d
Nhà công vụ là nơi sinh hoạt quan trọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, nhất là những trường xa trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, một số giáo viên trong tỉnh vẫn đang sử dụng những ngôi nhà công vụ xuống cấp, chật chội và chưa thuận tiện trong sinh hoạt. Nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên vẫn là vấn đề cần thiết cần sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Trong gian nhà rộng chừng 20 m2, gia đình cô Phạm Thị Hằng, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Đồng Gia (Kim Thành) đã phải bố trí rất khéo mới có được một khoảng trống giữa nhà để các con ngồi học bài, ăn cơm.
Quê chồng cô Hằng ở xa, cô và 3 con ở trong căn phòng này đã được 5 năm. Cô đã sửa sang lại gian bếp, trần nhà… nhưng vẫn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Cô Hằng cho biết: “Gia đình tôi sẽ ở đây đến khi căn phòng này không ở được nữa mới dọn đi nơi khác, vì giờ tìm được một chỗ ở tốt không đơn giản, rồi tiền thuê trọ và nhiều khoản chi phí khác. Cả 2 vợ chồng đều thu nhập thấp, chưa thể mua đất, xây nhà".
Dãy nhà công vụ dành cho giáo viên Trường THPT Đồng Gia được tận dụng từ dãy nhà cũ của trường cấp 2 Đồng Gia xây từ năm 1965. Trước đây, nhiều giáo viên ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... về đây công tác đều sinh sống ở dãy nhà này. Thời điểm đó, nhiều người ở cùng gia đình, có người ở đến khi về hưu. Đây là nơi nhiều giáo viên đã gắn bó gần một đời. Đến nay, chỉ còn 4 hộ giáo viên ở, nhiều phòng đã cũ nát, xập xệ, có thể bị tốc mái bất cứ lúc nào khi giông bão đến.
Thầy giáo Phạm Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Gia cho biết: “Dãy nhà xây đến nay đã được hơn 50 năm, không còn là nơi an toàn nữa. Nhà trường dự kiến thời gian tới sẽ dỡ bỏ dãy nhà để xây dựng nhà đa năng”.
Năm 2014, huyện Thanh Miện đầu tư xây dựng dãy nhà công vụ dành cho giáo viên Trường THPT Thanh Miện II với 6 phòng khang trang, bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết để giáo viên sinh hoạt, nghỉ ngơi. Trước đó nhiều năm, nhà trường từng có dãy nhà cho giáo viên ở xa, nhưng xuống cấp, năm 2011 thì dỡ bỏ.
Hiện dãy nhà này chỉ có 4 phòng đang được giáo viên sử dụng để nghỉ trưa, còn lại không dùng đến. Giáo viên ở xa nhất quê huyện Ninh Giang, cách trường 25 km, một số giáo viên ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang cùng nghỉ trưa ở đây. Do đặc thù công việc, nhiều hôm các thầy cô dạy đến trưa muộn, chiều lại giảng sớm nên không kịp về nhà. Thầy giáo Phạm Tân Thành dạy môn toán Trường THPT Thanh Miện II cho biết: “Nhà tôi ở cách trường 22 km, nhiều hôm dạy cả ngày. Nếu không có nhà công vụ chắc tôi và nhiều đồng nghiệp khác phải nghỉ ở phòng họp".
Theo thầy giáo Vũ Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện II, mô hình nhà công vụ vẫn rất cần thiết cho giáo viên ở xa. Hiện nay, việc luân chuyển, điều động giáo viên từ trường này đến trường khác, huyện này đến huyện khác công tác diễn ra thường xuyên. Vì vậy, một số giáo viên nhà ở xa nghỉ lại trường buổi trưa. Nhà công vụ không chỉ đáp ứng cho giáo viên có chỗ ở mà còn được sử dụng hiệu quả trong mỗi kỳ thi, nhà trường sẽ có phòng cho giám thị đến coi thi nghỉ ngơi, làm việc. “Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục xây thêm một số phòng công vụ dành cho giáo viên, mua sắm thêm nội thất, trang bị điều kiện nghỉ ngơi tốt hơn cho giáo viên”.
Theo ông Vũ Bá Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, nhà công vụ dành cho giáo viên trong toàn tỉnh hiện nay không nhiều. Dãy nhà cũ, xuống cấp chỉ còn duy nhất ở Trường THPT Đồng Gia. Việc xây dựng nhà công vụ phụ thuộc vào kinh phí, huy động các nguồn của nhà trường chứ không có cơ chế chính sách đầu tư, xây dựng từ tỉnh vì Hải Dương không thuộc diện được đầu tư hạng mục này. “Hiện đời sống, thu nhập của giáo viên còn nhiều khó khăn nên có nhà công vụ dành cho giáo viên ở xa rất tốt. Tuy nhiên, việc này còn phục thuộc vào kinh phí của từng trường, không phải trường nào cũng xây được nhà công vụ. Công đoàn ngành đã yêu cầu công đoàn các trường rà soát đời sống giáo viên, lập danh sách giáo viên hoàn cảnh khó khăn, đề xuất công đoàn ngành hỗ trợ”, ông Hà nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhu cầu về nhà công vụ dành cho giáo viên ở xa vẫn cần thiết tại một số trường học. Các trường cần khảo sát cụ thể nguyện vọng của giáo viên về nơi ăn, chốn ở, qua đó có biện pháp khắc phục tốt hơn. Đối với những trường có nhà công vụ đã xuống cấp nghiêm trọng cần có giải pháp sửa chữa hoặc xây mới... Chăm lo tốt đời sống giáo viên cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề, yên tâm công tác để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
c
Nội dung: MINH NGUYÊN- THÀNH CHUNG
Đồ họa: PHÙNG BẢN