Bốn đời gói bánh chưng

10/02/2021 06:08

Ở Hải Dương không hiếm gia đình làm nghề gói bánh chưng. Nhưng duy trì nghề này suốt 4 đời liên tiếp như gia đình cụ Nguyễn Văn Trung, quê ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thì rất hiếm.


Cứ vào dịp Tết, vợ chồng bà Nguyệt lại tất bật gói hàng nghìn chiếc bánh chưng theo đơn khách đặt

7 con theo nghề

Cứ gần đến Tết là căn nhà số 110 phố Khúc Thừa Dụ (TP Hải Dương) lại tấp nập người ra vào đặt mua bánh chưng. Chỉ cần bước tới cửa ngôi nhà này là đã cảm nhận được những hương vị đặc trưng của gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ xào tiêu bắc thơm lừng. Các nơi trong nhà la liệt lá dong, lạt buộc, thúng mủng, xoong nồi...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (con gái của cụ Trung) hồ hởi khoe: "Từ ngày rằm tháng chạp đến 29 Tết là vợ chồng tôi gần như luôn chân luôn tay, có khi phải thức đêm gói bánh. Bánh nhà làm thơm ngon nên bà con đến đặt đông lắm. Năm nay sức khỏe có phần giảm sút nên vợ chồng tôi chỉ nhận gói khoảng 6.000 chiếc, chứ như mọi năm thì gói nhiều hơn".

Bà Nguyễn Thị Nghĩa ở phố Quang Trung cũng đến đây đặt bánh chưng Tết. "Hơn chục năm nay tôi đều đặt mua ở đây vừa để thờ cúng gia tiên, vừa gửi cho con trên Hà Nội. Cũng mua ăn thử mấy chỗ khác rồi nhưng không đâu ngon ngậy mà lại gói đẹp bằng nhà này. Đúng là mấy đời làm bánh có khác", bà Nghĩa nhận xét.

Bà Nguyệt khẳng định gia đình mình có truyền thống làm nghề gói bánh chưng đã 4 đời liên tiếp. Từ khi còn nhỏ, bà Nguyệt đã thấy ông bà nội hằng ngày gói bánh chưng đem bán ở chợ Xuân Nẻo. Bố mẹ của bà Nguyệt là cụ Nguyễn Văn Trung (82 tuổi, đang sống ở Xuân Nẻo) và cụ Đỗ Thị Lương (đã mất) cũng làm nghề này. Cụ Trung và cụ Lương sinh được 9 người con, trong đó hầu hết theo nghề truyền thống của gia đình. Bà Nguyễn Thị Nga (em gái bà Nguyệt) cũng có một người con theo nghề gói bánh chưng.

Trước đây, vợ chồng cụ Trung cùng các con sinh sống tại phố Cầu Cất, sau chuyển về phố Chợ Con (TP Hải Dương). Bà Nguyệt cùng các anh chị em không học lên cao mà ở nhà gói bánh chưng cùng bố mẹ. Công việc gói bánh diễn ra gần như quanh năm. Nhà có 11 người thì 4 người gói, 7 người còn lại lo đi mua nguyên liệu, giao hàng. 5 bếp than nhà cụ Trung lúc nào cũng đỏ lửa, mỗi ngày luộc 1.000 - 1.500 chiếc bánh chưng loại nhỏ giao buôn cho các tiểu thương ở chợ Phú Yên, các quán nước ven đường... Nhà chỉ có 2chiếc xe đạp, bà Nguyệt và các anh chị em được bố mẹ giao thay nhau đi giao bánh từ 5 giờ sáng đến tận khuya. "Ngày ấy ở thị xã Hải Dương cũng có mấy nhà làm nghề này nhưng không đâu gói nhiều như nhà tôi. Bánh gói đến đâu hết bay đến đấy. Giờ cứ hỏi các cụ cao niên ở thành phố này chắc nhiều người vẫn nhớ bánh chưng bà Lương thời đó ngon như thế nào", bà Nguyệt tự hào nói.

