xã. Toàn huyện Kim Thành hiện có khoảng 1.000 hộ vi phạm xây nhà ở trên đất chuyển đổi. Những năm qua, việc xử lý các trường hợp vi phạm đạt tỷ lệ thấp, số hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số xã có nhiều hộ vi phạm như Thượng Vũ (122 hộ), Lai Vu (hơn 100 hộ). Các vi phạm chủ yếu là vượt quá diện tích sàn cho phép, nhiều hộ xây dựng kiên cố bằng bê - tông, có đầy đủ công trình phụ. Có nơi các trường hợp vi phạm tồn tại nhiều năm nay, trong đó nhiều trường hợp tái phạm.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình chị Lê Thị Xuân Quỳnh ở thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu đã tự tháo dỡ công trình vi phạm trên đất chuyển đổi
Chưa kiên quyết xử lý
Năm 2012, khi phát hiện gia đình ông Tạ Văn Khanh ở thôn Thượng Đỗ sửa chữa, mở rộng diện tích nhà ở trên đất chuyển đổi, xã Thượng Vũ đã xuống kiểm tra, yêu cầu dừng thi công. Nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi, gia đình ông Khanh lại tiếp tục xây dựng. Đến nay, công trình vẫn chưa được xử lý.
Anh Hoàng Văn Công, cán bộ địa chính xã Thượng Vũ cho biết: "Toàn xã đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với 122 trường hợp, nhưng hiện mới có 98 hộ nộp phạt, 11 hộ bị buộc phải tháo dỡ cũng chưa có hộ nào thực hiện".
Lý giải cho việc chưa kiên quyết xử lý người vi phạm, lãnh đạo một số xã ở Kim Thành cho rằng việc này khó vì người dân có nhu cầu làm nhà trên đất chuyển đổi để tiện trông coi, bảo vệ tài sản; mức xử phạt hành chính hiện còn thấp, chưa đủ tính răn đe. Tuy nhiên, cũng nhiều cán bộ xã thừa nhận là trách nhiệm của ban chỉ đạo xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh.
Tháng 4.2018, huyện Kim Thành đã triển khai một loạt kế hoạch nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm làm nhà trên đất chuyển đổi. Huyện phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ hoàn thiện 40% số hồ sơ của các hộ có công trình phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hợp thức hóa sang đất ở; hoàn thiện 50% số hồ sơ lập phương án sản xuất, xin thuê đất; hoàn thiện xử lý 51% số hộ phải tháo dỡ một phần công trình vi phạm. Tiếp tục làm việc, đối thoại, hoàn thiện các văn bản đối với các hộ phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.
Tại xã Lai Vu, từ năm 2018 đến nay, thực hiện nghị quyết chuyên đề về xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, đất chuyển đổi, xã đã tuyên truyền, vận động được 2 hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đó là các gia đình chị Lê Thị Xuân Quỳnh ở thôn Quyết Tâm có diện tích vi phạm lớn nhất, gần 300 m2 và gia đình ông Tăng Tiến Định ở thôn Minh Thành sau nhiều ngày được vận động, thuyết phục, đã dừng thi công và tháo dỡ công trình vi phạm. Những kết quả ban đầu ở Lai Vu cho thấy, nếu vận động kịp thời, kiên quyết xử lý sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi ở Kim Thành.
TRƯƠNG HÀ