Đình Dương Xuân thờ bốn vị Thành hoàng: Viết Châu, Viết Tú, Viết Hương và Viết Huyền, có công giúp vua đánh giặc Ma Na thời Lý.
Mặt trước đình Dương Xuân
Đình Dương Xuân (ở thôn Dương Xuân, xã Quyết Thắng, TP Hải Dương) tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng, mặt tiền quay về phía tây nam, phía trước là giếng nước trồng sen quanh năm xanh mát.
Thần tích lưu truyền
Đình Dương Xuân thờ bốn vị thành hoàng: Viết Châu, Viết Tú, Viết Hương và Viết Huyền có công giúp vua đánh giặc Ma Na thời Lý.
Theo tấm bia thần tích khắc dựng vào năm Hoàng triều Tự Đức 29 (1876) hiện lưu giữ tại di tích, vào thế kỷ VI, dưới thời vua Lý Nam Đế, đất nước yên bình thịnh vượng ba năm, nhân dân được yên ổn. Trong thời gian này, vua cùng quần thần xa giá lên thuyền đi chu du thiên hạ. Vào giờ ngọ ngày 14.3, thuyền đi đến Châu Tân thuộc địa phận trang Dương Mai (nay là thôn Dương Xuân) bỗng nhiên gặp mưa to gió lớn, vua bèn ghé vào trang trú ẩn. Vua hỏi thổ thần ở ven sông là thần nào, rồi bảo rằng: Nếu (vị thần) làm được mưa gió tạnh ở sông này mới là linh ứng. Đêm hôm đó, vua mộng thấy bốn ông mặc sắc phục màu đỏ rực rỡ, ngồi trong thuyền, nói: "Ta là thần Đại Giang của nước Nam, ở rừng cây này đã lâu, nay gặp vua đi chu du, nguyện đi theo để phù trợ". Tỉnh dậy, vua triệu tập đình thần và kỳ lão ở bản trang đến cùng bàn bạc. Một lúc sau, nước ở trong sông nổi sóng dâng trào, phía đông của trang có một gò đất bỗng nổi lên rừng cây dài chừng bốn thước, giống như hình người nhà vua đã gặp trong mộng (hôm đó là ngày 16.3). Nhà vua cùng đình thần và kỳ lão đến xem, thấy cây có viết 8 chữ: Viết Châu, Viết Tú, Viết Hương, Viết Huyền. Lúc đó, gió yên, mưa tạnh, bến sông quang đãng trở lại. Cho là linh ứng, nhà vua truyền lệnh xây đền thờ, lại ban cho nhân dân 300 quan tiền, miễn binh lương sáu năm và cho phép trang Dương Mai, huyện Bình Hà làm hộ nhi hương hỏa phụng thờ mãi mãi, đồng thời khen phong mỹ tự:
Nhất phong: Bản cảnh Thành hoàng dương uy cảm ứng quảng ích Đại vương (Bậc Đại vương là Thành hoàng bản cảnh oai nghiêm, tài giỏi, cảm ứng, rộng rãi).
Nhất phong: Dực tán diệu vận thông minh linh ứng Đại vương (Bậc Đại vương giúp đỡ rộng khắp, tốt đẹp khéo léo, thông minh, linh thiêng, hiển ứng).
Nhất phong: Chính trực Linh phù đạt đức hoằng tuyên Đại vương (Bậc Đại vương chính trực, linh thiêng phù giúp, hiện rõ ân đức, truyền bá rộng khắp).
Nhất phong: Đương cảnh Thành hoàng thi nhân duệ trí phả lại Đại vương (Bậc Đại vương là Thành hoàng bản cảnh có lòng nhân từ, ban phát ân huệ, thông minh, sáng suốt, khắp nơi được nhờ cậy).
Đến triều Lý, niên hiệu Long Phù năm thứ 3 (1103), giặc Ma Na xâm chiếm nước ta. Thư từ biên cương cấp báo về, nhà vua vô cùng lo lắng triệu đình thần họp bàn kế đánh giặc. Vua cầm quân đi đánh giặc nhưng không chống cự được liền đến đền thờ ở trang Dương Mai hành lễ, lập đàn cầu đảo.
Khi nhà vua xuất quân, bỗng nhiên trời đất tối đen, mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, sóng cả dâng trào, quân giặc phân tán bị quân ta giết nhiều không kể xiết, số sống sót vội vã bỏ chạy về nước. Đất nước trở lại thanh bình. Nhà vua rất đỗi vui mừng, triệu đình thần và bản trang dự yến, ban cho nhân dân 10 cân bạc, trăm tấm lụa trắng, miễn binh lương các dịch ba năm và cho phép bản trang lấy đó làm tiền của hương đăng, đồng thời tặng phong: Thượng đẳng tối linh (Vị thần bậc thượng đẳng rất linh thiêng), theo trước phụng thờ mãi mãi.
Để ghi nhớ công đức của các ngài, người dân làng Dương Xuân đã xây dựng ngôi đình để các thế hệ nghìn năm sau có nơi phụng thờ hương hỏa. Hằng năm, cứ vào ngày 16.3 âm lịch, dân làng Dương Xuân lại tổ chức lễ hội. Để tỏ lòng thành kính, tri ân, nhân dân trong làng tổ chức rước từ đống Thiên (nơi hiển linh của bốn vị thần, cách đình khoảng 1 km về hướng đông bắc) về đình làm lễ tế. Nhân dân trong làng nô nức mang lễ vật là những nông sản tinh túy nhất dâng lên các vị thần có nhiều công lao với dân, với nước. Phần hội có hát chèo, cờ tướng, chọi gà, bắt vịt...
Tấm bia thần tích ghi về sự tích bốn vị thành hoàng khắc dựng vào năm Tự Đức 29 (1876)
Dấu tích đình xưa
Đình Dương Xuân gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái xây đao dĩ, tòa hậu cung xây bít đốc. Kết cấu vì kèo theo kiểu giá chiêng, mái lợp ngói mũi. Công trình có sân đình, giếng, nhà tạo soạn và cổng nghi môn, xung quanh có tường bao bảo vệ tạo không gian riêng biệt, linh thiêng.
Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đình đã không còn lưu giữ được kiến trúc cổ ban đầu. Cụ Đinh Văn Đồng, Hội hương lão đình cho biết: Năm 1947, ngôi đình bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn lấy nguyên vật liệu xây dựng bốt Nhang Hải. Các đồ thờ tự như ngai, bài vị, sắc phong cũng bị mất. Năm 1960, dân làng xây dựng 3 gian đình nhỏ, mái lợp rạ để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 2000, địa phương cho cải tạo lại thành 3 gian lợp ngói. Đến năm 2020, ngôi đình được phục dựng lại khang trang như hiện nay và về cơ bản vẫn giữ được lối kiến trúc của ngôi đình cổ.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1954 - 1960, ngôi đình là nơi mở các lớp bình dân học vụ hưởng ứng phong trào "diệt giặc đói", "diệt giặc dốt" và giặc ngoại xâm do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức một số lớp học (từ lớp 1 đến lớp 4) của Trường Tiểu học xã Quyết Thắng; nơi luyện lập của dân quân du kích địa phương...
Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ, chính quyền và nhân dân địa phương đã làm đơn đề nghị trình các cấp xem xét xếp hạng đình Dương Xuân là di tích lịch sử cấp tỉnh.
ĐẶNG THU THƠM