“Là người đứng đầu tôi xin nhận trách nhiệm”- Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói ngay trong phần mở đầu buổi chất vấn.
|
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn |
17h06
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) thắc mắc tại sao UBND Đà Nẵng phải thảo luận với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về Sơn Trà, khi đây chỉ là hiệp hội doanh nghiệp.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận về Sơn Trà |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận với cả bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Sơn Trà không chỉ là của riêng Đà Nẵng, do đó khi có việc thì Chính phủ phải vào cuộc".
“Sơn Trà cũng như Hạ Long, Phú Quốc... là tài sản của cả nước, bao nhiêu thế hệ đổ xương máu để giữ cho con cháu mai sau”, ông Nghĩa nói.
"Không thể giao cho địa phương tự tính hoàn toàn chuyện Sơn Trà. Tôi đề nghị chỉ quy hoạch 300 phòng ở Sơn Trà thôi".
Vì thời gian đã hết, ông Nghĩa "đặt hẹn" sáng mai 14.6 được nghe câu trả lời về vấn đề này.
16h56
Ông Vũ Đức Đam sau đó dành thời gian để giải trình câu hỏi của đại biểu về chuyện "quy hoạch sau cắt đi 1.000ha rừng của quy hoạch trước". Ông khẳng định không phải như vậy, "như thế thì nguy hiểm quá".
Ông nói cử tri hãy yên lòng, cả hệ thống bộ máy làm việc rất trách nhiệm chứ không phải "ẩu" đến mức như lời suy đoán.
16h52
Ông Đam cho biết quy hoạch bán đảo Sơn Trà được thực hiện bởi cơ quan tư vấn gồm nhiều nhà chuyên môn, đưa ra biện pháp phát triển và bảo tồn. Ông cho biết con số 1.600 phòng tại Sơn Trà là được tính từ mô hình cân đối của du lịch, hội đồng của bộ đã ưu tiên cho bảo tồn và chọn con số này, đây là con số quy hoạch đến năm 2030.
Theo ông Đam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn thống nhất quan điểm về phát triển bền vững, khi các yếu tố bền vững chưa được đảm bảo thì chờ đủ điều kiện rồi hãy làm. Ông nói bảo tồn thì không cực đoan là đóng khung lại, bảo tồn tốt thì đó là tài nguyên du lịch, hỗ trợ lẫn nhau.
Đóng góp của Sơn Trà trong tổng thể du lịch cả nước, theo ông Đam, là rất nhỏ. Việc phát triển Sơn Trà phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng, Chính phủ yêu cầu UBND Đà Nẵng phải làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng để bàn tất cả các vấn đề thấu đáo.
"Khi đã thống nhất quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà ở mức nào (miễn là dưới mức 1.600 phòng) Chính phủ đều đồng ý, thậm chí giữ nguyên trạng, hay thấy chưa cần phát triển du lịch vội, Chính phủ cũng sẽ đồng ý", phó thủ tướng khẳng định.
16h45
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về Sơn Trà |
Ông Vũ Đức Đam cho biết Luật du lịch quy định Thủ tướng là nơi phê duyệt quy hoạch du lịch. Dựa vào đề xuất của Đà Nẵng thì quy hoạch hai khu là Sơn Trà và Bà Nà.
"Đã là khu du lịch quốc gia thì phải quy hoạch, quy hoạch này được xây dựng từ cuối 2013 đến 2016 thì trình. Ngày 15-2 vừa qua mới công bố tại Đà Nẵng, ngay khi đó đã có ý kiến của hiệp hội du lịch về quy hoạch này. Chính phủ đã xem xét cầu thị", ông Đam nói.
“Tôi đã trực tiếp đi xem những gì đã và đang xây dựng, đọc mấy trăm trang tài liệu, mời các kiến trúc sư xây dựng đồ án và quyết định tạm dừng thực hiện quy hoạch. Thực chất là quy hoạch này chưa được triển khai”.
16h42
Tiếp theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đăng đàn trong thời gian 10 phút để nói về các vấn đề mà đại biểu quan tâm, đặc biệt Phó Thủ tướng tập trung nói về Sơn Trà.
Ông Đam nói trên mạng, xe ôm, taxi, hàng nước... đều hỏi ông về Sơn Trà. Đây là một trong những điểm mà Bộ VH, TT&DL và UBND Đà Nẵng phải quan tâm, vì khi làm việc gì mà dư luận quan tâm thì phải hết sức đầy đủ.
