Bóng đá từng sống qua Thế chiến, ngại gì Covid-19

14/05/2020 11:39

Cuốn sách "Ajax, Hà Lan, Chiến tranh: Bóng đá châu Âu trong Thế chiến thứ hai" của tác giả Simon Kuper đã chỉ ra rằng trái bóng vẫn lăn ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong quá khứ.

Không có gì ngạc nhiên khi gần như tất cả các giải bóng đá trên thế giới cũng như ở châu Âu phải tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà hầu như tất cả những gì liên quan tới bóng đá chuyên nghiệp châu Âu (ngoại trừ giải vô địch quốc gia Belarus) phải ngưng trệ. Nỗ lực tổ chức lại các giải đấu, dù trên sân không khán giả đang gặp những vấn đề khó khăn nhất định.

Nếu việc tạm dừng bóng đá tiếp tục diễn ra, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của bóng đá đối với người hâm mộ. Môn thể thao này thiết yếu như thế nào hẳn nhiều người đều biết, không chỉ là xem các trận đấu, mà còn là theo dõi tin tức hàng giờ, nó giống như một thói quen của cuộc sống hàng ngày.

Khi thế chiến thứ nhất nổ ra năm 1914, Hiệp hội bóng đá Anh đã đề nghị chấm dứt bóng đá và bàn giao các sân vận động để chính phủ sử dụng cho bất cứ mục đích nào họ chọn. Tuy nhiên, thời điểm đó văn phòng chiến tranh nói rằng điều đó là không cần thiết, nên các câu lạc bộ (CLB) hãy cứ thi đấu hết mình. Chính điều này làm đảo lộn nhiều hình thức ủng hộ chiến tranh, những người phẫn nộ bởi các chàng trai trẻ vui vẻ đá bóng trong khi họ đáng lẽ phải chết trên chiến trường ở Pháp.

Những vấn đề căng thẳng tiềm ẩn tại thời điểm đó liên quan đến ý tưởng rằng bóng đá là môn thể thao dành cho tầng lớp lao động Anh. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu của xứ sương mù đã sử dụng bóng đá để trừng phạt công nhân vì họ thiếu lòng yêu nước. Một số tờ báo từ chối công bố kết quả trận đấu và The Times đã xuất bản một lá thư vào ngày 8/9/1914, từ nhà vận động Frederick Charrington gửi cho nhà vua, nói rằng việc bóng đá tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc chiến là một sự ô nhục.

Bóng đá Anh vẫn tiếp diễn bất chấp cuộc thế chiến I diễn ra
Bóng đá Anh vẫn tiếp diễn bất chấp cuộc thế chiến I diễn ra

Charrington thường chế nhạo những cầu thủ bóng đá thời chiến là những kẻ hèn nhát. Cuối mùa giải đó, khi đứng lên phát biểu về tuyển dụng quân sự vào giờ nghỉ ở trận đấu diễn ra trên sân Craven Cottage, ông đã bị hai quan chức Fulham kéo đi mặc dù CLB cho phép nói.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc phá quấy bóng đá cho đến giai đoạn 1915-1916. Vào tháng 1.1916, những người đàn ông độc thân từ 18 đến 40 tuổi được triệu tập đi lính và đến tháng 6, những người đàn ông đã kết hôn cũng vậy. Nhưng ngay cả sau đó, các trận đấu địa phương, giữa các câu lạc bộ chuyên nghiệp cùng khu vực vẫn được diễn ra trong suốt cuộc chiến.

Coupe de France, cúp quốc gia Pháp, lần đầu tiên được tổ chức vào mùa 1917/18, mặc dù đất nước này là chiến trường chính của thế chiến thứ nhất. (Trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1918, 3,5 triệu người đã chết ở Mặt trận phía Tây, chạy qua phần lớn miền bắc và miền đông nước Pháp cũng như Bỉ). Giải đấu này nhằm giúp đoàn kết nước Pháp, được đặt theo tên của quan chức bóng đá Charles Simon, người bị giết trong trận chiến năm 1915.

Trận chung kết đầu tiên được tổ chức ở Paris vào ngày 5.5.1918, trong giai đoạn đầu của Đại dịch cúm, đại dịch toàn cầu trước đó đã giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Người ta tự hỏi có bao nhiêu khán giả có mặt trong trận chung kết bị bệnh khi ở trên khán đài. Coupe de France đã được tổ chức lại ở mùa 1918/19, khi đại dịch lên đến đỉnh điểm.

Lần cuối cùng bóng đá Anh buộc phải đi đến quyết định dứt khoát về việc cấm thi đấu như năm 2020 là vào ngày 3/9/1939, ngày Anh tuyên chiến với Đức Quốc xã. FA đã cấm tất cả các hình thức bóng đá, khi mùa giải mới diễn ra được 3 vòng đấu, nhưng chính phủ cho biết họ muốn giải trí tiếp tục khi có thể. Vì vậy, trong vài ngày cấm thi đấu, FA đã nhanh chóng để hoạt động bóng đá tiếp tục diễn ra. Các giải đấu khu vực và các trận giao hữu đã được cho phép, mặc dù lúc đầu, đám đông có thể không lớn hơn 8.000 người. Hạn chế dường như không cần thiết: hầu như không ai đến xem những trò chơi thời chiến sớm vô nghĩa này.

Bóng đá diễn ra bất chấp cuộc chiến Anh - Đức quốc xã diễn ra căng thẳng
Bóng đá diễn ra bất chấp cuộc chiến Anh - Đức quốc xã diễn ra căng thẳng

Một trong những tổ chức nghiên cứu đầu tiên trên thế giới thời điểm đó đã khảo sát những người bình thường về cuộc sống hàng ngày, phát hiện ra rằng sự quan tâm đến thể thao vẫn tồn tại. Vào tháng 12.1939, 49% những người được thăm dò bởi Mass Observation đọc tin tức thể thao nhiều hơn so với tin tức về chiến tranh (chiếm 30%). Mass Observation thời điểm đó kết luận: "Mọi người thấy cuộc chiến hiện tại hoàn toàn không thỏa đáng như một sự bù đắp cho thể thao".

Rõ ràng là bóng đá rẻ tiền là để giữ cho các tầng lớp lao động được hạnh phúc. Báo cáo của Mass Observation cho biết: "Các môn thể thao như bóng đá có ảnh hưởng lớn đến tinh thần của mọi người và một buổi chiều thứ Bảy với các trận đấu diễn ra có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của mọi người. Nó hơn chiến dịch áp phích 50.000 bảng gần đây của chính phủ thúc giục sự vui vẻ, ngay cả khi nó được lặp đi lặp lại".

Bóng đá Anh cho thấy sức sống mãnh liệt, NHM cuồng nhiệt, các cầu thủ sẵn sàng ra sân bất chấp chiến tranh, đạn bom. Man United là đội bóng đã thi đấu trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, ngay cả sau khi một quả bom của Đức đánh vào Old Trafford ngày 11.3.1941, buộc họ phải chuyển đến sân của Man City. Tương tự, một quả bom cũng đã đánh vào sân bóng của Arsenal và họ đã phải rời tới đại bản doanh White Hart Lane của đại kình địch Tottenham.

Tính giải trí của bóng đá Anh cũng ngày càng được nâng cao. Các cầu thủ đã thể hiện những mánh khóe trên sân. Bàn thắng trung bình mỗi trận cũng tăng gấp đôi, từ 3 ở những mùa giải trước được nâng lên thành 6 trong những tháng đầu tiên của thế chiến thứ II. Các trận đấu cũng trở nên thân thiện hơn: Những cái bắt tay sau trận đấu giữa các cầu thủ có lẽ xuất hiện từ thời điểm này.

Đến mùa xuân năm 1940, bóng đá Anh lại bùng nổ. Cuối tháng 5, khi Quân đội Đức dường như đã gài bẫy Lực lượng viễn chinh Anh gần Dunkirk, Harold Nicholson - thư ký quốc hội tại Bộ Thông tin nói rằng trong một thời gian ngắn "người Đức có thể hạ gục hàng ngàn người Anh". Nội các tranh luận làm hòa với Hitler, bóng đá tiếp tục.

Trận đấu giữa Charlton và Arsenal ở London giữa thời điểm Anh thất thế trước Đức
Trận đấu giữa Charlton và Arsenal ở London giữa thời điểm Anh thất thế trước Đức

Vào thời điểm này, Huddersfield đang bận rộn thực hiện chuyến đi xe buýt kéo dài 9 giờ tới London cho War Cup. Sau đó, trong khi những người lính Anh đang được giải cứu khỏi Dunkirk bởi đội quân của những chiếc thuyền nhỏ, Chelsea và West Ham đã thu hút đám đông 32.797 người ở London.

Chính quyền Anh không làm gì để ngăn cản sự tiếp diễn của bóng đá trong Thế chiến II. Họ không lo lắng về việc né tránh lần này, vì bản dự thảo đã được giới thiệu và trong mọi trường hợp, hầu hết các binh sĩ chỉ quanh quẩn trong doanh trại của họ ở Anh. Cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều năm và nếu những người đàn ông có thể được giải trí vào các buổi chiều thứ bảy với chi phí thấp, tại sao lại dừng lại? Hầu hết mọi người đều đồng ý. Mass Observation không thể tìm thấy một người hâm mộ thời bình nào nghĩ rằng bóng đá nên dừng lại trong thời chiến.

