Bức xúc ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp

27/01/2011 06:07

Trong quá trình sản xuất, không ít doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp đã để chất thải bừa bãi, thậm chí còn xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng...


Nguyên liệu nhựa phế thải bẩn tại cơ sở tái chế nhựa Nguyễn Thế Khang (cụm công nghiệp Thạch Khôi-Gia Xuyên) để bừa bãi ngoài trời

Trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng các doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận, không chú ý tới bảo vệ môi trường đang gia tăng, nhất là ở các cụm công nghiệp (CCN). Trong quá trình sản xuất, không ít doanh nghiệp đã để chất thải bừa bãi, thậm chí còn xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng...

CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên (Gia Lộc) được phê duyệt quy hoạch chi tiết tháng 12-2007, với tổng diện tích 76,25 ha. Hiện CCN đã lấp đầy khoảng 65% diện tích quy hoạch, với 28 dự án đầu tư và hầu hết đã đi vào hoạt động, chủ yếu sản xuất nhựa tái chế, chế biến gỗ, sản suất thạch rau câu, bánh đậu xanh, chế biến sữa... Trong quy hoạch,  cụm có bố trí phân khu chức năng cơ sở hạ tầng và các công trình xử lý môi trường như khu cây xanh, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Nhưng đến nay, các phân khu này đều chưa được thực hiện... Hiện tại, chất thải rắn do các cơ sở sản xuất tự quản lý, xử lý; nước mặt và nước thải của cụm được thu gom chung vào mương thoát nước chảy ra sông Trần Nội. Kết quả kiểm tra, phân tích cho thấy nước sông Trần Nội đang bị ô nhiễm nặng. Trong đó nhiều chỉ số vượt cao như  các nhu cầu ô- xy sinh học, hóa học, a-mô-ni (NH+4) gấp hàng chục lần, các muối gốc ni-tơ, phốt-pho... đều vượt chuẩn. Xác định sơ bộ nguyên nhân gây ô nhiễm đoạn kênh Thạch Khôi- Đoàn Thượng chủ yếu do xả bừa bãi chất thải rắn, nước thải sản xuất và sinh hoạt. Một số cơ sở sản xuất nhựa tái sinh xả nước thải chưa qua xử lý ra nguồn nước; nhiều đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng lắp đặt chắp vá, không vận hành liên tục; chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không thực hiện kiểm soát môi trường định kỳ... Hầu hết các bãi nguyên liệu của các đơn vị này (chủ yếu chứa phế thải nhựa bẩn) đều nằm ngoài trời, gây ô nhiễm môi trường không khí, nhiễm bẩn các nguồn nước khi có mưa.  

Ở huyện Kinh Môn, CCN Hiệp Sơn được phê duyệt quy hoạch chi tiết cuối năm 2004, với tổng diện tích 31,48 ha. Cụm đang có 4 dự án đầu tư và 2 dự án đã triển khai sản xuất. Cụm chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng; chưa được đánh giá tác động môi trường; chưa có đường gom nội bộ; chưa có các hệ thống thu gom nước mặt riêng, thu gom và xử lý nước thải tập trung; chất thải rắn do cơ sở sản xuất tự quản lý, xử lý; đất cây xanh chưa được trồng cây theo quy hoạch... Mẫu nước mặt lấy tại mương thoát nước của cụm có 2 thông số vượt quy chuẩn, cụ thể là NO-2-N (0,280 mg/l) vượt 7 lần và NH4+-N (3,34 mg/l) vượt 6,7 lần. CN Duy Tân hiện đã lấp đầy, với 4 nhà máy xi-măng lò đứng, 1 nhà máy sản xuất xi- măng lò quay, 1 cơ sở sản xuất bao bì xi-măng. Chất lượng nước tại mương thoát nước và tiếp nhận nước thải của cụm chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường chủ yếu ở đây là bụi, khí thải. Hầu hết các cơ sở đã đầu tư các hệ thống xử lý bụi, khí thải nhưng chưa đầy đủ cho tất cả các công đoạn sản xuất. Hệ thống đường gom, cây xanh làm đẹp cảnh quan và góp phần giảm thiểu phát tán bụi chưa được trồng theo quy hoạch; đường vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm vẫn phát sinh bụi, khí thải đến môi trường xung quanh.  

Cuối năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kiểm tra đối với 38 CCN trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra vẫn có tới 13 cụm vẫn đang hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Theo quy hoạch, các CCN đã được phê duyệt đều có bố trí các công trình xử lý môi trường, diện tích trồng cây xanh. Tuy nhiên, trừ 2 CCN Lương Điền (Cẩm Giàng) và Chí Minh (Chí Linh), còn lại đều chưa có chủ đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng, chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... do đó chưa có căn cứ để quản lý và tổ chức đầu tư; chưa thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường. Nước thải sản xuất ở nhiều CCN xả trực tiếp vào hệ thống thủy nông, ruộng canh tác xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tác động xấu đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Một số CCN do hệ thống thoát nước mặt, nước thải không bảo đảm đã xảy ra tình trạng úng lụt, ô nhiễm cục bộ khi trời mưa, gây bức xúc về ô nhiễm môi trường như các CCN: Gia Lộc 1,phía tây đường Ngô Quyền và Cẩm Thượng (TP Hải Dương), Tân Hồng (Bình Giang), Kim Lương (Kim Thành)... Nhiều nơi đổ rác thải bừa bãi tại các vị trí diện tích chưa sử dụng như trong các CCN Hưng Thịnh và Tráng Liệt (Bình Giang), Cộng Hòa và Tân Dân (Chí Linh)... Qua kết quả quan trắc và phân tích các thông số môi trường chất lượng nước mặt tại các mương thoát nước, nguồn tiếp nhận nước thải của các CCN đã có các dự án vào hoạt động thì hầu hết đã có dấu hiệu bị ô nhiễm.           

THÀNH LONG

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), việc phát triển các khu, cụm công nghiệp quá ồ ạt đang khiến nhiều địa phương phải trả giá. Tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực có các khu, CCN đang diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý, các dự án này sử dụng nhiều diện tích đất lúa; chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí, ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức xúc ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp