Bức tranh thế giới năm 2022 có gì?

30/12/2021 10:20

Tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2022 sẽ tiếp tục bị định hình bởi 2 yếu tố chính: đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh căng thẳng Mỹ - Trung.


Các quan chức đại diện cho 11 nước thành viên của CPTPP trong ngày chính thức ký kết hiệp định này (8-3-2018) tại thủ đô Santiago của Chile

Thế giới đã biến đổi quá nhiều trong năm 2021, và hẳn là những thay đổi trên toàn cầu sẽ không chậm lại trong năm tới, ngay cả trong viễn cảnh lạc quan nhất là đại dịch COVID-19 giảm bớt để trở thành bệnh đặc hữu có thể kiểm soát như nhiều chuyên gia kỳ vọng.

Kỳ vọng kinh tế số

Năm 2022 sẽ bắt đầu với sự hy vọng mạnh mẽ về hồi phục kinh tế và sự thận trọng đi kèm. Dù Omicron có thể khiến nhiều người bi quan về việc mở cửa lại, nhưng việc phân phối vắc xin ngày càng rộng và việc các nước tăng cường đầu tư cho y tế sẽ hứa hẹn có thêm vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Sự lạc quan cho năm mới 2022 đang tăng lên khi nhiều nước vạch ra lộ trình mới hướng tới tương lai và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Việc mở lại biên giới và các chuyến bay quốc tế giúp phục hồi đầu tư xuyên biên giới, giao dịch thương mại cũng như hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.

Việc các chính phủ sẽ thúc đẩy chương trình kinh tế số cũng như thương mại điện tử của họ đến đâu là nhân tố quan trọng để dự đoán các kịch bản sau COVID-19. Sự hợp tác dựa trên nền tảng kinh tế số được coi là một trong những vấn đề chính của thúc đẩy thương mại trong năm tới.

Ngoài ra, một diễn biến quan trọng của năm 2022 là hợp tác kinh tế của 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày đầu năm 2022. RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 30% dân số thế giới, với khối lượng kinh tế và thương mại cũng chiếm 30% toàn cầu.

Ngoài ra, việc Trung Quốc và Đài Loan cùng nộp đơn xin gia nhập Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đặt ra nhiều thách thức về địa kinh tế trong khu vực trong năm 2022.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các hợp tác đa phương như thể chế hóa Đối thoại an ninh bốn bên (Quad), sự xuất hiện bất ngờ của Thỏa thuận an ninh ba bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) trong năm nay cho thấy "tâm điểm" của thế giới trong năm tới vẫn sẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải các khu vực khác.

Mỹ vẫn cứng với Trung Quốc

Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng mối quan hệ ngoại giao với Mỹ có thể được cải thiện trong năm 2022, song chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc trong năm mới sẽ không nhiều thay đổi khi nó vẫn được ủng hộ bởi một số lượng lớn người Mỹ và sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội.

Trong năm 2021, mối quan hệ song phương Trung - Mỹ chứng kiến quan điểm mạnh mẽ hơn của phía Mỹ với Trung Quốc trong các vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, cũng như các nỗ lực của Mỹ trong tập hợp đồng minh và đối tác trong những sáng kiến, thỏa thuận đa phương.

Trong năm 2022, trước những áp lực trong nước từ cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, cũng như cần sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội, chính quyền ông Biden sẽ không thể giảm bớt sự cạnh tranh đối đầu với Trung Quốc ở các khía cạnh chính trị, ngoại giao, an ninh và thương mại.

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ vốn không có nhiều đột phá trong 2021, nhưng được cho là sẽ chứng kiến sự phát triển hơn nữa trong năm tới khi Washington đang chuẩn bị công bố một phiên bản mới của FOIP cho khu vực.

Ngoài ra, khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ được Mỹ hoạch định nhằm thay thế cho Hiệp định CPTPP để tạo sự cân bằng đối trọng với Hiệp định RCEP do Trung Quốc dẫn dắt. Việc chính quyền Tổng thống Biden "trình làng" những sáng kiến mới sẽ là chìa khóa để dự đoán khu vực này phát triển ra sao trong năm 2022.

Rõ ràng những nỗ lực của Mỹ và các nước đồng minh thân thiết như Nhật và Úc để thể hiện nỗ lực phối hợp nhằm cân bằng các hoạt động và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Dù bề ngoài là tầm nhìn toàn diện về một khu vực tự do và rộng mở bao gồm các sáng kiến và quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng chính các quốc gia này tập trung nhiều hơn vào an ninh. Năm tới sẽ chứng kiến sự củng cố chặt chẽ của các thể chế đa phương an ninh như Quad, AUKUS cũng như các sáng kiến an ninh mới cho khu vực.

Không chỉ với Anh, Mỹ đã bắt đầu tìm thấy nhiều điểm chung hơn với Liên minh châu Âu (EU) về Trung Quốc. Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, với sự lãnh đạo của thủ tướng mới Olaf Scholz cũng sẽ có chính sách mạnh mẽ hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Angela Merkel.

Cái bóng 2021 có kéo dài?

Một điều cũng hết sức quan trọng đối với chính trị thế giới trong năm tới là liệu Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào trước áp lực tập thể ngày càng tăng của Mỹ và các đồng minh.

Cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đảng toàn quốc, sự kiện được đánh giá là dịp để Tổng bí thư Tập Cận Bình củng cố quyền lực, cũng như chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra những chính sách trung hạn cho Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới vào năm 2049.

Cách Trung Quốc xử lý các vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương cũng như sự tẩy chay ngoại giao của một số quốc gia phương Tây với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ là những điều đáng quan tâm và có nhiều hàm ý chính trị với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau đã làm thay đổi bối cảnh chính trị khu vực Đông Nam Á và tiếp tục kéo dài qua năm 2022. Trong đó, cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 2-2021 giữa phe quân sự của thống tướng Min Aung Hlaing và Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar đã đặt ASEAN trước những thách thức về tính trung tâm của khối, vai trò hòa giải, cũng như năng lực của tổ chức này trong việc mang lại sự ổn định và phát triển trong khu vực.

Do đó, cái bóng của năm 2021 có thể sẽ lan qua năm mới với khu vực Đông Nam Á khi khu vực này vẫn đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất do COVID-19, biên giới chưa mở cửa hoàn toàn, vấn đề chủ quyền cũng như khai thác tài nguyên ở Biển Đông...

Năm 2021 đã cho chúng ta thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương như thế nào trước biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt với bão, lũ lụt, hạn hán. Năm tới là năm quan trọng để xem liệu các nước trong khu vực có thực hiện các biện pháp thực tế để đáp ứng mục tiêu hợp tác vì thế giới tốt đẹp hơn hay không.

Theo Tuổi trẻ 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh thế giới năm 2022 có gì?