"Khi trở lại trường, đừng đưa các em ra đánh giá đã học được gì, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên là làm quen môi trường học", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ khi trả lời chất vấn sáng 11.11.
Xem trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ giải trình, làm rõ các nội dung về: Bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.
Công tác dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.
Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn
Ở nhóm vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.Dạy học thêm cho nhóm riêng biệt là cấm
Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng vấn đề học thêm, dạy thêm lâu nay không giải quyết được căn nguyên, đó là cách quản lý "không quản được cấm" trong khi việc này cũng là xuất phát từ nhu cầu thưc tiễn của phụ huynh, học sinh.
Ông Long cũng đề nghị nhìn thẳng vào đời sống giáo viên hiện nay, thu nhập quá thấp, nhiều giáo viên xem dạy thêm là yếu tố để mưu sinh. Qua hai năm đại dịch cho thấy nhiều giáo viên cũng là nhóm cần hỗ trợ.
Trả lời ý kiến tranh luận này, bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay đã từng có quy định về dạy và học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sau đó bỏ quy định này. Do đó, tới đây sẽ bổ sung quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Sơn, việc giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình mà bớt nội dung, dạy trước nội dung theo quy định, dạy cho các nhóm riêng việc… là vấn đề thuộc đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cấm là cấm trên phương diện này.
"Đặc biệt trong điều kiện học trực tuyến mà dạy học như vậy là cần lên án", bộ trưởng nhấn mạnh.
Tranh luận sau đó, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận định việc dạy thêm mà không dạy trước chương trình, hay kèm học sinh giỏi, cũng giúp nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập cho giáo viên.
Trao đổi lại, bộ trưởng Sơn cho hay các sở, địa phương có văn bản quy định riêng nên tới đây sẽ rà soát để các vấn đề liên quan được xử lý thấu đáo.
Các đại biểu tiếp tục tranh luận chủ đề này. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng bộ giáo dục cần quan tâm đến cả việc giảm tải chương trình học theo sách giáo khoa, nhất là khi tổ chức học trực tuyến.
Đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dồn ép kiến thức sang phương pháp tư duy. Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ phương pháp thi cử và cách tổ chức hệ thống trường học.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì nói bộ trưởng cần đưa ra một số tiêu chuẩn đạo đức của giáo viên trong việc dạy thêm.
Các em trở lại trường, đừng nhồi nhét ngay các phiếu khảo sát, đánh giáĐại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt vấn đề hiện nay có 1,5 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị, phương tiện nào để học trực tuyến, muốn bộ trưởng cho biết việc học trực tuyến của 53,9% học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn lại thế nào?
"Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là học sinh tiểu học đầu cấp? Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến?", đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc dạy và học trực tuyến ở quy mô lớn, dù chúng ta quan tâm chuyển đổi số quốc gia, thiết bị dạy học nhưng vẫn còn hơn 1,8 triệu học sinh thiếu thiết bị học tập. Do đây là việc bất đắc dĩ để ứng phó, nên trước khi nói vấn đề chất lượng, cần phải lo và quan tâm đến thiết bị dạy học, khi thiếu thiết bị khiến các cháu bỏ học, đó là yêu cầu cấp bách hơn.
Việc đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến một cách đầy đủ, bộ trưởng cho rằng cần có điều tra, khảo sát đầy đủ, song học trực tuyến có thách thức và ảnh hưởng chất lượng, không thể nói học trực tuyến không ảnh hưởng chất lượng. Theo đó, bộ đã có văn bản hướng dẫn để khi các cháu quay trở lại trường bổ sung, hướng dẫn kiến thức.
"Khi trở lại trường, các nhà trường đừng đưa các em ra đánh giá các em đã học được gì trong đầu, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên làm quen môi trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần tâm lý thư thái. Đừng nhồi nhét ngay, không đưa ngay cho các em phiếu khảo sát, các loại đánh giá, về phương diện chuyên môn là chưa phù hợp, cân đong đo đếm chất lượng là công việc cần phải tiếp tục", bộ trưởng Sơn nêu quan điểm.
