Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ chịu trách nhiệm cùng với địa phương và các cơ quan liên quan nếu để tăng tai nạn giao thông 3 năm liên tiếp.
Để xảy ra tai nạn giao thông gia tăng Bộ trưởng Bộ GTVT cũng sẽ phải chịu trách nhiệm
Trả lời báo chí về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải đến đâu khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất cách chức Chủ tịch tỉnh nếu để tăng tai nạn giao thông 3 năm liên tiếp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết: ““Bộ trưởng không đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương tự chịu, mà Bộ trưởng cùng chịu với các địa phương có đường đi qua, các địa phương cũng cần cùng chia sẻ với Bộ. Tất cả vì mục tiêu là giảm tai nạn, giảm số người chết và bị thương.”
Ngay khi đề xuất trên của Bộ trưởng được đưa ra, một số lãnh đạo tỉnh cho rằng tai nạn thường xảy ra trên Quốc lộ, mà Quốc lộ do Bộ quản lý, nên không thể nói là trách nhiệm của tỉnh, mà còn cả trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Giải thích về vấn đề này, tại cuộc họp thường kỳ hàng tháng vào chiều 6-2, Thứ trưởng Hùng cho rằng, Bộ trưởng Thăng đề xuất những ý kiến như vậy không phải là để đùn đẩy cho các địa phương chịu trách nhiệm mà là cùng chịu trách nhiệm với các địa phương. Điều này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải trên cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia mong có sự đồng thuận, chia sẻ của các địa phương để giảm số người chết, giảm số người bị thương cũng như số vụ tai nạn giao thông.
“Trong chuyến công tác miền núi vừa qua của Bộ trưởng, một số chủ tịch tỉnh nơi đoàn đi qua cũng rất chia sẻ với Bộ trưởng về vấn đề này”, Thứ trưởng Hùng nói thêm.
Đề cập đến việc xử lý cán bộ để xảy ra tai nạn giao thông, Thứ trưởng Hùng cho rằng cũng đã có quy trình. Cách đây ba năm vụ việc tại Quảng Bình cũng đã nói đến trách nhiệm của cấp huyện, cấp tỉnh khi để xảy ra tai nạn giao thông.
Thứ trưởng Hùng dẫn chứng, trong năm 2011, có những tháng bình quân hơn 1.000 người chết, trong một tháng chưa kể bị thương vì tai nạn giao thông. Trước vấn nạn đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã coi đây là “thảm họa” và mong Quốc hội ra Nghị quyết về vấn đề này.
Cũng trong cuộc họp, trước nhiều ý kiến về đổi giờ học giờ làm gây nhiều xáo trộn cho khối trường học diễn ra 1 tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã giao Vụ Vận tải làm việc với thành phố Hà Nội vào cuối tuần này nhằm bàn thêm về thực tế phương án đang triển khai, những tác động tới sinh hoạt cuộc sống từ để có sự phân tích đầy đủ và điều chỉnh phù hợp.
Thứ trưởng Hùng cho biết: “Sau một tuần tiến hành đổi giờ học, giờ làm trên các tuyến đường, tình trạng ùn tắc thì không xảy ra nhưng buổi sáng vẫn có ùn ứ. Chiều thì ùn tắc có xảy ra nhưng đỡ hơn trước.
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cũng thừa nhận đã có nhiều ý kiến khác cho rằng lý do đường phố Hà Nội thông thoáng hơn là do sinh viên, người lao động ngoại tỉnh chưa đổ về Hà Nội, nhóm đối tượng là học sinh và giáo viên khi thực hiện đổi giờ học đã gặp nhiều khó khăn….
“Việc đổi giờ bước đầu có kết quả nhưng chưa thể có đánh giá,, tổng kết về hiệu quả và tác động của nó. Phải khi nào tập trung tất cả lên thành phố đầy đủ sẽ có báo cáo chi tiết hơn,” Thứ trưởng Hùng khẳng định.
Việt Hùng (Vietnam+)