Sau này vì tuổi cao nên vợ chồng cụ Trung không còn theo nghề. 9 người con của 2 cụ cũng lần lượt yên bề gia thất, trong đó có 7 người vẫn duy trì nghề của cha ông, cùng sinh sống ở TP Hải Dương. Trong số những anh chị em theo nghề gói bánh chưng, nhà bà Nguyệt lúc nào cũng đông khách nhất. Bà kể giai đoạn 1993-1995, mỗi ngày vợ chồng bà làm việc liên tục từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, gói từ 1.000 - 1.200 chiếc bánh loại nhỏ. Chồng bà Nguyệt phải thuê xích lô chở bánh đi giao cho các đầu mối trong thành phố, xuống cả thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Ngày Tết phải thuê thêm người phụ giúp. Mấy năm nay, bà chỉ gói bánh chưng loại to, một tháng đôi lần vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch. Theo nghề gói bánh chưng, dù kinh tế không được giàu có nhưng giúp gia đình bà Nguyệt cũng như anh chị em của mình có được một cuộc sống ổn định.

Để làm ra những chiếc bánh chưng, bà Nguyệt chọn gạo nếp cái hoa vàng loại 1, thịt ba chỉ mua tại lò mổ. "Thời gian luộc bánh phải bảo đảm từ 10-12 tiếng, có thế khi ăn bánh mới thấy đậm đà, thơm ngon", bà  Nguyệt nói.

Mang nghề sang Nhật Bản

Có một điều thú vị là cả 7 anh chị em bà Nguyệt đều gói vo, không cần dùng khuôn mà rất nhanh. Mỗi chiếc bánh chỉ cần vài chục giây là xong nhưng đều vuông vức, đẹp mắt. Bởi vậy mà không ngạc nhiên khi suốt từ năm 2008 đến nay, bà Nguyệt cùng anh chị em của mình đều được TP Hải Dương chọn cử đi tham dự Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, 2 lần dự thi tại Lễ hội Đền Hùng. Tham dự hội thi, mỗi đội có 10 phút để gói 10 chiếc bánh. Tuy nhiên, bà Nguyệt cùng anh chị em của mình chỉ cần 2,2-2,5 phút đã làm xong. Nhiều người đứng xem rất thán phục trước đôi bàn tay điêu luyện của anh chị em bà Nguyệt.

Xếp đống bánh chưng vừa gói vào nồi, bà Nguyệt trầm giọng: “Tính ra cũng cả đời theo nghề gói bánh chưng. Giờ tuổi cao, lắm lúc cũng thấy oải nhưng nghĩ về cái nghề đã nuôi sống cả đại gia đình mà vẫn cố theo. Buồn một nỗi cả nhà giờ chỉ còn mình tôi theo nghề”.

Mấy năm nay, ngày càng có nhiều gia đình ở thành phố làm nghề gói bánh chưng. Lợi nhuận không còn được như trước nên mấy anh chị em nhà bà Nguyệt đã chuyển sang nghề khác. Dù buồn nhưng bà Nguyệt vẫn được an ủi phần nào khi có một người cháu (con em gái bà Nguyệt) đang theo nghề ông cha. Nhiều năm nay, cháu bà Nguyệt gói bánh chưng bán ở TP Hải Dương. Năm 2018, chị này theo chồng sang Nhật Bản. “Cứ tưởng sang đó định cư thì bỏ nghề nhưng ở nơi xứ người, hằng ngày cháu nhà tôi vẫn làm nghề gói bánh chưng. Vừa nó gọi điện về khoe giờ còn gói bánh cung cấp cho cả siêu thị. Người dân địa phương ăn bánh khen ngon, đặt mua đông lắm. Nghe nó nói vậy mà tôi mừng rơi nước mắt”, bà Nguyệt chia sẻ.

AN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bốn đời gói bánh chưng