Bỗng dưng thành ‘kẻ trộm’

13/04/2014 07:45

Ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường, Giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu (TP Hồ Chí Minh) bỗng dưng bị bắt vì trộm cắp tài sản.

Bỗng dưng thành ‘kẻ trộm’
Ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án - Ảnh: H.T


Tối 19-6.2012, ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường, Giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu (TP Hồ Chí Minh) vừa về đến nhà riêng trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) thì bị bắt giữ theo lệnh truy nã và sau đó bị di lý về huyện Sông Hinh (Phú Yên) để điều tra về tội trộm cắp tài sản.

Ông Tường kể: “Trong trại giam, tôi thấy quyết định khởi tố bị can Nguyễn Vĩnh Tường, tên gọi khác là Nguyễn Đình Vĩnh Tường, trú tại ấp Phú Thứ, xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tôi nói với điều tra viên tôi không liên quan gì đến vụ án vì thời điểm này tôi sinh sống tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu ai khai tôi tham gia trộm cắp thì xin được đối chất. Nhưng tất cả những yêu cầu này không được làm rõ”.

Ngày 21-9-2012, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị án Nguyễn Chí Lộc (đã bị TAND huyện Sông Hinh xử phạt 4 năm tù về tội trộm cắp tài sản trong vụ án này) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, khai không biết bị cáo Tường và Tường cũng không hề biết Lộc là ai nên phải hoãn tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Phiên tòa mở lại ngày 7-11-2012 cũng phải hoãn do luật sư bào chữa cho bị cáo Tường đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm tố tụng như: lệnh truy nã ban hành song song cùng với quyết định khởi tố bị can, quyết định khởi tố bị can không được Viện Kiểm sát phê chuẩn... Phiên tòa sơ thẩm lần 3 vào ngày 29-3-2013 cũng phải hoãn lại do đại diện Viện KSND H.Sông Hinh bị bệnh.

Đến ngày 4-4-2014, thẩm phán Lương Thị Đông, người được TAND huyện Sông Hinh phân công thụ lý vụ án này đã ký quyết định số 01/2014/HSST-QĐ đình chỉ vụ án vì “xét thấy đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 5 điều 107 của bộ luật Tố tụng hình sự”. Trên thực tế, điều luật này chỉ quy định “Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự”. Còn đối với trường hợp này, nếu đã bị khởi tố bị can, đã bị truy nã và bắt được như các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sông Hinh đã làm đối với ông Tường thì vấn đề “thời hiệu” không hợp lý. “Tòa án lấy lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, luật sư của tôi cho biết trong trường hợp người phạm tội bị truy nã thì luật quy định không được tính thời hiệu. Rõ ràng, quyết định của tòa án đình chỉ vụ án hoàn toàn sai luật, vì tôi bị bắt oan sai”, ông Tường quả quyết. Ngày 10-4, ông Tường cũng đã nộp đơn khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án lên TAND tỉnh Phú Yên.

Nhắc đến việc kinh doanh trong những ngày bị bắt tạm giam, ông Tường nói: “Tôi hoàn toàn không liên quan gì mà bị bắt giam oan sai hơn 9 tháng. Sau khi bị bắt, thu nhập của doanh nghiệp giảm sút thảm hại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Sau khi được tại ngoại, khách hàng cũng như ngân hàng không dám giao dịch vì thân phận tôi vẫn là bị can”.

Vi phạm tố tụng ?

Luật sư Nguyễn Khả Thành (Đoàn luật sư Phú Yên, bào chữa cho ông Tường), phân tích: “Căn cứ vào điều 26 bộ luật Dân sự thì họ tên của một người được xác định theo họ tên khai sinh của người đó. Vì vậy, từ trước đến giờ chưa cơ quan nào khởi tố, có lệnh truy nã đối với ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường, nhưng cơ quan tố tụng lại nói ông Tường trốn lệnh truy nã, rồi bắt giam. Việc bắt giam này không đúng quy định pháp luật”. Theo luật sư Thành, quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã phát hành cùng ngày 7.11.2000 của Công an huyện Sông Hinh đều ghi tên bị can Nguyễn Vĩnh Tường. “Đúng ra, họ tống đạt quyết định khởi tố đến bị can. Trong trường hợp xác định bị can bỏ trốn thì mới truy nã, đằng này cùng một ngày họ ra cả quyết định khởi tố và lệnh truy nã”, luật sư Thành nói.

HOÀNG TUẤN - ĐỨC HUY (Thanh niên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỗng dưng thành ‘kẻ trộm’