Ông Boris Johnson cựu ngoại trưởng đã thắng cử sau nhiều vòng tranh luận trong đảng Bảo thủ cầm quyền để trở thành Chủ tịch đảng, ngày 24-.7 đã nhậm chức Thủ tướng Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson
Di sản ông Johnson tiếp nhận từ cựu Thủ tướng Theresa May rất nặng nề. Liệu tân Thủ tướng Anh có vượt qua được một Brexit không thỏa thuận để đưa nước Anh rời EU, trong khi Hạ viện đã “xây dựng bước tường” ngăn cản trước sự nghiệp chèo lái nước Anh của ông Boris Johnson.
Người được chọn: Boris Johnson
Ông Boris Johnson 55 tuổi, cựu Thị trưởng London, cựu ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Theresa May, trong chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch Đảng Bảo thủ đã nhận được sự ủng hộ của 313 nghị sỹ đảng cầm quyền ở vòng cuối cùng trong 3 vòng. Qua mạng xã hội, ông nhận được 630.000 người ủng hộ trên Twitter, 557.000 người trên Facebook, hơn 45.000 người trên Instagram (hơn nhiều so với đối thủ là đương kim Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và ngang bằng số nghị sỹ đảng cầm quyền). Ông Johnson cam kết thực hiện Brexit đúng ngày 31-10 tới đây và cam kết hóa đơn “ly dị” ở mức 39 tỷ bảng. Về đối nội ông cam kết chi tiêu nhiều hơn cho người lao động trong lĩnh vực công, tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, cam kết dành phần tiền phải nộp cho EU trước đây vào đầu tư cho y tế, tăng cho tiêu cho giáo dục tiểu học và phổ thông lên 5.000 bảng/học sinh/năm, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh, giảm khí thải xuống mức 0% năm 2050 và không ủng hộ Mỹ tấn công Iran.
Sau khi ông Johnson giành thắng lợi trong cuộc tranh cử chức Chủ tịch Đảng Bảo thủ cầm quyền, dư luận và báo chí Anh cho rằng lịch sử hiện đại nước Anh đã chọn ông trong thời khắc khó khăn của nước Anh, vì ông đã hai lần chiến thắng trong cuộc bầu cử Thị trưởng London, là người thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý để rời EU. Do đó những người theo trường phái “ở lại” EU sẽ nỗ lực đến cùng để chống lại ông. Dư luận Anh cho rằng ông Johnson phải cậy nhờ đến những người tài năng để hỗ trợ cùng với sức mạnh vốn có của ông để thực hiện thành công Brexit, thậm chí là một cuộc tổng tuyển cử sớm để thực hiện lời hứa của mình.
Ông Johnson có những bản năng phù hợp cho nước Anh hiện nay, từ bản năng của ông Johnson nếu được kết hợp với các chính sách phù hợp cần thiết để thực hiện Brexit thành công, đem cơ hội và thịnh vượng đến mọi miền đất nước thì những thất bại của đảng Bảo thủ trong mấy năm qua sẽ được người dân Anh tha thứ và ghi nhận ông Johnson.
Tiếp nhận một di sản nặng nề
Trong lịch sử nước Anh đến thời điểm ngày 24.7 mới có hai nữ Thủ tướng, điều đặc biệt là 2 nữ Thủ tướng Anh đều là người thuộc Đảng Bảo thủ đó là bà Margaret Thatcher làm thủ tướng những thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và bà Theresa May đầu thế kỷ 21. Quá trình cầm quyền của bà May cho tới ngày rời nhiệm sở để lại cho tân Thủ tướng Boris Johnson một di sản khá nặng nền đó là:
Một nước Anh “chia rẽ” sâu sắc và “suy yếu”: Vấn đề Brexit đang chia rẽ nước Anh giữa những người “ra đi” (rời EU) và những người “ở lại” (không rời EU) và sự chia rẽ giữa Đảng Bảo thủ cầm quyền với Công đảng đối lập, chia rẽ giữa các nhóm dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Chính Brexit đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử nước Anh đặc biệt trong Đảng Bảo thủ cầm quyền. Quá trình tồn tại hơn 200 của đảng chính trị lớn nhất nước Anh chưa bao giờ xảy ra tình trạng chia rẽ như hiện nay, nhiều nghị sỹ đã không tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng đã bỏ phiếu chống lại cựu Thủ tướng May tại Hạ viện Anh.
Lòng tin sụt giảm: Vấn đề lớn mà ông Johnson phải tập trung trên cương vị thủ tướng là củng cố niềm tin của cử tri và các nghị sỹ quốc hội với kế hoạch rời EU đúng ngày 31-10, không chỉ một bộ phận người dân Anh mà cả các nhà ngoại giao, doanh nghiệp lo cho nền kinh tế Anh (lớn thứ 5 thế giới) sẽ rơi vào khủng hoảng sau khi rời EU.
