Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Thay đổi, chuyển đổi, thích ứng

04/10/2021 10:14

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh 3 từ khóa này trong cuộc phỏng vấn về năm học đặc biệt 2021 - 2022.


Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Từng bước một, ngành giáo dục sẽ có các giải pháp để khắc phục khó khăn. Trong đó, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của mỗi bậc phụ huynh, toàn xã hội sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngành thực hiện mục tiêu đặt ra cho năm học mới.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Trong vòng 3 - 4 tháng qua, ngành giáo dục có điều chỉnh, chuyển đổi thích ứng với tình hình dịch COVID-19, lấy chống dịch là ưu tiên số 1 và tranh thủ chuyển đổi số để điều chỉnh phương pháp giáo dục. 

Khả năng 3 tháng cuối năm, hầu hết địa phương sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, phương pháp giảng dạy sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Các địa phương, nhà trường, thầy cô và học sinh cần chấp nhận nó như điều tất yếu và thích ứng với nó một cách linh hoạt. 

Dù vậy, điều bất biến là tinh thần kiên trì với chất lượng giáo dục, lấy phát triển con người làm mục tiêu quan trọng trong bất cứ điều kiện nào".

- Học online đã kéo dài từ năm học trước, nhưng đến nay nhiều nơi vẫn lúng túng. Với học sinh lớp 1, lớp 2, học online không hiệu quả nhưng mỗi nơi một kiểu, nơi thì dừng, nơi vẫn học, mà chưa thấy Bộ GD-ĐT có quan điểm cụ thể. Đến thời điểm này, bộ đánh giá thế nào, nên dừng hay tiếp tục?

- Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, thầy và trò không thể đến trường thì học trực tuyến là giải pháp không thể khác, dù chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết. Khó khăn và nhiều nơi còn lúng túng là có thật và khó tránh khỏi khi những điều kiện để thực hiện chưa thể ngay lập tức đáp ứng yêu cầu triển khai trên diện rộng.

Đối với cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1, lớp 2 - lứa tuổi cần được giáo viên "cầm tay chỉ bảo", thử thách càng nhiều hơn khi 2 năm qua là những năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với 2 lớp học này. 

Bộ đã đưa ra hướng dẫn rất cụ thể về phương pháp, điều kiện để dạy học trực tuyến với những lớp này. Chỉ khi nào các trường đáp ứng được yêu cầu cần thiết mới triển khai dạy học.

Tất nhiên, với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh lớp 1, lớp 2, việc học trực tuyến kéo dài sẽ không tốt. Vì vậy, với các lớp này, bộ đã chỉ đạo các địa phương, trường học ưu tiên hình thức dạy học qua truyền hình, đồng thời không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ cho tới khi học sinh được ôn tập trực tiếp. 

Bộ cũng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng và phát sóng đồng thời trên 3 kênh VTV1, VTV2, VTV7. Các kênh truyền hình địa phương tiếp sóng hoặc phát lại trong các khung giờ phù hợp.

Thực tế, nếu tháng 10 tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt hơn, việc học tập có thể sẽ chuyển dần sang học trực tiếp. 

Tuy nhiên, phải chia sẻ thêm rằng các bài giảng trên truyền hình sẽ không chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, không chỉ để phục vụ học tập trong giai đoạn chống dịch mà đó là một phần của công cuộc chuyển đổi số, hướng tới tích hợp với kế hoạch chuyển đổi số lâu dài trong công tác điều hành, quản lý giáo dục.

Nhờ các bài giảng này, học sinh các vùng miền khác nhau đều có cơ hội được học các giáo viên dạy tốt. Chưa kể dịch bệnh khó lường, việc này còn giúp chúng ta chủ động được việc học tập trong mọi tình huống. 

Không chỉ lớp 1, lớp 2, mà từ lớp 3 - 12, bộ cũng đang xây dựng các bài giảng truyền hình làm công cụ hỗ trợ cho cả thầy và trò, thống nhất phương pháp, cách thức áp dụng được cho số đông, diện rộng.


Một học sinh lớp 1 ở TP Hồ Chí Minh đang học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG

- Nhiều địa phương đang bối rối với việc cho học sinh trở lại trường, ví dụ ngay tại Hà Nội có những huyện rất rộng, vài tháng qua không có ca COVID-19 mới nhưng cũng chưa cho học sinh đến trường. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc này ra sao?

