Sáng 22.5, tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Quốc hội Ninh Bình, giãi bày chuyện bị dư luận "ném đá" khi xin ý kiến về thuế tài sản.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội sáng 22.5 - Ảnh: B.D
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đối với các đề xuất như đánh thuế nhà ở, Bộ Tài chính không phải là đơn vị đề xuất mà là thực hiện nghị quyết của các kỳ họp trước.
Ông Dũng nói thực tế thuế tài sản đã có từ Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng khoá 11, trong chiến lược cải cách thuế mà Thủ tướng đã phê duyệt từ giai đoạn 2011-2015 cũng đã có nêu vấn đề này.
Gần đây nhất là trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về "tái cơ cấu ngân sách quản lý an toàn nợ công", cũng đã có giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu ban hành thuế tài sản. Ngoài ra tại Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm cũng đã có chủ trương.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng xét tất cả các yếu tố pháp lý thì việc đặt vấn đề thuế tài sản là đầy đủ, bây giờ mới đưa ra vấn đề thuế tài sản thậm chí còn là… chậm. Nhưng việc Bộ Tài chính trên thực tế vấp phải sự phản đối gay gắt, theo ông Dũng là có lý do.
"Chúng tôi cũng nhìn nhận là cách giải thích, tiếp cận của anh em còn chưa tới nơi tới chốn nên tạo dư luận không tốt, thậm chí là… ném đá.
Chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến rồi bà con cứ góp ý đi, rồi mình tiếp thu hoàn chỉnh, giải trình rồi mình mới trình ra. Còn cả một quá trình dài lâu nữa, còn ra Quốc hội nữa. Giả sử có làm được thuế đó bây giờ thì cũng là cho nhiệm kỳ sau đấy chứ không phải là bây giờ", bộ trưởng phân trần.
Các đại biểu Quốc hội Sơn La, Đà Nẵng, Ninh Bình tại phiên thảo luận tổ sáng 22.5 - Ảnh: B.D
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận "cứ động đến chuyện thu thuế là đụng chạm, điều tiết vào chỗ nọ chỗ kia thì đụng chạm".
Bộ Tài chính đang phải gánh chịu nhiều áp lực từ dư luận khi nhiều giải pháp tăng thu ngân sách lại ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền, nồi cơm" của người dân.
Nói về các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ trưởng Tài chính cho biết đang thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó khả quan nhất là việc quản lý, giao khoán xe công.
"Lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu làm quyết liệt, phải giảm được từ 30-50% nhưng với những gì chúng tôi đang đặt ra thì khả năng sẽ giảm được khoảng 40% lượng xe công", ông Đinh Tiến Dũng nói.
THÁI BÁ DŨNG (Tuổi trẻ)