Đồng thời, bộ sẽ có giải pháp củng cố kiến thức, gắn học trực tiếp và trực tuyến, thực hiện đánh giá, phân loại học sinh để tùy theo khả năng của từng em, có phương pháp phù hợp, nên cần giải pháp tổng thể về chuyên môn, tăng cường trang thiết bị, tư vấn tâm lý…
Trúng điểm cao vẫn trượt đại học, sẽ phải rà soát lại quy định
Đặt vấn đề mở mã ngành với ngành sức khỏe, bộ trưởng Sơn cho hay việc mở mã ngành phụ thuộc vào quyền các đơn vị. Song riêng hai nhóm về sức khỏe, sư phạm thì bộ thẩm định, quy định với yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt. Do đó, ông Sơn khẳng định sẽ rà soát lại.
Về việc dạy học trực tuyến vẫn sử dụng chương trình dạy học trực tiếp, bộ trưởng Sơn cho rằng việc dạy chương trình học bộ đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản. Thực tế các năm 2019, 2020 trước tình hình dịch bệnh bộ đã hai lần tinh giản chương trình phù hợp với tình hình mới; năm 2021 - 2022 này tiếp tục rà soát, để xác định yêu cầu, nội dung cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít.
Theo đó, các trường bám sát vào chương trình cốt lõi, khi có thời gian sẽ bổ sung thêm kiến thức, nên dạy học sẽ bám sát chương trình cốt lõi.
Với câu hỏi điểm cao vẫn trượt đại học, ông Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân. Như năm qua, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên, hầu hết là học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường công an, quân đội.
"Có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Thực tế này cũng có việc phải điều chỉnh ở các trường đại học, khi việc tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng phải nằm trong quy định cho phép, nên chúng tôi sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký", ông Sơn nói.
Xây dựng chương trình dạy trực tuyến như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt vấn đề hiện nay nhiều trường đạo tạo đa ngành đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo sức khỏe. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?
Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) đặt vấn đề việc dạy và học trực tuyến theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cô và trò? Kế hoạch điều chỉnh chương trình dạy và học theo từng bậc học để học sinh khi trở lại trường không bị lệch, hổng kiến thức? Thời gian qua có nhiều học sinh trung học phổ thông có em điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học, ý kiến của bộ trưởng?
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) chất vấn bộ đã có giải pháp cho việc xây dựng hệ thống đào tạo qua mạng? Giải pháp khắc phục việc các trường vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên ngoại ngữ?
Với việc học sinh lớp 1 học trực tuyến, bộ trưởng Sơn khẳng định chủ trương lớp 1 và lớp 2 có thể học trên truyền hình. Với trường có đủ điều kiện có đủ giáo viên mới học trực tuyến. Theo đó, bộ đã phối hợp Đài truyền hình Việt Nam sản xuất 166 bài giảng, đáp ứng yêu cầu học tập của lớp 1 và lớp 2. Thống kê cũng có hàng triệu học sinh vào học.
"Trong mọi giải pháp khó có giải pháp đáp ứng yêu cầu nhưng chọn giải pháp tối ưu hơn cả. Các cháu lớp 1 học trên truyền hình là lựa chọn và được đông đảo phụ huynh lựa chọn. Song việc kiểm tra đánh giá các cháu thế nào cho phù hợp thì chúng tôi đã có hướng dẫn, khi đến trường hỗ trợ củng cố", ông Sơn nói.
Đánh giá việc dạy học trực tuyến nói chung, bộ trưởng Sơn nhìn nhận việc trang bị kỹ năng cho học sinh còn hạn chế, nên khi học sinh quay trở lại trường cần chú trọng vấn đề này.
Đặc biệt khi dịch bệnh còn kéo dài, để tăng cường chất lượng cần giải pháp tổng thể. Với nhóm, vùng miền tiếp tục dạy học trực tuyến cần củng cố tăng cường hạ tầng thông tin, bài giảng truyền hình. Gắn với đó là thanh kiểm tra giám sát, rà soát để thực hiện đúng quy định hướng dẫn của bộ về thời gian, nội chương, chương trình giảng dạy.
Tăng cường tư vấn tâm lý, sức khỏe, tránh căng thẳng với học sinh khi dạy học trực tuyến kéo dài.
Trẻ lớp 1 học trực tuyến có phù hợp?
Theo Tuổi trẻ