|
Minh họa: Phùng Anh Bản
|
- Trưa mai, anh nhớ nhắc vợ anh sắp xếp công việc về ăn cơm nhà nhé. Lâu lắm rồi cả nhà ta chưa có bữa ăn nào đông đủ cả.
Bà Hào vừa phe phẩy chiếc quạt nan vừa nói với anh con cả. Hai đứa cháu nội tranh nhau vây quanh bà Hoà hóng ngọn gió mát từ cánh tay đang sà sã quạt của bà. Trong lúc đó, ông Hào cũng mình trần trùng trục cáu cẳn vì mất điện. Chả biết năm nay thế nào mà điện đóm phập phù thế. Cứ cách ngày lại cắt điện một ngày. Ngày có điện cũng đôi khi bất thình lình tắt phụt chẳng rõ lý do gì. Nóng nực, oi bức thế mà đành cứ phải chịu.
Đang và cơm vào miệng, anh Hải thấy mẹ nói vậy nuốt vội rồi hỏi lại:
- Mai nhà mình có giỗ hả mẹ?
- Nhà mình có giỗ cụ hả bà?
Hai đứa cháu thấy bố chúng nhắc đến giỗ cũng cùng ngẩng mặt lên hỏi theo. Ông Hào thấy vậy cũng dừng quạt nghiêng tai nghe ngóng. Bà Hào thong thả nói:
- Giỗ chạp gì đâu?
- Không giỗ chạp gì mà mẹ bảo vợ chồng con về cho đông đủ trưa mai?
Anh Hải tỏ vẻ ngỡ ngàng. Ông Hào cũng hơi ngạc nhiên. Hai đứa cháu bỗng dưng tiu nghỉu. Dừng quạt, bà Hào chậm rãi nói:
- Mai là Ngày Gia đình Việt Nam, bố con anh không hiểu gì à?
- Ôi dào! Bà chỉ được cái vẽ chuyện! Ngày ấy thì có liên quan gì đến nhà mình?
Ông Hào buông ra một câu làm cho bà Hào suýt cụt hứng. Còn Hải, anh tiếp tục và cơm, vừa nhồm nhoàm nhai vừa nói:
- Ngày Gia đình Việt Nam thì trên phố, cán bộ, công chức người ta mới tổ chức nọ kia chứ nhà mình thì… Chúng con còn phải kiếm tiền. Mẹ cứ làm như ngày mẹ còn Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không bằng.
- Anh không được nói thế. Kiếm tiền mãi, làm mãi cũng phải nghỉ chứ. Người ta sinh ra ngày đó để cho vợ chồng con cái, ông bà cha mẹ đoàn tụ gặp nhau ôn lại truyền thống gia đình, ăn một bữa cơm tươi hơn mọi ngày để thêm niềm vui mới. Cán bộ hay dân thường, ở phố hay nông thôn nếu biết tổ chức thì ngày đó có ý nghĩa vô cùng. Tôi là tôi muốn vậy vì lâu lắm rồi nhà mình có được bữa ăn nào đông đủ đâu?
- Đúng thế đấy. Dạo này, nhiều bữa tao phải chờ vợ chồng cái con nhà anh mà đói meo cả bụng. Có hôm phải ăn toàn đồ nguội. Nhà có sáu mống người mà người nọ chờ người kia chẳng bữa nào đông đủ cả.
Ông Hào ca cẩm tiếp lời vợ. Bà Hào được thể nói luôn:
- Tiện cái Thảo với thằng Chuân đã nghỉ hè, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay anh chị sắm cho một bữa tươi tươi vào, cả nhà ăn uống, nghỉ ngơi cho vui vẻ. Chẳng làm nay thì làm mai. Cả đời kiếm tiền chứ có phải mỗi ngày nay đâu. Với lại tiền cũng chỉ để nâng cao chất lượng cuộc sống cơ mà?
- Phải đấy bố ạ. Mai bố mẹ nghỉ buổi đưa chúng con đi chợ mua sắm thức ăn rồi về làm cỗ cho vui bố nhé. Cháu mua bún về bà nấu canh riêu cua bà nhé.
Cái Thảo loe xoe, kéo tay bà nũng nịu. Thằng Chuân cũng cướp lời:
- Em cũng mua cho ông một cút rượu để ông uống.
- Cha bố bay. Mất điện, nóng nực thế này để ông mày uống rượu rồi ông mày lại nhược lên à?
Bà Hào cốc nhẹ vào đầu cu Chuân. Thằng Chuân chạy lại với ông nội. Ông Hào xoa đầu nó cười:
- Nóng ông cũng uống. Cả nhà vui vẻ thế tội gì mà ông không uống rượu cháu nhỉ?
