Tin tức

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận trách nhiệm về những “nhức nhối” của ngành thể thao

T.H (theo Vietnam+) 05/06/2024 14:29

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận trách nhiệm và sự chậm trễ trong việc nắm bắt những sai phạm đã trở thành “tiêu cực nhức nhối” của ngành thể thao nước nhà.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay, 5/6. (Ảnh: Quốc hội)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay, 5/6

Đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay, 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời nhiều câu hỏi của các địa biểu xoay quanh những vụ việc tiêu cực xảy ra trong ngành thể thao cũng như những chính sách chăm lo cho các vận động viên thể thao thành thích cao sau khi đã hết sự nghiệp thi đấu.

Tiêu cực trong thể thao “là nhức nhối” của ngành

Nhắc lại sự việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình cho rằng sự việc đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao thành tích cao trong mắt công chúng và xấu đi hình ảnh thầy trò tình nghĩa.

Theo bà, đây cũng là mặt trái của thể thao thành tích cao và phơi bày chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, công tác quản lý chưa hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Thừa nhận tiêu cực trong thể thao “là nhức nhối” của ngành, song Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay hai vụ việc liên quan đến tiền ăn của đội bóng bàn và tiền của đội thể dục dụng cụ chỉ là “cá biệt”. Khi phát hiện sự việc, bộ đã kiên quyết xử lý với phương châm làm nghiêm và không có ngoại lệ. Thực tế, bộ đã tiến hành kỷ luật hành chính người sai phạm và cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xem xét dấu hiệu vi phạm, điều tra, xử lý nghiêm nếu có.

“Chúng tôi không dung túng, bao che cho ai cả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định. “Báo cáo thật” trước Quốc hội, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận “việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_phien_chat_van_va_tra_loi_chat_van_linh_vuc_van_hoa_the_thao_va_du_lich_7414396.jpg
“Báo cáo thật” trước Quốc hội, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận “việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”

Theo ông, ban đầu mục đích của các đội là góp quỹ để góp tiền thăm hỏi nhau khi ốm đau, cho việc cưới hỏi, ma chay; việc này dù theo quy định là trái phép nhưng “nếu quản lý chặt, không để huấn luyện viên lạm dụng thì có lẽ đã không có tiêu cực xảy ra”, Bộ trưởng nói và cho rằng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho rà soát tình trạng này.

Sau những tiêu cực của ngành thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp của bộ là đã hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển từ huấn luyện đến quản lý và tăng cường kiểm tra về chế độ chính sách, đảm bảo công khai minh bạch.

Chính sách cho vận động viên sau "giải nghệ" còn chưa căn cơ

Đặt vấn đề đa số các vận động viên thường chung nỗi lo làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, theo đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình, sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang công tác huấn luyện. Chính vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên đành từ bỏ đam mê thể thao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau "giải nghệ", đặc biệt là các vận động viên gặp chấn thương trong sự nghiệp thi đấu.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thể thao, nên Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã tập trung lãnh đạo công tác thể thao, sau đó Chính phủ đã có chiến lược, đề án thực hiện.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách bao gồm 7 chính sách Trung ương và 1 chính sách ở địa phương để hỗ trợ vận động viên, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu. Các chính sách được triển khai và áp dụng trên toàn quốc đã góp phần động viên đội ngũ vận động viên đạt thành tích cao.

z5510062042359_008b44e6721e8146203da37e6944efc0.jpg
Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Trung Cường

“Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải pháp việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Hùng thừa nhận. Thực tế, theo Bộ trưởng, trình độ đào tạo và nghề nghiệp của nhiều vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian, hoặc nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với nhiều vận động viên.

Về lâu dài, không phải tất cả vận động viên đều được trở về để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức nhiều hơn nữa trong cách tiếp cận, để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

“Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ phối hợp với bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể tác động hệ thống chính sách vừa qua, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho vận động viên để họ tập trung, yên tâm thi đấu, sau đó được phát triển ngành nghề theo đúng sở trường của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Theo đó, phương án đề xuất bao gồm các chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là chính sách về nhà ở, đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.

T.H (theo Vietnam+)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận trách nhiệm về những “nhức nhối” của ngành thể thao