Bốn danh nhân dòng họ Trần ở làng Quan Sơn

31/07/2023 17:20

Làng Quan Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) có 4 nhà khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam đều mang họ Trần.


Nhà thờ họ Trần ở thôn Quan Sơn thờ tổ dòng họ là Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, Hoàng giáp Trần Năng, tiến sĩ Trần Bảo, Hoàng giáp Trần Xuân Bảng và Trần Thanh Lãng

Theo nhiều tài liệu thư tịch cổ, vùng đất Nam Sách xưa có tên là huyện Thanh Lâm, thuộc phủ Nam Sách. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến nay dấu vết của các làng cổ ở Nam Sách cũng mai một nhưng vẫn còn lưu truyền trong những truyền thuyết, gia phả các dòng họ, những công trình tín ngưỡng, văn hóa các làng.

Trong các làng cổ ở Nam Sách, phải kể đến đất An Sơn với nhiều nhà khoa bảng đã lưu danh tên tuổi.

Với người dân Quan Sơn, niềm tự hào nhất của họ là truyền thống hiếu học. Về đây, khi hỏi về dòng họ có truyền thống khoa bảng nổi danh thì ai cũng chỉ nhắc đến dòng họ Trần vì đây là dòng họ duy nhất ở làng có tới 4 nhà khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam. Đó là các tiến sĩ Trần Sùng Dĩnh, Trần Năng, Trần Bảo và Trần Xuân Bảng với nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xây dựng quê hương.

Theo gia phả họ Trần được lưu giữ tại nhà thờ họ, cụ tổ dòng là Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh. Hiện nay, một số sách khảo cứu như các cuốn: “Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 1998 của Trần Hồng Đức; “Các nhà khoa bảng Việt Nam” của Ngô Đức Thọ, “Tiến sĩ Nho học Hải Dương 1075-1919” đã khẳng định mối quan hệ huyết thống của 4 nhà khoa bảng: Trần Sùng Dĩnh (quê gốc tại xã Quan Sơn, trú quán ở xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm) là anh của Hoàng giáp Trần Năng; Trần Năng là chú của Tiến sĩ Trần Bảo và Hoàng giáp Trần Xuân Bảng là cháu xa.

Trần Sùng Dĩnh (1465-?): là người khai khoa đỗ đạt cho dòng họ Trần. Năm 23 tuổi ông thi Hương đỗ Giải nguyên, sau thi Đình đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư. Ông là thành viên của Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông. Ông có nhiều thơ được chép trong sách “Toàn Việt thi lục”. Sau khi mất ông được phong làm Phúc thần.

Trần Năng (1445-?): đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) năm 49 tuổi làm quan đến chức Lại bộ Tả Thị lang, sau khi mất được tặng Lễ bộ Thượng thư. Khoảng niên hiệu Đoan Khánh (1505-1509), đời vua Lê Uy Mục, ông cùng với Lê Vũ, Phạm Thịnh đánh nhau với Giản Tu công (tức vua Lê Tương Dực sau này) ở xứ Đồng Lạc, vì tình thế không địch nổi nên bị tử trận ở Chu Kiều, được người đời khen là tiết nghĩa.

Trần Bảo (1512-?): đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa nguyên niên (1541) năm 30 tuổi, sau lại thi đỗ khoa Đông các, làm quan tới chức Tham chính, tước Văn Phạm bá. Trần Bảo làm quan rất thanh bạch, tự giữ nếp thanh bần. Trần Bảo giỏi về văn chương, là bậc thầy được người đương thời kính trọng. Giới văn chương thời ấy coi văn chương của Trần Bảo là mẫu mực. Trần Bảo đặc biệt giỏi quốc âm. Ông để lại các tác phẩm như: “Chí Linh phong thổ ký”, “Vương Thăng truyện”, “Ngư tiều canh mục phú”...đều được lưu truyền ở đời. Ông còn mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học. Trong số học trò của ông có những người đỗ đạt cao, làm quan to trong triều, như: Trạng nguyên Phạm Duy người ở Hùng Khê huyện Chí Linh (nay thuộc thôn Kim Khê, xã Cộng Hòa) đỗ khoa thi Nhâm Tuất (1562); Bảng nhãn Nguyễn Miễn, người Lại Thượng huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương (nay là thôn Lại Nguyễn, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đỗ khoa thi Tân Mùi (1571).


Ban thờ trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh và các vị tiến sĩ dòng họ Trần thôn Quan Sơn, xã An Sơn

Trần Xuân Bảng (1619-?): thi Hương đỗ Giải nguyên, 43 tuổi đỗ Hội nguyên, Hoàng giáp khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661), làm quan tới chức Tham chính. Ông còn có nhiều đóng góp xây dựng quê hương như công đức tiền của xây dựng đình chùa, khuyến khích con em trong vùng học tập, thi cử. Thác bản văn bia Tạo phối thần bi do tiến sĩ Trần Thọ soạn năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) có ghi ông và vợ là bà Trần Thị Ngọc Hương là người đức hạnh, đảm đang. Các con ông đều thành đạt, luôn quan tâm đến làng quê, cúng 100 quan tiền sử, 1 dật bạc, 1 mẫu ruộng để làng tu sửa đình. Khi mất ông được dân làng suy tôn là Hậu thần, được phối thờ tại đình...

4 vị Tiến sĩ Nho học họ Trần ở làng Quan Sơn đã được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội và Văn miếu Mao Điền tỉnh Hải Dương.

Gia phả họ Trần suy tôn các cụ Trần Sùng Dĩnh, Trần Năng, Trần Bảo, Trần Xuân Bảng, Trần Thanh Lãng là viễn tổ. Từ đời cụ Trần Thanh Lãng là thủy tổ của dòng họ đã truyền được hơn 10 đời, chia làm 4 chi, chi 1, 2, 3 ở làng, chi 4 sinh cơ, lập nghiệp ở Mạn Nhuế (nay thuộc khu Hoàng Hanh, thị trấn Nam Sách).

Dòng họ Trần xây dựng nhà thờ năm 2002 để thờ các vị viễn tổ của dòng họ. Ngày nay, noi gương các bậc tiên tổ, con cháu dòng họ Trần luôn dạy bảo con cháu chăm chỉ học hành, tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện Ông Trần Xuân Chuyển,một thành viên của dòng họ cho biết dòng họ có quỹ khuyến học. Mỗi năm, quỹ chi hàng chục triệu đồng để trao thưởng cho con cháu trong họ có thành tích cao trong học tập, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Dòng họ có nhiều người có bằng cử nhân, thạc sĩ, nhiều nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

HƯƠNG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bốn danh nhân dòng họ Trần ở làng Quan Sơn