Khó khăn về ngoại giao với đồng minh số một: Ngoài hai vấn đề lớn nêu trên, cựu Thủ tướng Anh còn để lại cho ông Johnson những rắc rối về ngoại giao với đồng minh số một là Mỹ khi những nhận xét không hay ho gì của vị Đại sứ Anh tại Mỹ về Tổng thống Donald Trump bị rò rỉ ra công luận khiến quan hệ Mỹ - Anh căng thẳng. Bên cạnh đó, việc Anh và Iran bắt giữ tàu chở dầu của nhau cũng là vấn đề lớn mà ông Johnson phải để mắt tới.
Mặc dù là “người được chọn” của nước Anh tại thời điểm này nhưng với bài học khi có 36 quan chức chính phủ từ chức (trong đó có cả ông Johnson) dưới thời cựu Thủ tướng May và 3 lần Hạ viện bác kế hoạch Brexit của Chính phủ bà May với tỷ lệ phản đối cao mức kỷ lục chắc chắn là bài học không nhỏ cho ông Johnson. Dư luận báo chí Anh cho rằng quan hệ với EU như là “giàn hỏa thiêu” hủy hoại sự nghiệp của các thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ, gần đây nhất là bà “đầm thép” Margaret Thatcher, đến ông Johnson Major, ông David Cameron và bà Theresa May. Những “di sản” của bà May (thực ra phải tính cả các di sản rối ren của ông David Cameron để lại cho bà May) để lại cho ông Johnson. Xoay quanh vấn đề Brexit khiến dư luận quan tâm bởi những tuyên bố của ông Johnson về Brexit thực ra rất mông lung và khó dự báo hơn bao giờ hết.
Quốc hội: Bức tường thành khó vượt
Ngày 18-7, sáu ngày trước khi ông Johnson tiếp quản chức Thủ tướng từ bà May, các nghị sỹ quốc hội Anh đã thông qua một cuộc bỏ phiếu để cản trở bất cứ nỗ lực nào của chính phủ nhằm đình chỉ Quốc hội để thúc đẩy một Brexit “không thỏa thuận” (Quốc hội Anh đã 3 lần bỏ phiếu bác kế hoạch rời EU của chính phủ), sở dĩ quốc hội Anh phải làm động tác chưa từng có trong lịch sử vì khi tranh cử ông Johnson đã thể hiện ý muốn đình chỉ hoạt động của quốc hội để thúc đẩy Brexit đúng ngày 31-10 tới đây. Trước đó một ngày, Thượng viện Anh ủng hộ mạnh mẽ Hạ viện Anh ra nghị quyết ngăn cản một cuộc đình chỉ Quốc hội với số phiếu cao. Điều này đẩy ông Johnson vào mấy thế khó khi nắm quyền điều hành chính phủ:
Thứ nhất, sự nổi loạn trong đảng cầm quyền: Sự “nổi loạn” trong chính Đảng Bảo thủ đang hợp sức chống lại ông như đã hợp sức chống lại bà May trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để cản trở bất cứ nỗ lực nào nhằm đình chỉ Quốc hội để thực hiện Brexit cứng. Có tới 17 quan chức cấp cao của đảng cùng nhiều đảng viên Đảng Bảo thủ là nghị sỹ Quốc hội và nhiều bộ trưởng đã không tham gia bỏ phiếu, khiến số phiếu chênh lệch tới 41 (315 phiếu thuận và 274 phiếu chống). Điều này cho thấy sự thiếu thẩm quyền của chính quyền bà May và sức mạnh của thái độ chống lại một Brexit không thỏa thuận trong các thành viên Đảng Bảo thủ đã góp phần cùng đảng đối lập và Hạ viện dựng một bức tường pháp lý ngăn cản ông Johnson thực hiện Brexit đúng ngày 31.10.
Thứ hai, ông Johnson mất năng lực điều hành trước khi nắm quyền: Hiện Đảng Bảo thủ nắm quyền với một chính phủ thiểu số nhờ liên minh với Đảng Liên minh dân chủ Bắc Ireland. Thế đa số ủng hộ ông Johnson rất mong manh khi có 17 thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống ông Johnson trước khi ông nắm quyền.
Thứ ba, EU thiếu niềm tin với ông Johnson: Ông Johnson muốn Anh được “giải phóng” càng sớm càng tốt khỏi Brexit, nhưng phía EU lại tỏ thái độ hoài nghi vị tân Thủ tướng Anh, đồng thời tuyên bố không đàm phán lại kể cả 1 từ trong 519 trang văn kiện mà chính phủ bà May đã ký với EU sẽ là thách thức không nhỏ với ông Johnson.
Dù là “người được chọn” trong thời khắc nước Anh đang bị chia rẽ chưa từng có trong lịch sử, mong muốn đưa nước Anh rời EU đúng lịch trình xem ra rất khó khăn bởi có quá nhiều rào cản ngăn vị tân Thủ tướng có quá nhiều lạc quan như ông Johnson. Do đó, nếu thực hiện Brexit cứng không thành công chắc chắn ông Johnson phải tính đến việc bầu cử sớm để cùng Đảng Bảo thủ lao vào một vòng xoáy mới mà khả năng không thành công rất cao.
HẢI HÀ