Vừa lúc đó thì Phượng, vợ Hải cũng gổng đôi quang gánh về tới sân. Mẹ con, bà cháu chào nhau rối rít. Thằng Chuân chạy lại lục đôi thúng của mẹ nó tìm quà. Cái Thảo le te chạy đến khoe với mẹ là “trưa mai nhà mình có cỗ”. Chị Phượng phe phẩy cái nón quạt lấy quạt để cho ráo mồ hôi trên mặt, hỏi:
- Vẫn mất điện hả bà?
- Ừ! Điện với chả đóm. Sáu bảy giờ tối vưỡn chả cho người ta tí điện.
Bà Hào ca cẩm. Sau đó, bà nói cho con dâu biết ý định của bà. Chị Phượng nghe vậy ủng hộ liền.
Quả thực, từ dạo làng Cổ Cò có cái dự án khu công nghiệp về không khí làng quê khác hẳn. Đường sá xe chạy ầm ầm, bụi cuốn mù mịt. Nhà cửa đua nhau mọc lên. Cái mái bằng, cái mái Thái, cao thấp lô nhô, thò ra thụt vào trông rõ tức mắt. Thanh niên làng te tởn ăn diện ngất trời, xe máy phóng vù vù. Quán sá bung ra. Tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền bán đất thu được thoải mái cho nhà nhà tiêu pha, người người mua sắm. Thời gian đầu làng Cổ Cò như lột xác từng ngày. Ngày hôm sau khác hẳn ngày hôm trước. Về sau, tiền cạn, người ta mới nhoáng nhoàng tìm nghề để mưu sinh.
Nhà ông bà Hào cũng nằm trong số đó. Dồn góp số tiền còn lại, mua vội chiếc xe máy Tàu, chồng chạy xe ôm, vợ gánh hàng rong. Từ đó, đúng như ông Hào nói, chẳng bữa nào gia đình ông được đông đủ cả nhà. Trưa thì chẳng nói làm gì, đằng này bữa tối cũng thế. Anh Hải chạy xe ôm bảo phụ thuộc khách đã đành, đằng này chị Phượng bán hàng rong, hai đứa con học cấp một, cấp hai lắm hôm cũng tối mịt vẫn chưa về. Ở nhà, hai cái thân già cứ phải ngồi chầu chực bên mâm cơm nguội ngắt. Cảnh sum vầy đầm ấm bên mâm cơm ngày xưa hầu như họ đã quên hẳn. Thế cho nên, hôm nay, bà Hào đưa ra “sáng kiến” “Ngày Gia đình Việt Nam” khiến mọi người đều thấy là hợp lý. Ai cũng háo hức trở lại ngày trước khi làng xóm bình yên chưa “công nghiệp hoá”.
Đúng kế hoạch, sáng dậy, chị Phượng và cái Thảo tất bật đi chợ mua sắm thức ăn. Bà Hào quét dọn nhà cửa, chuẩn bị bếp núc. Ông Hào ôm thằng Chuân vẫn ngáy pho pho. Cả hai ông cháu cùng “ngủ nướng”. Thì gần sáng mới có điện nên hai ông cháu phải tranh thủ ngủ đã chứ.
Anh Hải dắt chiếc xe máy ra sân phụt nước rửa. Hôm nay, nghỉ buổi phải tắm cho cái xe mới được. Lâu lắm rồi nó có được tắm rửa đâu. Bụi đất bám đầy khiến chiếc xe đỏ quạch.
- Nhà Hải có nhà không? Có khách xe ôm đây này!
Có tiếng gọi người cổng. Theo phản xạ, Hải dừng tay lau ngó ra. Bà Hào nói vọng ra từ bếp:
- Xe ôm hả? Hôm nay cháu nó bận.
Chưa dứt lời thì một anh bộ đội đeo ba lô bước vào.
- Chú đi xe ôm hả? Chú làm ơn cho cháu tranh thủ về thăm nhà tí ạ.
- Nhà cậu ở đâu? À, xin lỗi, hôm nay tớ nghỉ nhé.
Anh Hải thuận mồm hỏi rồi sực nhớ ra “kế hoạch” của nhà mình vội chữa lại. Chẳng ngờ anh chiến sĩ liến thoắng, năn nỉ:
- Chú ơi! Cháu báo cáo xin phép mãi thủ trưởng mới cho cháu nghỉ hai ngày thôi. Nhà cháu mãi tận Bến Trại kia. Đây về đấy gần bốn chục cây số. Cháu phải tranh thủ từng giờ chú ạ. Chú thương cháu, chở cháu đi đi chú.
Hải nhăn mặt tính toán. Khách đường dài, thu nhập cũng khá đây. Nhưng nếu đi lên đó thì kế hoạch trưa nay hỏng mất. Thôi thì, tốt nhất đưa cậu ta ra bến bắt ô-tô là xong. Nghĩ vậy, anh trao đổi với mẹ và nhận lời chú bộ đội. Chiếc xe nổ máy, vọt ra cổng để lại trong sân một cuộn khói xanh lơ mù mịt.
