Trước lo lắng của dư luận khi nhiều trường đại học tư thục đào tạo ngành Y, đại diện Bộ Y tế cho biết nếu không đủ điều kiện sẽ không cấp chứng chỉ nghề kể cả sinh viên đã tốt nghiệp.
Năm 2021, nhiều trường đại học (ĐH) tư thục dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe. Có thể kể tới như Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở thêm các ngành y đa khoa, y học cổ truyền. Trước đó, trường này cũng mở ngành răng – hàm – mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì dự kiến mở thêm 8 ngành thuộc khối sức khỏe, gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện.
Những năm trước, trường này đã đào tạo các ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Tổng chỉ tiêu dự kiến cho khối sức khỏe năm nay của trường là khoảng 1.300 sinh viên.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở 2 ngành mới là kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng.
Về điều này, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo và đầu ra của ngành y dược phải được kiểm soát chặt, nếu không, hậu quả sẽ khó lường.
Ảnh minh họa |
Không được hành nghề nếu không đạt chuẩn
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang nghiên cứu về việc quản lý chất lượng đào tạo ngành y của các trường mở mới.
“Chúng tôi khuyến cáo các trường khi đã mở mã ngành cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Bởi thời gian tới, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu ra theo năng lực và cấp chứng chỉ nghề quốc gia. Nếu không đạt điều kiện, chuẩn đào tạo thì không cấp chứng chỉ hành nghề dù sinh viên đã tốt nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ thông tin cảnh báo các trường, nếu không làm bài bản thì sẽ khó tồn tại. Cùng đó cũng gắn với trách nhiệm giải trình, chứ không phải ngoài công lập là muốn làm gì thì làm”.
Theo ông Tác, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đang cho kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường có mở ngành y.
“Thậm chí, một số trường cũng đã mở ngành đào tạo rồi, nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra thấy cũng không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất”.
Theo ông Tác, Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xem xét điều kiện mở mã ngành của khối sức khỏe.
“Ví dụ đào tạo bác sĩ, như Trường ĐH Y Hà Nội hiện có tới 43 bộ môn mới chạy được một chương trình bác sĩ. Nhưng trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay chỉ cần 1 tiến sĩ và 5 thạc sĩ thì có thể mở được một mã ngành chẳng hạn, thì làm sao đáp ứng được đào tạo ngành y”, ông Tác nói.
Phó Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa quốc gia. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tuy nhiên, ông Tác cũng cho hay, kể cả trường tư, nhưng nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có thể có đầu ra đáp ứng yêu cầu. Khi đó thì xã hội có thể yên tâm.
“Tới đây, người dân cứ yên tâm rằng Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra, thẩm định đánh giá chất lượng đào tạo các ngành sức khỏe của các trường trên toàn quốc. Với những sinh viên ngành y nhưng không đạt các tiêu chuẩn thì không được cấp chứng chỉ nghề, đồng nghĩa với việc không được khám chữa bệnh. Như vậy, học viên sẽ tìm đến những trường mà học xong có thể được cấp chứng chỉ hành nghề để theo học”, ông Tác nói.
Chiều 15.1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao quyết định thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hội đồng phải tổ chức các kì thi định kỳ cấp chứng chỉ hành nghề y thiết thực, công bằng, hướng theo chuẩn quốc tế nhưng không được nhiêu khê và nhất thiết phải rất khoa học, minh bạch. Hội đồng Y khoa quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch có nhiệm vụ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật: Xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề;… |
Theo Vietnamnet