Bông hồng cài áo

08/09/2017 08:20

Một mùa Vu lan nữa đã về. Xin vạn lần cảm ơn vị đại đức nào đó đã nghĩ ra ngày lễ Vu lan. Để cho những đứa con có ngày tri ân báo hiếu đấng sinh thành dưỡng dục. Vào ngày này hình như có một cây cầu vô hình được thiết lập giữa người đang sống với người đã khuất. Nó bao hàm ý nghĩa lớn lao là biết ơn và biết tri ân với người đã khuất, hiếu đễ với người còn sống. 

Những ngày này các chùa tổ chức trọng thể lắm. Chính tay sư thầy cài bông hoa hồng lên ngực áo từng người đến làm lễ. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu cao quý. Cài bông hồng lên ngực áo cũng có nghĩa là dâng lên bậc sinh thành tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất. Nó gần gũi với đạo lý của dân tộc Việt: "Uống nước nhớ nguồn". Đất trời dường như xao động diệu kỳ. Lòng tôi bỗng trầm lắng. Một cảm xúc thiêng liêng khó diễn tả thành lời.

Bông màu đỏ dành cho người còn đủ cha mẹ. Bông màu hồng dành cho ai còn cha mất mẹ. Bông màu trắng cho người kém may mắn khi đấng sinh thành không còn trên cõi đời này. Tôi cũng được cài một bông hồng. Bông màu trắng. Tự nhiên thấy lòng buồn se sắt. Ở tuổi tôi đủ trí tuệ để hiểu sâu sắc và thấm thía mồ côi là gì. Tâm trạng lần nào cũng như lần nào. Nước mắt chỉ chực rơi xuống.

Tôi lớn lên trên nhát cuốc đường cày của cha, trên mớ rau con cá của mẹ. Nhớ như in cái năm tôi 18 tuổi, cô bạn gái bảo: "Khiếp. Mẹ chăm anh như chăm một đứa trẻ". Xấu hổ, tôi về nói với mẹ: "Con lớn rồi, tự làm được mọi việc. Mẹ không phải chăm chút cho con nữa". Mẹ cười: "Cha bố anh. Dẫu anh có lên ông lên bà thì trong mắt mẹ, anh vẫn chỉ là đứa trẻ lên ba". Thì ra ở bất cứ lứa tuổi nào vẫn cần có mẹ.

Năm 1972, tôi vào Nam chiến đấu. Tàu qua ga dừng lại đôi chút. Chả biết ai báo cho mẹ tôi. Bà hớt hải chạy ra, tóc tai rối bù rã rượi, áo quần xốc xếch lấm lem. Nét mặt đầy lo lắng. Tiếng một đồng đội tôi vọng ra: "Mẹ cười lên cho bước chân chúng con đi được nhẹ nhõm thanh thản. Hòa bình chúng con lại về với mẹ". Mẹ tôi cười. Nụ cười méo mó: "Ừ, mẹ vui lắm. Chúc các con chân cứng đá mềm". Con tàu chuyển bánh được một quãng khá xa tôi vẫn còn nhìn thấy dáng mẹ chống tay vào cây cột điện, đầu gục xuống. Mẹ khóc. Hình ảnh ấy cứ day dứt mãi trong tâm trí tôi suốt dọc đường kháng chiến. Sau này tôi mới hiểu rằng chả có người mẹ nào vui cười phấn khởi khi đưa tiễn núm ruột của mình vào nơi hòn tên mũi đạn. Ngày trở về, mẹ tôi đã qua đời.

Chẳng cứ gì tôi, nhiều người cũng nhận bông hồng màu trắng. Những gương mặt thẫn thờ. Buồn nhưng không bi quan. Nước mắt rơi nhưng không bi lụy. Chúng tôi nhìn vào ngực nhau, nhìn vào mắt nhau, âu yếm như chào. Miệng không nói mà như đang kể với nhau bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào về người mẹ của mình. "Thôi mà, đừng nói, đừng kể. Không còn mẹ là cô đơn lắm, là bất hạnh lắm". Hẳn ai cũng nghĩ như thế nên lặng lẽ đi trong khói hương bảng lảng. Chúng tôi tự an ủi bằng câu: "Số phận mình nó thế". Lạy trời lạy đất, lạy thánh lạy thần. Hãy thay đổi quy luật của tạo hóa, để cha mẹ chúng con được mãi mãi bên con. Không bao giờ có cảnh chia cây rụng lá, tử biệt sinh ly.

Bông hồng cài áo là chữ "Hiếu" mà những đứa con gửi lên bậc sinh thành dưỡng dục. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ngày xưa mẹ rất cẩn thận trong ngày lễ Vu lan. Hoa quả được lau rửa rất kỹ trước khi xếp lên ban thờ. Rồi mẹ thắp hết tuần nhang này đến tuần nhang khác. Cứ nhìn mẹ tôi cúi đầu làm lễ cũng đủ thấy sự linh thiêng và trọng thể của ngày đại lễ Vu lan. Những ngày ấy bây giờ ở đâu?

"Trên trái đất này có biết bao kỳ quan. Nhưng không có kỳ quan nào đẹp bằng trái tim người mẹ". Xin đừng làm mắt mẹ nhỏ lệ, dù chỉ một lần, hỡi những ai còn mẹ.

Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Bông hồng cài áo