Trước mắt không có lực cản nào, nhưng sẽ có những khó khăn nhất định về hệ thống cơ sở pháp lý, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, tư tưởng cán bộ... - Bộ trưởng Tô Lâm nói về đề án tái cơ cấu Bộ Công an.
Lực lượng công an sẽ gần dân hơn
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
* Dư luận đang rất quan tâm tới việc Bộ Chính trị vừa thông qua đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" [đề án - PV]. Xin ông cho biết khái quát về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của đề án?
Bộ trưởng Tô Lâm: Tổ chức, bộ máy của công an nhân dân (CAND) từ khi thành lập đến nay là quá trình phát triển có tính lịch sử và đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng; sau mỗi lần cải cách, kiện toàn được hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành công an và sự phát triển của đất nước.
Đề án là dựa trên quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức chính phủ; các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng lực lượng CAND, đồng thời căn cứ vào kết quả tổng kết quá trình hình thành, phát triển, kế thừa có chọn lọc, phát huy những ưu điểm của tổ chức, bộ máy Bộ Công an trong hơn 70 năm qua.
* Đề nghị bộ trưởng làm rõ những định hướng lớn và ý nghĩa, tác động của nó khi triển khai thực hiện đề án là gì? Khái niệm "không tổ chức cấp trung gian", "bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" được thể hiện cụ thể như thế nào?
Những định hướng lớn của đề án là: xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu lực hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở";
Không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc bộ; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, y tế;
Sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với công an tỉnh thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.
Đồng thời xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, trước mắt bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc triển khai thực hiện đề án là phù hợp với các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của CAND;
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí công an xã chính quy.
Từ đó lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở;
Khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.
* Bên cạnh sự đồng thuận, quyết tâm chính trị, mọi sự thay đổi đều có những khó khăn nhất định. Theo ông những khó khăn, lực cản lớn nhất trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an hiện nay là gì?
Việc Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là thận trọng, khách quan, khoa học, có sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội.
Trước mắt không có lực cản nào nhưng sẽ có những khó khăn nhất định như: phát sinh những bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý; khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy; việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...
Không thể hoàn thành trong một sớm một chiều
* Dư luận quan tâm Bộ Công an đã chuẩn bị và dự kiến lộ trình như thế nào để triển khai thực hiện đề án? Sẽ phải sửa đổi, hoàn thiện những bộ luật, chính sách nào liên quan làm cơ sở cho việc thực hiện, thưa bộ trưởng?
Công tác chuẩn bị đã được Bộ Công an tập trung ngay từ khi triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Nhiều chuyên đề lớn đã được tổ chức tổng kết. Kết quả đánh giá, tổng kết là cơ sở để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, định hướng nghiên cứu, xây dựng đề án.
Cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy công an các cấp đã chủ động chuẩn bị về công tác cán bộ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; rà soát quy hoạch, cơ cấu lãnh đạo chỉ huy; tạm dừng tuyển chọn công dân vào CAND, tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo chỉ huy, trừ một số chức vụ, chức danh cần thiết...
Đồng thời tiến hành rà soát hệ thống văn bản liên quan đến tổ chức, hoạt động của lực lượng công an.
Tới đây, để có cơ sở cho việc triển khai đề án, nhiều quy định, chính sách được đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, thay thế, trong đó có Luật CAND, nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, quy định về tổ chức Đảng trong CAND; các quy chế phối hợp, quy chế làm việc, các quy định về phân công, phân cấp và công tác cán bộ...
* Bộ trưởng có thể cho biết những đề xuất, giải pháp của Bộ Công an để đảm bảo tính hiệu quả của đề án và phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện hình thức, chiếu lệ, biến tướng trong thực hiện, thậm chí tái phình to bộ máy trở lại?
Đảng ủy Công an trung ương, Bộ Công an đã tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết số 22-NQ/TW để các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nắm rõ; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND.
Bộ Công an cũng đề xuất kiện toàn Đảng ủy Công an trung ương để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đối với các lĩnh vực công tác công an; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, kiện toàn tổ chức đảng ở công an các địa phương; chủ động đề xuất và thực hiện áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.
Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo để sớm sửa đổi, điều chỉnh, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Đảng, tạo cơ sở chính thức cho các tổ chức, hoạt động của lực lượng công an.
Theo Cổng thông tin Bộ Công an