Gần trưa, hai mẹ con Phượng đi chợ về. Ông cháu thằng Chuân cũng đã dậy. Cả nhà xúm vào sắm sửa bữa trưa. Ba bà cháu bóc mai cua, giã cua. Ông Hào bóc lạc rồi nhặt rau sống. Chị Phượng tất bật xoong, nồi chế biến các món ăn. Vừa làm, họ vừa trò chuyện ríu rít. Hơn tiếng sau, cơm nước đã cơ bản xong. Chị Phượng thỉnh thoảng lại ngóng ra cổng nhắc:
- Sao nhà con lâu về thế hả mẹ?
- Chẳng biết - Bà Hào trả lời cũng sốt ruột không kém - Nó bảo chỉ chở cậu bộ đội ra bến xe rồi về mà sao suốt từ sớm đến giờ vẫn chả về không biết?
- Chắc lại tiện thể đưa nó về quê rồi cũng nên - Ông Hào tiếp lời - Tính thằng này nó thế. Vừa thương người lại vừa tham của, tiếc việc.
Chuông điện thoại reo vang. Cái Thảo nhanh chân chạy tới cầm ống nghe. Lát sau nó phụng phịu:
- Bố con điện về bảo nhà mình cứ ăn cơm đi, bố con còn bận đưa khách đi Bến Trại.
- Đấy mà. Tôi nói có sai bao giờ đâu.
Ông Hào cằn nhằn. Bà Hào đang bổ quả dưa hấu cũng buông dao đứng lặng. Riêng Phượng, chị thoáng chút băn khoăn rồi một con tính loáng qua đầu chị. Đi Bến Trại, gần bốn chục cây số, chí ít cũng tiền trăm. Cũng đủ tiền cọc nộp cho chị em con cái Thảo nó học hè.
Bỗng tiếng loa phóng thanh của hệ thống truyền thanh công cộng xã phát lên: “A lô! Bà con chú ý! Những ai đăng ký thuê quầy ở chợ khẩn trương ra ngay trụ sở thôn để làm thủ tục bốc thăm, nhận quầy. Nếu không có mặt chúng tôi sẽ hoàn trả tiền, chuyển địa điểm đó cho người khác. A lô, a lô!”.
Chị Phượng giật mình cuống cuồng bỏ bát canh cua đang múc dở, chân thấp chân cao vừa chạy ra cổng vừa nói:
- Ông bà ăn cơm với các cháu đi, con chạy ra xem thế nào không mất chỗ thì chết.
Bà Hào ngao ngán. Chán chả sao, đến bữa ăn còn alô với chả alô. Ông Hào giải thích: “Thì việc của chính quyền mà lị. Đất chật người đông, mật ít ruồi nhiều không nhanh chân người khác nó chiếm mất thì ăn cháo”. Đúng là không ruộng đất, nghề nghiệp thì rõ khổ. Cứ gánh hàng rong lang thang ngõ nọ, xóm kia mãi ư? Chồng xe ôm bám đường rồi, vợ cũng bám đường thì khổ quá. Người ta xây chợ là tạo công ăn việc làm ổn định cho dân đấy, không nhanh chân chiếm lấy một chỗ thì biết đến bao giờ người ta chia lại để đấu thầu?
Lại có tiếng trẻ con léo nhéo ngoài cổng. Lát sau, mấy đứa bạn cùng lớp của cái Thảo và thằng Chuân kéo đến. Chúng rủ nhau đi đăng ký học hè. “Không nhanh chân là không có chỗ đâu. Cô giáo bảo thế!”. Thế mà mặc dù rất tiếc bữa bún riêu cua đang nóng hôi hổi song chị em cái Thảo cũng đành theo chân lũ bạn đến lớp. Ở nhà còn trơ lại hai ông bà Hào.
Ông Hào cầm chai rượu chắt ra chén. Nhặt mấy hạt lạc rang, nhấp một ngụm rượu, đôi mắt ông trầm tư nhìn ra ngõ theo chân lũ trẻ. Bà Hào vứt con dao vừa bổ quả dưa hấu vào góc nhà. Nó kêu đánh “quạch” một cái rồi nằm chỏng trơ giơ cái lưỡi sắc bén về phía bà. Mâm cơm chị Phượng đang dọn dở nằm ngổn ngang trên bàn bếp. Vừa lúc đó đài xã lại oang oang hát: “Gia đình! Gia đình! Thiêng liêng thiêng liêng hai tiếng gia đình…!”. Cả hai ông bà không ai bảo ai mà cùng nhìn nhau rồi cùng hướng về chiếc loa phóng thanh đang ra rả trên ngọn cây gạo đầu xóm.
Truyện ngắn của XUÂN THU