Cuối cùng, nhiều điều cấm kỵ trong chiến tranh của Anh hầu như không chạm vào bóng đá. Đám đông lên tới hàng chục ngàn người được phép tập trung tại sân bóng đá trong "Blitz", vụ đánh bom hàng đêm của Đức ở London và một số thành phố khác vào năm 1940-1941. Các câu lạc bộ đi quãng đường dài đến các trận đấu, áp phích chính thức kêu gọi "đừng đi du lịch trừ khi thực sự cần thiết" và trong khi xăng được nhập khẩu từ Mỹ bằng những đoàn xe thường bị tàu U-Đức đánh chìm.

Tom Finney, cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử CLB Preston, đội bóng đã cầm hòa Arsenal trong trận chung kết War Cup năm 1941 trên sân Wembley, trước khi giành chiến thắng ở trận đá lại tại Blackburn tiết lộ cách ông và các đồng đội thi đấu giữa mưa bom của cuộc chiến với Đức quốc xã: "Tôi không hứng thú với cuộc chiến khi tôi thi đấu. Tôi chỉ mới 18 tuổi. Và mối quan tâm chính là ra sân và đánh bại họ, bạn biết đấy. Và để có trận hòa ở London thực sự là một thành tựu khá lớn. Tôi thực sự không hứng thú với cuộc chiến, nhưng chúng tôi muốn nước Anh giành chiến thắng ở cuộc chiến này".

Huyền thoại của Preston và bóng đá Anh, Sir Tom Finney
Huyền thoại của Preston và bóng đá Anh, Sir Tom Finney

Finney dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc chiến để chơi bóng đá trong môi trường quân đội ở Ai Cập, nơi ông đóng quân. Ông đã ghi 30 bàn sau 76 trận cho đội tuyển Anh, hai lần được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Hiệp hội nhà báo Anh và qua đời năm 2014 ở tuổi 81. Chức vô địch War Cup là chiếc cúp duy nhất ông từng giành được trong sự nghiệp.

Bóng đá thời chiến của Đức thậm chí còn ít bị hạn chế hơn so với tại Anh. Vào Chủ nhật ngày 22.6.1941, ngày người Đức xâm chiếm Liên Xô, hành động quyết định của toàn bộ cuộc xung đột, 90.000 khán giả đã theo dõi trận chung kết giải đấu Đức tại Berlin. Họ đã nghĩ gì? Ít nhất họ đã nhìn thấy một số bàn thắng. Rapid Vienna của Áo (đội bóng đã bị Hitler sáp nhập vào Đức) đánh bại Schalke 4-3.

Trong thực tế, bóng đá Đức tiếp tục đi đến kết cục cay đắng. Vào ngày 22.4.1945, với quân Đồng minh đều ở cổng thành, Bayern Munich đã đánh bại đối thủ địa phương 1860 Munich trong trận giao hữu. Đến lúc đó, bóng đá ở Anh đã được khôi phục hoàn toàn.

Ngày 26.5.1945, Man United và Bolton gặp nhau trong trận chung kết League North Cup. Bolton đã chiến thắng, họ thắng 1-0 trên sân nhà và sau đó có được trận hòa 2-2 ở trận lượt về trên sân nhà tạm thời của M.U là Maine Road (sân của Man City). Bolton tiếp tục đánh bại những người chiến thắng ở League South Cup là Chelsea trong trận chung kết toàn nước Anh.

Các cầu thủ M.U giai đoạn 1945-1946
Các cầu thủ M.U giai đoạn 1945-1946

Không chỉ ở Anh và Đức, phần lớn khu Tây Âu bị chiếm đóng, bóng đá không đơn thuần sống sót sau chiến tranh, nhưng sau đó được dịp bùng nổ. Tại Hà Lan, vào năm 1940 - năm bắt đầu cuộc xâm lược của người Đức, hơn 4 triệu vé tham dự các sự kiện thể thao đã được bán. Năm 1943, con số vượt quá 8 triệu.

Trước trận đấu quan trọng giữa câu lạc bộ Amsterdam De Volewijckers và Heerenveen vào năm 1944, giám đốc của Volewijckers, Ph. K. Corsten đã viết: "Một số thực phẩm nhất định rất khó để có được, nhưng chỉ với ý định trao đổi rau và khoai tây mà họ có được. ... vé trận đấu".

Trong chiến tranh, người Hà Lan đọc nhiều sách hơn và tham dự nhiều vở kịch, phim, buổi hòa nhạc và có lẽ là các dịch vụ nhà thờ hơn trước, nhưng không có hình thức giải trí nào khác phát triển nhanh như thể thao.

Mọi người đều có một sự thèm muốn được theo dõi bóng đá hàng tuần, không chỉ là trong quá khứ mà còn cả ở thời điểm hiện tại, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trái bóng vẫn lăn qua hai cuộc thế chiến, vậy thì Covid-19 đâu phải là vấn đề quá lớn.

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng đá từng sống qua Thế chiến, ngại gì Covid-19