- Thận trọng và an toàn là cần thiết. Sắp tới Bộ Y tế sẽ xúc tiến tiêm vaccine cho học sinh, ưu tiên trước hết với các em từ 12 - 18 tuổi sẽ tạo điều kiện mở cửa trường học. Để trở lại trường học, điều quan trọng vẫn là bảo đảm an toàn, sức khỏe cho thầy cô và học trò. 

Căn cứ theo chỉ đạo chung và khuyến cáo của Bộ Y tế, các địa phương cần có quyết sách cho phù hợp. Các phường, xã có nguy cơ thì khoanh vùng hẹp ở phường, xã đó, còn phường, xã khác vẫn cho học sinh đến trường với quy định phòng dịch chặt chẽ. 

Không chủ quan, không nóng vội nhưng cũng không vì những vùng nhỏ có ca bệnh mà ảnh hưởng cả vùng lớn, ảnh hưởng đến số đông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tạo động lực cho giáo viên

Ở khía cạnh đời sống, thu nhập của giáo viên là vấn đề đã được nhắc tới nhiều năm qua và vẫn đang là một trong những trở ngại về động lực cho đội ngũ.

Tuy nhiên, nếu nhìn những chính sách ban hành gần đây, từ những chính sách dành cho sinh viên sư phạm đến cho giáo viên mới vào nghề, giáo viên có thâm niên công tác, có thể thấy đã có những chuyển động theo hướng tích cực.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất những chính sách phù hợp về thu nhập cho nhà giáo.

Bên cạnh việc xây dựng chính sách, thời gian tới, bộ sẽ đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra động lực cho giáo viên.

Thi tốt nghiệp THPT 2022 ra sao?

- Nhiều người đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT có những bất cập khi nảy sinh những chuyện kỳ lạ đạt 30 điểm cũng không đỗ đại học. Bộ trưởng cũng nói năm 2022 sẽ đổi mới kỳ thi, nhưng việc đổi mới này sẽ thế nào, bao giờ mới công bố?

- Mấy năm trở lại đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là thi "hai trong một", mà được xác định và triển khai theo hướng là thi tốt nghiệp THPT. Nếu là kỳ thi tuyển sinh đại học, học sinh đăng ký vào trường đó, thi cạnh tranh 30 điểm mà không đỗ thì đúng là có vấn đề thật.

Còn 30 điểm này là điểm thi tốt nghiệp, nhằm đánh giá việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, nhưng điểm thi cũng được sử dụng làm căn cứ và công cụ tuyển sinh.

Đó là chưa kể thông tin về một vài trường hợp điểm rất cao nhưng chưa đỗ là cộng cả điểm ưu tiên và chỉ là số đặc biệt ít, rơi vào các trường tuyển sinh bằng nhiều hình thức, chỉ để lại chỉ tiêu lấy điểm thi tốt nghiệp THPT rất ít và kèm theo các yêu cầu khác.


Thí sinh tới một điểm thi ở Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: N.TRẦN

Năm 2022 là năm tiếp theo việc dạy học chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, những học sinh sẽ tham gia kỳ tốt nghiệp năm 2022 sẽ là những em có 3 năm (lớp 10, lớp 11, lớp 12) học tập trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh.

Vì vậy, việc đổi mới phải bảo đảm ​phù hợp với thực tế dạy học, tránh gây xáo trộn cho học sinh, giáo viên và xã hội.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025 để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý và toàn xã hội. Định hướng là việc phân cấp, trao quyền cho địa phương trong tổ chức sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Kỳ thi sẽ triển khai đúng tính chất thi tốt nghiệp THPT, đánh giá kết quả học tập của người học, đầu ra của THPT, đánh giá chất lượng dạy và học phổ thông của các trường học và từng địa phương, xét công nhận tốt nghiệp THPT, là căn cứ để có những chính sách và chỉ đạo ngành giáo dục.

Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm một trong các công cụ để tuyển sinh, nhưng trách nhiệm thực thi quyền tự chủ trong tuyển sinh sẽ phải được các trường triển khai ở mức cao hơn.

Phương án thi tốt nghiệp THPT cụ thể sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong ít ngày tới.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Thay đổi, chuyển đổi, thích ứng