16h40
Trả lời câu hỏi về chuyện lễ hội có quá nhiều hay không, ông Thiện cho rằng nếu tất cả đều là lễ hội tốt đẹp thì không sợ nhiều. Còn lễ hội phản cảm mà xuất hiện thì cần phải hạn chế, dẹp bỏ.
“Tôi đã tham mưu cho Chính phủ, sắp tới ban hành nghị định về quy hoạch lễ hội, tần suất diễn ra lễ hội”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Với câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt lại về chuyện cấp phép ca khúc, ông Nguyễn Ngọc Thiện được Chủ tịch Quốc hội cho phép trả lời bằng văn bản.
16h33
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) xung quanh lối sống của nghệ sĩ, ông Thiện cho biết có thực trạng đại biểu phản ánh, ông cho biết sẽ hoàn thiện quy định quản lý và giáo dục đạo đức.
Đối với chuyện thi người đẹp trong hang Sơn Đoòng, ông Thiện nói chuyện này đã lâu và UBND tỉnh Quảng Bình đã không đồng ý. Chuyện này đến nay ông chưa nghe lại.
16h28
Đại biểu Triệu Thế Hùng nêu: "Việt Nam hàng ngàn năm nay lễ hội đã trở thành truyền thống đẹp nhưng việc lợi dụng tín ngưỡng đang gia tăng. Ngành văn hóa có quá dễ dãi trong quản lý lễ hội không?"
Trả lời chuyện thu phí, bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói việc thu phí bản quyền của người nghe là phải thực hiện khi có mục đích thương mại, theo điều 26 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.
"Việc thu phí vừa rồi là có cơ sở, tuy nhiên cách thu, hình thức thu đang có một số vấn đề, thu thế nào, ai ủy quyền, mức thu thỏa thuận chưa? Chính vì vậy sau đó đã yêu cầu phải dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu đã ổn chưa. Khi nào đúng thì tiếp tục thu", bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhắc ông Thiện là đại biểu hỏi việc thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê đã công bằng chưa.
Ông Thiện nói theo luật Sở hữu trí tuệ thì có cho phép thu ở quán cà phê, nhà hàng. Tuy nhiên vừa rồi thì phải coi lại cách thu. Ông Thiện hứa sẽ hoàn thiện quy định và báo cáo lại.
16h18
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) thì lo lắng tình trạng nhiều nghệ sĩ chưa phân biệt được ranh giới giữa nổi tiếng và tai tiếng, giữa khêu gợi và thô tục..., gây phẫn nộ phản cảm, phương hại chuẩn mực đạo đức xã hội.
"Tuy nhiên hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tế đó. Trách nhiệm của bộ trong vấn đề này?", đại biểu hỏi.
Câu hỏi thứ hai, theo bà Nguyệt, liên quan đến đề xuất tổ chức thi người đẹp trong hang Sơn Đoòng gần đây? "Ý kiến của bộ trưởng thế nào?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đặt câu hỏi về việc giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một, bạo lực học đường, gia đình gia tăng, ứng xử của con người với nhau, với thiên nhiên, động thực vật, ngày càng thiếu tính nhân văn. "Bộ trưởng có chiến lược gì để thay đổi?", đại biểu đặt vấn đề.
16h14
|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 13.6 |
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặt câu hỏi xung quanh việc thu tác quyền âm nhạc tại quán cà phê, và trước đó là thu trên đầu TV tại các khách sạn, cử tri cho rằng thu như vậy không có căn cứ.
"Cử tri lo ngại thu như vậy làm cơ hội tiếp cận âm nhạc của người dân sẽ bị thu hẹp. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của bộ?", đại biểu hỏi.
Ông Hiểu cũng hỏi lại về bán đảo Sơn Trà: Trong quy hoạch từ 2014 – 2016 thì cứ mỗi năm 1.000ha rừng ở Sơn Trà bị cắt đi trong quy hoạch, đề nghị bộ trưởng cho biết ý kiến?
16h07
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về chuyện quản lý và cấp phép, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói do thời gian vừa rồi chuyện cấp phép rất nóng nên bộ có nhiều báo cáo vấn đề này chứ không phải là bộ chỉ quan tâm chuyện đó mà còn nhiều vấn đề khác nữa.
16h05
Tuy nhiên, nhân câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói muốn trình bày thêm là với tính chất là phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, mục tiêu bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, quy hoạch có nêu là trước khi lập quy hoạch thì Đà Nẵng đã cấp cho 25 dự án, và 11 dự án được cấp phép với hơn 5.049 phòng.
