Lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã ký tuyên bố chung với cam kết tiếp tục tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác, cùng nhau thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 11 diễn ra tại Thủ đô Brasilia của Brazil đã khép lại sau hai ngày làm việc 13 và 14.11. Tuyên bố chung cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các quốc gia cho thấy việc tăng cường hợp tác vì lợi ích chung càng có ý nghĩa quan trọng trong một nền kinh tế toàn cầu hội nhập sâu rộng và đa cực hiện nay.
Cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các quốc gia
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladirmir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối, đồng thời cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang khiến hoạt động thương mại và đầu tư gặp nhiều rủi ro hơn và có thể làm giảm tốc tộ tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong khuôn khổ hội nghị, 5 nước thành viên BRICS đã đề xuất một loạt các biện pháp để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các bên như tăng cường kết nối, thiết lập tiêu chuẩn quản trị chung trong các lĩnh vực sản xuất, giảm rào cản và thuận lợi hóa thương mại. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã thảo luận về vấn đề chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, kêu gọi các nước trên thế giới cùng nỗ lực đối phó với khủng bố dưới mọi hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định BRICS mong muốn mở cửa nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi ở mỗi nước thành viên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại và đầu tư quốc tế, đồng thời cảnh báo điều đó có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho rằng với việc đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, BRICS cần phải đưa ra những mục tiêu có tham vọng hơn thông qua việc tăng cường hợp tác và đầu tư giữa các nước thành viên.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đã nêu bật vai trò ngày càng lớn của BRICS trên trường quốc tế, cho rằng nhóm này là một yếu tố quan trọng tạo sự ổn định không chỉ về mà mặt chính trị mà đối với cả nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Bolsonaro nhấn mạnh việc kim ngạch trao đổi thương mại giữa các nước thành viên BRICS vượt ngưỡng 10 tỷ USD trong năm ngoái cho thấy các bên đã sẵn sàng để xích lại gần nhau hơn.
Trong phiên họp toàn thể bế mạc, lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã ký tuyên bố chung với cam kết tiếp tục tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các nhà nước có chủ quyền nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.
Tuyên bố chung gồm 73 điểm của các bên cũng nhấn mạnh quyết tâm hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua những thách thức quan trọng mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt, cũng như giữ vững vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong các vấn đề quốc tế. BRICS cho rằng cần phải nỗ lực để xây dựng một trật tự quốc tế đa cực công bằng hơn, công minh hơn và mang tính đại diện hơn.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới cũng cho rằng các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần phải tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Theo BRICS, những căng thẳng thương mại và biến động chính trị đã gây ảnh hưởng tới niềm tin, thương mại, đầu tư và tốc độ tăng trưởng và vì vậy, cần phải có các biện pháp để tạo dựng môi trường kinh doanh và thương mại công bằng và không có sự phân biệt đối xử.
Lãnh đạo các nước BRICS cũng bày tỏ cam kết vì sự thành công của Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP25), sẽ được tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 12 tới sau khi Chile rút lui không tổ chức, đặc biệt liên quan đến việc đạt được kết quả cân bằng và toàn diện về tất cả các vấn đề nổi bật trong chương trình làm việc của Thỏa thuận Paris.
Tuyên bố chung của BRICS cũng nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn tài trợ cho các mạng lưới và các hành động khủng bố, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng sự phát triển của công nghệ thông tin vào các hoạt động khủng bố.
Tuyên bố chung của BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ và tái khẳng định nhu cầu hoạt động khám phá và sử dụng không gian bên ngoài cho mục đích hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ. Các nước thành viên nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để đàm phán một công cụ đa phương ràng buộc về mặt pháp lý có thể lấp đầy khoảng trống trong các cơ chế pháp lý quốc tế áp dụng cho không gian bên ngoài, bao gồm cả việc ngăn chặn việc triển khai vũ khí ngoài vũ trụ.
Tại phiên bế mạc, Tổng thống Brazil Bolsonaro khẳng định sẽ chuyển giao chức chủ tịch luân phiên cho Nga, hướng tới xây dựng nhóm BRICS mạnh mẽ hơn với những thỏa thuận hợp tác cụ thể.
Tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng
Một thực tế là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm tổn thương tất cả các thành viên của BRICS, trước hết là Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đi xa hơn và phá vỡ trực tiếp chuỗi cung ứng toàn cầu. “Cơn bão” thương mại này không chỉ có nguy cơ cuốn phăng đi những lợi ích kinh tế của các nước nằm trong “tâm bão” như Mỹ và Trung Quốc mà còn gây thiệt hại đáng kể cho nhiều quốc gia khác trong đó có các nước mà Trung Quốc đang hợp tác đầu tư, nhất là khối BRICS. Hơn nữa, căng thẳng thương mại được cho là mối đe dọa chính đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Thế giới đã bước sang năm thứ hai phải chật vật xoay xở trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế có thể làm giảm đáng kể sự phục hồi kinh tế toàn cầu, với dự báo có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu (tương đương khoảng 455 tỷ USD) vào năm 2020. IMF kêu gọi Mỹ và Trung Quốc ưu tiên giải quyết những căng thẳng thương mại nhằm giảm nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngoài ra, quan hệ căng thẳng giữa nhiều nước liên quan tranh chấp thương mại và chính sách bảo hộ mậu dịch cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới. IMF nhấn mạnh, các quốc gia nên cùng nhau hướng tới việc khôi phục nỗ lực tự do hóa thương mại và tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên các điều luật đã phục vụ tốt cho kinh tế toàn cầu suốt 75 năm qua.
Trong khi đó, theo WTO, xu hướng tăng mạnh cả về quy mô và số lượng các biện pháp hạn chế thương mại trong năm qua, đã làm gián đoạn xu hướng ổn định kéo dài, gây ra những hậu quả như bất ổn gia tăng, hoạt động đầu tư chậm lại và tăng trưởng thương mại yếu. Một số biện pháp hạn chế thương mại hiện vẫn đang được cân nhắc áp dụng càng làm gia tăng các thách thức và bất ổn cho môi trường kinh tế toàn cầu. Bởi thế, thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử đang là xu thế cần được thúc đẩy.
Còn theo nhận định của BRICS, nền kinh tế thế giới hiện đang trong tình trạng đáng lo ngại, khi thương mại toàn cầu phải hứng chịu những tác động từ chủ nghĩa bảo hộ, sự phát triển kinh tế toàn cầu chịu sự chi phối của các quyết định đơn phương. Việc theo đuổi những biện pháp mang tính bảo hộ đang làm bùng phát các cuộc tranh chấp thương mại và phong tỏa kinh tế, trở thành nguy cơ lớn làm gia tăng bất ổn nền kinh tế toàn cầu. Các nước BRICS từng khẳng định cần đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực duy trì hợp tác đa phương, duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, một hệ thống thương mại đa phương do WTO làm đại diện, cũng như các lợi ích chung và không gian phát triển của các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của BRICS là tìm cách thức ứng phó hiệu quả với làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới, trước hết là ảnh hưởng của căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế không thể phủ nhận, BRICS là nhóm các nền kinh tế có tiềm lực lớn và có tốc độ tăng trưởng khá cao, chiếm 16% GDP toàn cầu. BRICS cũng là lực lượng quan trọng trong xây dựng kinh tế, bảo vệ trật tự cũng như thúc đẩy sự thay đổi trong quản trị toàn cầu. Hơn một thập niên qua, BRICS đã, đang phát huy vai trò trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn mạnh bên cạnh những thể chế như G7 hay G20.
Ngay trước thềm hội nghị, Trung Quốc hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này sẽ phát đi thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương - điều mà Tổng thống Mỹ Trump luôn hoài nghi. Và không nằm ngoài kỳ vọng, việc các nhà lãnh đạo BRICS cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các quốc gia tại hội nghị cấp cao lần thứ 11 đã phát đi thông điệp nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hợp tác, cùng nhau thúc đẩy kinh tế toàn cầu và bảo vệ lợi ích chung. Thông qua sự hợp tác đó, BRICS tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Theo TTXVN