Bức tranh kỳ vĩ

23/05/2015 16:31


Bài thơ ngắn, chỉ có bốn câu. Không nói rõ xuất xứ và không gian, chỉ biết được viết vào năm 1947,

 Cảnh khuya

HỒ CHÍ MINH

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Năm 1947

(Trong “Hồ Chí Minh - THƠ - NXB Văn học, 1970)

năm đầu tiên Bác và cơ quan Trung ương rời Thủ đô trở lại căn cứ địa Việt Bắc. Nhưng chỉ đọc thơ, người đọc đã có thể hiểu bài thơ được nẩy ra giữa đêm khuya yên tĩnh trong rừng sâu, có con suối róc rách chảy đâu đây. Không vòng vo, rào đón, ngay từ câu mở đầu, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh đã như lắng sâu tâm hồn, gạn lọc khơi trong giữa tiếng rì rào lao xao của cây rừng, như vút lên tiếng suối chảy êm đềm, róc rách, như tiếng hát từ đâu bay tới: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

Bởi, giữa đêm khuya thanh vắng nơi rừng sâu, với Bác, tiếng suối chảy róc rách cũng không khác gì tiếng hát tươi vui mang đến cho tâm hồn sự trong trẻo, lạc quan, yêu đời. Nhất là tiếng suối ấy lại xuất hiện giữa cảnh rừng xanh ngút ngàn, trùng điệp cây cổ thụ trong một đêm trăng vằng vặc đầy trời, thì thiên nhiên quả đã như “bức gấm thêu” làm không mấy ai không thể “động lòng”, nhất là những người có tâm hồn nghệ sĩ như nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. Thế nên, chỉ mới nghe tiếng suối, tâm hồn Bác bỗng như đã rung lên, cầm bút vẽ ngay bức tranh phong cảnh có trăng sao, cây chen lá, lá chen hoa sinh động và hòa quyện: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Đến đây, chúng ta thấy, chỉ với hai câu thơ song thất (7 chữ):

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.


Bác Hồ như đã vẽ nên bức tranh kỳ vĩ và tinh tế, có đủ: suối, rừng, hoa và trăng, quyến quyện, hòa hợp với nhau thân thiết, tưởng như chỉ cần bỏ một vật thể nào trong bốn vật thể ấy ra là lập tức làm hỏng cả bức tranh. Một lần nữa chúng ta lại thấy trong thơ Bác, dù là thơ triết luận, tức sự hay tả cảnh, thì cái toát lên từ mỗi câu, mỗi chữ trong thơ cũng vẫn là tình người, thái độ của con người trước sự việc, sự kiện, cảnh vật. Ở đây, chỉ với hai câu thơ, người đọc đã có thể thấy cái tình của nhà thơ với thiên nhiên đắm say, xoắn xuýt đến nhường nào. Và dường như tình yêu thiên nhiên tha thiết ấy đã làm cho tâm hồn nhà thơ lớn Hồ Chí Minh thêm trẻ trung, tươi mát, nếu ta nhớ lại Bác viết bài thơ năm 1947, khi ấy, Người đã 57 tuổi. Năm 1947 cũng là năm cực kỳ khó khăn đối với cuộc trường kỳ kháng chiến chín năm của chúng ta. Với tham vọng “tiêu diệt” cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Minh, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn quân tinh nhuệ tiến công lên Việt Bắc. Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Trung ương Đảng, quân và dân ta anh dũng chiến đấu bẻ gẫy cuộc tiến công của địch, giữ vững và phát triển căn cứ kháng chiến, tạo ra thế và lực mới cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiểu hoàn cảnh như thế, khi đọc thơ chúng ta mới thấy sự lạc quan, trẻ trung trong tâm hồn một người đã 57 tuổi mà giữa rừng sâu, trong đêm khuya thanh vắng, chỉ nghe tiếng suối cũng dễ có sự liên tưởng hồn nhiên, tươi mát: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.
Đọc hai câu thơ đặc tả phong cảnh: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”, người đọc cũng chỉ hiểu đấy là ban đêm một cách chung chung, chứ chưa rõ thời khắc của đêm, và ngoài ngắm trăng, lắng nghe tiếng suối, nhà thơ còn làm gì nữa. Nhưng đến câu thơ thứ ba thì nhà thơ nói rõ: “Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ”. Quả là trước cảnh đẹp kỳ diệu của đất trời như thế, khó ai có thể lơ đễnh lại đi nằm ngủ, chứ không thức để ngắm cảnh đẹp giữa rừng trăng suối reo.

Nhưng đến câu kết của bài “Cảnh khuya” thì thật bất ngờ, người đọc đang ngỡ như Bác chưa đi ngủ vì trong lòng còn đang dạt dào xúc cảm trước thiên nhiên kỳ vĩ, đột ngột nhà thơ lý giải vì sao chưa ngủ: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Đọc thơ chúng ta càng thêm hiểu về Bác, trong hoàn cảnh nào và ở nơi nao thì Người cũng chỉ nghĩ tới một công việc trọng đại là lo cho dân, cho nước. Chúng ta không chỉ thấy điều đó ở câu kết của bài “Cảnh khuya”, mà nhiều lần trong thơ Bác cũng gặp câu kết vừa bất ngờ, vừa như lời tâm sự nỗi niềm nhà thơ: “Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Hoặc ở bài “Không đề”, viết năm 1968, với hai câu kết: “Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy/Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao”.

Nếu muốn nói tới sự cuốn hút người đọc, thì chính thủ pháp bất ngờ trong câu kết là cả một nghệ thuật của nhà thơ tài hoa. Đến đây, chúng ta càng thấy “Cảnh khuya” là một bài thơ ngắn, chỉ có bốn câu, nhưng đã dựng nên một bức tranh kỳ vĩ và tinh tế về cảnh đẹp đất nước, dưới cái nhìn của một nhà thơ lớn, có tâm hồn và chí khí cao đẹp.

CAO NĂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh kỳ vĩ