Hãng tin Bloomberg đưa tin các thành viên của khối kinh tế mới nổi BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi dự kiến vượt khối G7 do Mỹ dẫn đầu về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới từ năm nay.
Theo một phân tích dựa trên dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước BRICS sẽ đóng góp 32,1% vào tăng trưởng của thế giới, trong khi tỷ lệ đóng góp của khối các nước phát triển G7 chỉ là 29,9%.
Nhóm 7 quốc gia (G7) gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản từ lâu đã được coi là khối các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất hành tinh. Nga là một thành viên của khối cho đến năm 2014.
Báo cáo chỉ ra rằng vào năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau. Kể từ đó, thành tích của khối do phương Tây lãnh đạo ngày càng giảm sút. Đến năm 2028, dự báo đóng góp của G7 vào nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 27,8%, trong khi BRICS sẽ chiếm 35%.
Các tính toán của Bloomberg cho thấy Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng gấp đôi Mỹ. Bloomberg nêu rõ: “Tỷ lệ mở rộng GDP toàn cầu của Trung Quốc dự kiến chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới vào năm 2028. Ấn Độ được dự đoán sẽ đóng góp 12,9% GDP toàn cầu. Tổng cộng, 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa nằm trong top 4: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Pháp cũng được coi là nằm trong số 10 quốc gia đóng góp hàng đầu”.
Một nghiên cứu gần đây của một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng cho thấy khoảng cách giữa hai nhóm về quy mô kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Các nhà phân tích lưu ý Trung Quốc và Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Đầu năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết "hơn một chục" quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, bao gồm Algeria, Argentina, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Iran, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Sudan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Venezuela. Saudi Arabia, Ai Cập và Bangladesh đã mua cổ phần trong Ngân hàng Phát triển Mới - tổ chức tài trợ cho BRICS.
Năm ngoái, các nước BRICS đã đề xuất tạo ra đồng tiền giao dịch riêng để loại bỏ đồng USD và euro trong khi giao dịch.
Đồng USD ngày càng trở nên không đáng tin cậy đối với các nền kinh tế do lãi suất tiếp tục tăng cao và bị sử dụng làm công cụ trừng phạt.
Đề cập đến hệ thống tài chính quốc tế do đồng USD thống trị hiện nay, khiến các nước tham gia BRICS có nguy cơ bị Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố: “Các quốc gia nghiêm túc và nhận thức rõ những gì đang bị đe dọa, cũng như thấy những bất cập của đồng USD trong hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra các cơ chế riêng để đảm bảo sự phát triển bền vững, sẽ được bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài”.
Theo Báo Tin tức