Bơi lội và judo không đặt chỉ tiêu thành tích, nhưng cả 2 môn này lại có những VĐV có khả năng gây đột biến.
Chỉ mới 16 tuổi nhưng Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội nước nhà khi 4 lần vượt chuẩn B để đường hoàng tới Olympic. Trước kỳ SEA Games 26 diễn ra, Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm mưa làm gió trên đường đua xanh khi phá tới 7 kỷ lục trong tổng số 10 HCV đạt được ở giải vô địch quốc gia các nhóm tuổi.
Ngoài ra, Ánh Viên đoạt 6 HCV, 3HCB và 2 HCĐ, phá 2 kỷ lục Đông Nam Á ở giải các lứa tuổi Đông Nam Á. Chưa dừng lại ở đó, cô gái 15 tuổi này tiếp tục gây bất ngờ ở giải vô địch quốc gia khi giành tới 6 HCV và ẵm luôn cả danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất. Ánh Viên khép lại năm 2011 đầy thành công với 2 tấm HCB SEA Games 26, mở ra cơ hội lần đầu tiên đoạt chuẩn B Olympic. Và môn bơi lội cũng như người hâm mộ thể thao không phải chờ lâu.
Ánh Viên đã sẵn sàng tranh tài ở Olympic London
Từ giải Indianapolis Grand Prix diễn ra tại Mỹ, VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đã xuất sắc đạt thành tích 2 phút 15 giây 15 để vượt qua chuẩn B Olympic ở nội dung 200m ngửa. Chưa dừng lại ở đó, Ánh Viên có thêm 3 lần nữa nâng cao thành tích của mình, phá sâu mức chuẩn B.
Đáng chú ý là tại Giải vô địch bơi lội Đông Nam Á 2012 ở Singapore vào tháng 6 vừa qua, ở nội dung 200m bơi ngửa sở trường, Ánh Viên không chỉ giành HCV mà còn vượt qua chuẩn B để tiếp cận dần tới chuẩn A Olympic (2 phút 10 giây 84). Chưa hết, Ánh Viên còn phá thêm chuẩn B Olympic nội dung 400m hỗn hợp cá nhân với thành tích 2 phút 17 giây 67.
Thành tích này giúp VĐV người TP.HCM xếp thứ 6 ở nội dung bơi ngửa trong danh sách các VĐV tới Olympic bằng chuẩn B. Có phần đáng tiếc cho người đồng đội Hoàng Quý Phước nhưng Ánh Viên cũng đủ mang lại tự hào cho bơi lội Việt Nam.
Điểm mạnh của Ánh Viên là thể hình lý tưởng cho tập luyện bơi lội đỉnh cao. Cô cao hơn 1m74, nhưng sải tay đã đạt 1m98 và hai bàn chân to, những yếu tố rất tuyệt vời cho các VĐV bơi lội. Tất cả chuyên gia bơi lội Mỹ khi chứng kiến Ánh Viên luyện tập đều cho rằng cô sẽ còn tiến rất xa.
Thêm nữa, hiện nay Ánh Viên vẫn còn đang phát triển chiều cao nên các HLV chưa đưa vào các bài tập tăng cường thể lực. Điều đó cho thấy, Ánh Viên chắc chắn sẽ trở thành VĐV chủ lực của bơi lội Việt Nam.
Tại Olympic lần này, rõ ràng là Ánh Viên không có cửa tranh chấp huy chương, nhưng nếu thi đấu hết khả năng, Ánh Viên hoàn toàn có thể vào đến vòng chung kết, đó cũng là một giấc mơ lớn với bơi lội Việt Nam. Ngay sau khi kết thúc Olympic, Ánh Viên sẽ được đầu tư trọng điểm để hướng tới tấm HCV tại Asiad 2014 diễn ra ở Hàn Quốc.
Nếu như đàn em Ánh Viên đến Olympic với mục tiêu học hỏi, cọ xát thì cửa tranh chấp huy chương với “Nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú lại hoàn toàn sáng sủa. Sau khi bất ngờ thất bại trong trận chung kết tại SEA Games, nỗi buồn của Văn Ngọc Tú đã được thay bằng niềm vui có vé tham dự Olympic 2012.
Ngay sau kỳ tích này, bộ môn judo đã dành 1 nửa kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế của bộ môn Judo (khoảng 100.000 USD) đầu tư cho Văn Ngọc Tú chuẩn bị và thi đấu tại Olympic 2012. Để chuẩn bị tốt nhất cho Olympic, từ đầu năm đến nay Văn Ngọc Tú được sang tập huấn tại Trung Quốc 2 lần, mỗi lần 2 tháng thọ giáo với các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc.
Judo không thuộc diện những môn có tiềm năng đoạt huy chương Olympic 2012 của thể thao Việt Nam như bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ...Olympic lại là nơi hội tụ những cao thủ hàng đầu thế giới, chính vì thế, cơ hội tranh chấp huy chương của Văn Ngọc Tú sẽ không hề đơn giản như đấu trường châu Á quen thuộc.
Thế nhưng với Tú, thi đấu thể thao không nói trước được điều gì, nhất là khi lá phiếu bốc thăm may mắn đưa cô vào bảng đấu nhẹ, cơ hội giành tấm HCĐ là nằm trong khả năng.
Hiểu Minh (DT)