Năm 2021, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2020 các cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được 70% chi phí hội họp, công tác phí...
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29.12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố thông tin lạc quan về kết quả thu ngân sách: Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, năm 2020 tổng thu ngân sách nhà nước bất ngờ đạt 98,3% so với kế hoạch, cao hơn nhiều so với dự báo.
Theo đó, trên cơ sở cập nhật số thu đến nay, Bộ Tài chính ước thu ngân sách cả năm 2020 đạt 1.472 nghìn tỷ đồng, cao hơn 148-150 nghìn tỷ đồng so với số đã đánh giá tháng 8-9 vừa qua để báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng cũng cho biết trong năm 2020, các cơ quan nhà nước đã thực hiện tiết kiệm 70% chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
Như vậy, cùng mức tăng trưởng kinh tế dương (đạt 2,91%), tổng thu ngân sách nhà nước đạt 98,3% cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững trước những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt..., đồng thời khẳng định đánh giá của Chính phủ là năm 2020 chúng ta đã thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh, vừa duy trì được kinh tế phát triển, ổn định xã hội.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2021 ngành tài chính sẽ thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế. Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước tối thiểu 3% so với dự toán trung ương giao.
Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, "ngành tài chính sẽ khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ Tài chính cũng sẽ yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền. Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện giảm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2020.
"Trong năm 2021, cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại khu vực ngân hàng, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống", ông Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Khẩn trương lập đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh
Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành lĩnh vực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế số..., thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh và bền vững.
Việc thực thi cần triển khai quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn trước các biến động, khơi thông các nguồn lực và quyết tâm thực hiện đột phá thể chế pháp luật.
"Để thực hiện mục tiêu kép hiệu quả, phòng chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Việc mở cửa nền kinh tế giao thương cần xem xét và có bước đi thận trọng", ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị "khẩn trương lập đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ xem xét". Đồng thời triển khai nhanh loại hình kinh doanh mới, dịch vụ công, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo Tuổi trẻ