Sau một thời gian được trui rèn về chuyên môn, các tài năng trẻ Hải Dương lần lượt trúng tuyển vào các lò đào tạo nổi tiếng như Viettel, PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội...
4 cầu thủ Hải Dương đỗ vé vớt vào Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG: Văn Sơn (đứng bìa phải), Văn Thanh (ngồi, thứ 3 từ phải sang), Văn Toàn, Văn Anh (ngồi thứ 2 và 3 từ trái sang) - Ảnh: MINH TRẦN
Trả lời phỏng vấn cách đây không lâu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết một doanh nghiệp có tầm cỡ trong tỉnh đang làm dự án để xây dựng câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, cùng học viện bóng đá theo mô hình Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Hải Dương đã sản sinh ra rất nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam. Vì vậy, nếu đề án này thành hiện thực, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một vườn ươm tài năng hứa hẹn.
Có tài năng nhưng thiếu tiền đầu tư
Theo thống kê, ở các giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc từ năm 2007-2019, Hải Dương có 8 lần lọt vào trận chung kết, trong đó 5 lần đoạt chức vô địch. Đáng nói, họ có 3 lần đăng quang liên tiếp vào các năm 2013, 2014 và 2015.
Tất cả cầu thủ trẻ đều xuất thân từ các giải bóng đá học đường hằng năm, sau đó được sàng lọc ra từ 20-30 em (10, 11 tuổi) đưa về huấn luyện nâng cao tại Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể thao Hải Dương.
Trung tâm có kinh phí hoạt động chỉ 2 tỷ đồng/năm, con số ít ỏi này khiến Hải Dương dù đào tạo ra được nhiều tài năng bóng đá nhưng không thể xây dựng câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp dù rất muốn.
Do vậy, sau một thời gian được trui rèn về chuyên môn, các tài năng trẻ Hải Dương lần lượt trúng tuyển vào các lò đào tạo nổi tiếng như Viettel, PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, hoặc được các thầy giới thiệu để trở thành cầu thủ năng khiếu ở các câu lạc bộ chuyên nghiệp.
Và từ đó, họ tỏa đi khắp nơi, trở thành những cầu thủ mà tài năng làm rung động người hâm mộ qua các trận đấu ở V-League, các giải U22, U23 châu Á, AFF Cup, vòng loại World Cup, Asian Cup hoặc Asiad. Ấn tượng nhất là lúc HLV Park Hang Seo tập trung 30 tuyển thủ chuẩn bị cho Asiad 2018, quân số cầu thủ gốc Hải Dương khi ấy lên tới 7 người.
Vào thời điểm này, nếu các cầu thủ Hải Dương tụ hội lại, họ có thể hợp thành một câu lạc bộ đủ sức chơi hạng chuyên nghiệp với những cái tên ở hàng phòng ngự, như Văn Thanh - Đức Chiến - Trọng Đại - Văn Sơn; tiền vệ là: Triệu Việt Hưng - Đức Huy - Hoàng Đức, tiền đạo: Văn Toàn - Tiến Linh - Xuân Nam. Dự bị còn có Phạm Xuân Tạo, Mạc Đức Việt Anh (SHB Đà Nẵng), Trương Tiến Anh (Viettel), Nguyễn Văn Anh (Hoàng Anh Gia Lai)…
Nhiều người nói vui, nếu tuyển thêm thủ môn, đây sẽ là đối thủ đáng gờm với những đội còn lại của V-League. Cũng xin nói thêm, hai HLV lừng danh Lê Thế Thọ và Hồ Thu (cựu HLV trưởng Công an TP Hồ Chí Minh, Ngân Hàng Đông Á) đều là danh thủ xứ Đông.
4 cầu thủ trúng tuyển bằng vé vớt
Mùa hè năm 2007, sau khi kết thúc đợt tuyển sinh khóa I Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên toàn quốc, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh (khi ấy là cố vấn học viện) rủ HLV Graechen Guillaume (tên gọi thân mật là Giôm) từ Pleiku xuống Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh) xem trận chung kết giải bóng đá nhi đồng toàn quốc.
Ngày ấy, đội nhi đồng Hải Dương chơi khá hay và đoạt chức vô địch. Ông Vinh đưa ra sổ tay ghi chép chi tiết các thông số chuyên môn rồi gợi ý với Giôm nên chọn 4 cầu thủ xuất sắc nhất của Hải Dương là Văn Toàn, Văn Sơn, Văn Thanh và Văn Anh vào khóa I của học viện.
HLV Giôm lắc đầu nói: "Văn Toàn nổi bật nhất nên chỉ có thể chọn cậu ấy. Ba người còn lại không được vì chưa hội đủ các điều kiện trong quy trình tuyển chọn của Học viện JMG…".
Thuyết phục mãi nhưng ông Vinh vẫn không lay chuyển được Giôm. Phương án cuối cùng được ông Vinh và Giôm thỏa thuận là đưa cả 4 về thử việc tại học viện. Nếu được thì chọn hết, còn ngược lại thì bổ sung cho lứa năng khiếu của Hoàng Anh Gia Lai.
Cặp mắt lão luyện với 50 năm trong nghề đã giúp ông Vinh có cách đánh giá xác đáng. Sau vài tháng thử việc, cả 4 cùng được ký hợp đồng đào tạo dài hạn ở học viện. Nhưng sự thăng hoa không chia đều cho cả bốn, Văn Toàn - Văn Thanh và Văn Sơn sớm được gọi vào đội tuyển U19, U21 rồi U22 trong khi Văn Anh không được nhắc tới.
Vài năm trở lại đây, do sa sút phong độ nên Văn Sơn không được gọi vào đội tuyển quốc gia, trong khi 2 đồng hương Văn Toàn cùng Văn Thanh thì luôn được tín nhiệm.
Văn Thanh suýt về nhà
Được ký hợp đồng đào tạo dài hạn, nhưng trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ vào năm 2008, sau lúc làm các xét nghiệm tại bệnh viện ở Gia Lai rồi TP Hồ Chí Minh, Văn Thanh được xác định bị viêm gan siêu vi B.
Hành trình đến với bóng đá của Văn Thanh đầy lận đận - Ảnh: ANH TIẾN
HLV Giôm tuyên bố nếu điều trị không hết bệnh, Văn Thanh sẽ bị trả về gia đình để tránh lãng phí công sức, kinh phí đầu tư của học viện. Uống thuốc đặc trị hằng ngày và liên tục trong 3 năm liền, Văn Thanh mới dứt bệnh. Một lần nữa, may mắn lại song hành cùng tuyển thủ Vũ Văn Thanh.
Vui lắm, nếu dự án thành hiện thực
Trao đổi cùng PV, tiền đạo Văn Toàn nói: "Trong dịp về thăm nhà gần đây, tôi có nghe gia đình kể về việc này. Tôi rất vui bởi nếu dự án ấy trở thành hiện thực sẽ giúp bóng đá trẻ Hải Dương có điều kiện rèn luyện tốt hơn. Và biết đâu trong thời gian tới Hải Dương sẽ có tên ở V-League".
Theo Tuổi trẻ