"Trước khi quy hoạch thì Đà Nẵng đã cho cấp phép đầu tư. Cho nên khi lập quy hoạch thì tư vấn đã yêu cầu cắt xưống còn 1.600 phòng. Đương nhiên 1.600 phòng này còn có ý kiến nhưng rõ ràng là đã cắt đi nhiều", ông Thiện nói.
"Như vậy là bây giờ đang giảm xuống và vừa rồi có ý kiến của công luận, của nhân dân, có chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng..., chúng tôi có chỉ đạo lại".
Ông Thiện khẳng định trước đây ở Huế, nơi ông từng công tác, cũng có một dự án tương tự (đồi Vọng Cảnh – PV). Do đó ông Thiện nói rất thấm thía và xử lý vấn đề ngay lập tức, ông nhắc đến văn bản mà lãnh đạo bộ đòi phê bình chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng và nói đó cũng là bài học rất đáng tiếc.
“Tinh thần là ưu tiên bảo tồn, bảo đảm lợi ích của nhân dân Đà Nẵng”, bộ trưởng khẳng định.
Trách nhiệm xử lý dự án, theo ông Thiện là thuộc về TP Đà Nẵng. Quá trình cắt từ hơn 5.000 phòng xuống còn 1.600 phòng, Bộ cũng sẽ phối hợp với Đà Nẵng để triển khai.
16h00
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) là người đặt câu hỏi về quy hoạch du lịch Sơn Trà - Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi về quy hoạch du lịch Sơn Trà của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), ông Thiện cho biết cơ sở lập quy hoạch là nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, trong đó có nêu TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Quốc phòng quy hoạch một số khu vực để phát triển, trong đó có Sơn Trà.
Thủ tướng cũng xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm phát triển mạnh về du lịch. Căn cứ vào đó thì Bộ đã lập quy hoạch.
Năm 2014 Bộ đã lập quy hoạch, 2016 trình Chính phủ phê duyệt, trong quá trình đó Bộ đã phối hợp với Đà Nẵng ở tất cả các khâu và gửi 11 bộ ngành góp ý. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất với quy hoạch, sau đó đã thẩm định hoàn thiện uqy hoạch trình thủ tướng phê duyệt.
“Khẳng định là lập và trình quy hoạch Sơn Trà là theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
15h56
Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận hiện vẫn còn một số lễ hội phản cảm, cho dù năm qua, các loại hình lễ hội có tốt hơn.
Về giải pháp ông Thiện nói sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nhà nước, hiện đã xây dựng nghị định quản lý, vì hiện nay chưa có nghị định nào.
Bộ trưởng Thiện đề nghị các địa phương và chính những người dân tham gia lễ hội có trách nhiệm hơn...
15h32
|
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về năng lực cán bộ quản lý văn hóa - Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân, ông Thiện nói rất cảm ơn đã hỏi về năng lực cán bộ của ngành.
“Sự việc xảy ra vừa rồi là do năng lực cán bộ, nếu năng lực tốt thì đã không xảy ra chuyện cấp phép ca khúc, thu hồi rồi lại cho lưu hành lại 5 bài hát, rồi cập nhật hơn 300 bài hát được cấp phép. Đó là cái sai không đáng có, sai về nghiệp vụ, sai những chuyện hết sức sơ đẳng của quan lý nhà nước. rồi các sự việc liên quan đến Tổng cục du lịch”, ông Thiện nói.
Ông cho biết hiện nay đã kiểm điểm trách nhiệm để có biện pháp nâng cao năng lực.
15h30
Với di tích lịch sử, ông Thiện đánh giá nhiều nơi mối mọt xuống cấp. Từ 2011 – 2015 có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có việc trùng tu, tuy không nhiều kinh phí nhưng vẫn đảm bảo được việc trùng tu bảo tồn di tích, kể cả di tích phi vật thể.
"Tuy nhiên từ 2016 không còn chương trình mục tiêu quốc gia nữa, mà được giao về cho các địa phương, khó khăn nên chỉ ưu tiên cho di sản đặc biệt. Cho nên công tác trùng tu di tích không còn nhiều nguồn hỗ trợ", ông Thiện đưa ra giải pháp khắc phục là xã hội hóa công tác này.
15h25
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về hướng dẫn viên du lịch chui, ông Thiện thừa nhận là có, xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vào mùa du lịch nở rộ.
