Tình trạng đổ rác thải cồng kềnh không đúng nơi quy định ở TP Hải Dương còn khá phổ biến, không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn khiến dư luận bức xúc.
Rác thải cồng kềnh vẫn được người dân đổ bừa bãi, không theo hướng dẫn của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương. Trong ảnh: Công nhân dọn rác thải cồng kềnh gần cây xăng Phúc Duyên, đường Yết Kiêu (phường Hải Tân) sáng 28.10
Phát sinh nhiều
Mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Tuấn ở 390 Điện Biên Phủ đều qua lại khu vực gần cổng Công ty CP Đá mài Hải Dương. Đây là một tụ điểm thường xuyên bị người dân quanh khu vực mang rác thải cồng kềnh như giường, tủ, bàn, ghế cũ, hỏng... vứt ra. "Nhiều khi công nhân môi trường đã dọn dẹp sạch sẽ và vừa lên xe đi khỏi thì lại có người mang rác thải cồng kềnh ra đổ. Có người còn thuê cả xích lô, xe tự chế đến đổ những loại rác này. Với những trường hợp người dân thiếu ý thức như vậy thì xử phạt là cách tốt nhất. Mặc dù tình trạng trên diễn ra thường xuyên ở khu vực này nhưng tôi được biết chưa ai bị xử phạt. Vì vậy, rác thải cồng kềnh vẫn xuất hiện thường xuyên ở đây", anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Quang Vinh, chủ một cơ sở rửa xe trên đường Nguyễn Văn Linh kéo dài còn bức xúc hơn do các loại rác to thường xuyên bị đổ trộm sát nơi kinh doanh của gia đình. Không ít lần, anh Vinh cùng người làm thuê phải cưa, chặt bàn ghế cồng kềnh thành những đoạn nhỏ gọn để ô tô ra vào nơi rửa xe thuận tiện hơn. Anh Vinh cho biết: "Không chỉ bàn ghế, có ngày gần quán rửa xe của gia đình còn xuất hiện gạch đá, trần thạch cao, kính vỡ... do hộ dân nào đó sửa nhà mang đến đổ trộm. Vì vậy, mặc dù đường Nguyễn Văn Linh thường xuyên được dọn dẹp nhưng một số đoạn vẫn còn rác tồn đọng".
Theo thống kê của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, mỗi tháng có từ 30 - 40 tấn rác thải cồng kềnh phát sinh trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đến nay, đơn vị phải thu gom, vận chuyển khoảng 350 tấn rác thải loại này. Ngoài các đoạn đường đã đề cập ở trên, khu vực sân ga Hải Dương, sân vận động Đô Lương, đường Tôn Đức Thắng, đường Trường Chinh... là những điểm thường xuyên bị người dân mang rác thải cồng kềnh ra đổ. Để giải quyết tình trạng này, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đã áp dụng rất nhiều biện pháp linh hoạt, sẵn sàng hỗ trợ người dân vận chuyển rác thải cồng kềnh không để tồn đọng, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Tại các điểm tập kết rác tạm thời, công ty đều có bảng thông báo, công bố rõ ràng các thông tin liên quan. Chẳng hạn như tại điểm tập kết tạm thời rác sinh hoạt trên đường Nguyễn Văn Linh, đơn vị đã thông báo rõ rác thải cồng kềnh tập kết tại số 87 đường Cô Đông; đồng thời, niêm yết số điện thoại để người dân liên hệ khi cần. Tuy nhiên, rất hiếm khi người dân gọi đến đơn vị để nhờ hỗ trợ vận chuyển mà thường đổ thẳng rác thải cồng kềnh ra địa điểm này bất kể giờ nào...
Thiếu ý thức
Rác thải cồng kềnh thường xuyên xuất hiện trên địa bàn TP Hải Dương
Theo ông Nguyễn Văn Phụ, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, những năm qua, việc tuyên truyền quy định về đổ các loại rác thải, trong đó có rác thải cồng kềnh được đơn vị đặc biệt quan tâm. Ngoài niêm yết tại các điểm tập kết rác tạm thời, hằng ngày, xe ô tô trong quá trình thu gom rác đều kết hợp tuyên truyền bằng loa truyền thanh để người dân thực hiện nghiêm quy định đổ rác thải sinh hoạt từ 17 - 21 giờ 30; đóng rác vào túi kín, tách lọc nước, buộc chặt túi trước khi đổ rác. Trường hợp tổ chức, cá nhân có rác thải cồng kềnh như bàn ghế cũ, cành cây to... cần liên hệ với công ty để được hướng dẫn xử lý.
Mặc dù vậy, việc đổ rác không đúng giờ, rác thải cồng kềnh tập kết không đúng nơi quy định vẫn diễn ra. Không chỉ gây mất vệ sinh đường phố, tình trạng này còn phá vỡ quy định, dần trở lại thói quen đổ rác không đúng giờ. "Kinh phí chi trả nhân công, vận hành phương tiện thu gom, vận chuyển loại rác thải cồng kềnh không nằm trong kế hoạch phân bổ kinh phí hằng năm nhưng với trách nhiệm đối với môi trường thành phố, đơn vị đều cố gắng xử lý triệt để. Song đây chỉ là giải pháp tình thế. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này thì sự cố gắng của riêng đơn vị là chưa đủ mà cần sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân ở các thôn, khu dân cư thuộc 21 phường, xã trên địa bàn thành phố", ông Nguyễn Văn Phụ cho biết.
Cảnh quan môi trường, đô thị sạch đẹp, văn minh là một trong những tiêu chí cần hoàn thiện để nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I trước năm 2020. Theo đánh giá của nhiều người dân, tình trạng rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi, không đúng giờ hiện nay đã được cải thiện đáng kể. Để hạn chế rác thải cồng kềnh, cần xử lý nghiêm những trường hợp ngang nhiên xả rác bừa bãi. Ngoài cố gắng của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, các cấp, các ngành, từng thôn, khu dân cư của thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn. Trong đó cần nâng cao chất lượng, thời lượng tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh để người dân chấp hành nghiêm quy định, góp phần đưa TP Hải Dương sớm trở thành đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp.
TIẾN HUY