Ông Thiện cho rằng lượng khách nước ngoài hiện rất lớn, hướng dẫn viên có thể đáp ứng được nhưng lại bất cân bằng về “ngôn ngữ”, nghĩa là có một số du khách các nước không có hướng dẫn viên biết tiếng để đáp ứng.
Để khắc phục tình trạng này thì bộ tiến hành cấp thẻ, đưa nhiều quy định mới vào Luật du lịch để siết chặt tình trang hướng dẫn viên chui.
15h22
Đại biểu Nguyễn Cao Nhất (Bình Định) hỏi giải pháp nào để Bộ VH, TT&DL thực sự trở thành nhạc trưởng cho du lịch cả nước?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nói có cảm giác hoạt động của bộ chủ yếu là "cho phép", "cấp phép", từ nghệ thuật biểu diễn đến điện ảnh...
"Phải chăng vì vậy mà cơ quan quản lý của bộ đã làm những việc không cần làm, ví dụ như cấp phép cho cả bài Quốc ca vừa rồi? Bộ trưởng làm gì để khắc phục?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề cập việc văn hóa dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một lớn do làn sóng văn hóa ngoại lai.
"Thế hệ trẻ ít sử dụng tiếng dân tộc, không coi trọng văn hóa dân gian. Bộ trưởng sẽ đề xuất với Chính phủ giải pháp gì để bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số?", đại biểu nói.
15h17
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi khi nào phê duyệt du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hiện đang quá chậm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị bộ trưởng cho biết quy hoạch du lịch Sơn Trà dựa theo tiêu chí nào. "Đâu là căn cứ đưa ra quy hoạch cho 1.600ha đất của khu vực này?", bà Thúy hỏi.
15h16
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thời gian qua tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" làm giảm vẻ đẹp văn hóa, làm hụt nguồn thu của nhà nước, di tích lịch sử xuống cấp, nghệ thuật truyền thống phai nhạt dần trong thế hệ trẻ.
"Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói đến hạn chế của hoạt động văn hóa đều xoay quanh năng lực của cán bộ công chức.
"Tuy nhiên trong các giải pháp lại không nêu việc giải quyết hạn chế đó, tức là thanh lọc cán bộ, con người?", đại biểu đặt vấn đề.
15h13
Bộ trưởng VH, TT&DL bắt đầu phiên trả lời chất vấn. Ông Nguyễn Ngọc Thiện nhắc lại ngay trong phần mở đầu về sự cố xảy ra tại Cục nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch vừa qua. “Là người đứng đầu tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Theo Tuổi trẻ
Chưa chỉ rõ nguyên nhân hiện tượng phản cảm trong lễ hội
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về những giải pháp nhằm chấn chỉnh một số hành vi phản cảm trong các lễ hội đã nêu được đầy đủ các giải pháp để khắc phục những hạn chế trong lễ hội. Đó là tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về lễ hội; nêu cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, ban quản lý các di tích trong quản lý lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội... Trong các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội là quan trọng nhất. Vì đây là giải pháp mang tính định hướng cho các địa phương, ban quản lý di tích xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, theo câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đưa ra thì Bộ trưởng chưa trả lời nguyên nhân dẫn tới việc giải quyết chưa triệt để các hiện tượng phản cảm trong lễ hội. Ở đây, cần chỉ rõ được những nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng các giải pháp cho phù hợp.
Tiến sĩLÊ DUY MẠNH (Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc)
Cần có danh mục bài hát không được phép lưu hành
Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 13.6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thừa nhận "chuyện cấp phép ca khúc, thu hồi rồi lại cho lưu hành 5 bài hát, rồi cập nhật hơn 300 bài hát được cấp phép" là cái sai không đáng có do năng lực cán bộ không tốt. Nhưng theo tôi, ngoài việc nâng cao năng lực cán bộ thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và bài hát do người Việt định cư ở nước ngoài sáng tác. Mục đích nhằm tạo điều kiện để các bài hát có nội dung tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật cao được phổ biến rộng rãi, phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng. Còn tất cả các bài hát mang tính truyền thống cách mạng, dân ca, dân gian cổ truyền từ trước đến nay đã, đang lưu hành thì không nên đặt ra vấn đề cấp phép. Theo tôi, chỉ nên quy định việc cấp phép cho các ca sĩ khi sử dụng các bài hát trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật; đồng thời cần có danh mục các bài hát không được phép lưu hành.
Nhạc sĩPHẠM NGỌC CUÔNG(Hội viên Ban Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) |