Bố trí giáo viên ở trường học sáp nhập

20/10/2019 07:28

Sau sáp nhập, nhiều trường học đã chủ động bố trí, sắp xếp giáo viên nên đã khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả dạy học.

Sau khi được điều chuyển giữa 2 điểm, giáo viên Trường Mầm non Ái Quốc (TP Hải Dương) đã áp dụng nhiều kinh nghiệm tích lũy được, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Khắc phục thiếu giáo viên

Sau sáp nhập, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều trường học đã giảm bớt. Những trường sáp nhập liên cấp (tiểu học với THCS) có thể bù đắp cho nhau, nhất là giáo viên ở các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, thể dục.

Bước vào năm học mới 2019 - 2020, sau khi rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên ở các bộ môn, lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Thanh Quang (Nam Sách) đã điều chỉnh giáo viên dạy các môn chuyên cho phù hợp với thực tế do thừa thiếu ở 2 cấp học.

Giáo viên các môn tin học, tiếng Anh ở THCS phân công dạy cả tiểu học, còn giáo viên mỹ thuật của tiểu học dạy cả THCS. Do đó, năm học này trường có đủ giáo viên dạy ở các khối lớp, bộ môn.

"Nếu chưa sáp nhập, bậc tiểu học sẽ rất khó có giáo viên tin học, tiếng Anh giảng dạy vì nhiều năm nay, chế độ lao động hợp đồng đối với giáo viên bấp bênh, thu nhập thấp nên khó tuyển dụng", thầy giáo Trần Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thanh Quang nói.

Các trường sáp nhập cùng cấp tương đồng về môi trường, chuyên môn, cơ cấu bộ môn nên điều động giáo viên thuận lợi hơn, khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ. Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Minh Tân sáp nhập với Trường THCS Tử Lạc (Kinh Môn) thành Trường THCS Minh Tân.

Trước đây, điểm trường Tử Lạc còn thiếu giáo viên âm nhạc. Vào năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường phân công giáo viên âm nhạc dạy cả 2 điểm trường. Giáo viên dạy lịch sử ở điểm trường Tử Lạc nghỉ thai sản, 2 giáo viên ở điểm trường thị trấn Minh Tân về dạy thay.

Cô giáo Đỗ Thị Liệt, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân cho biết: "Thời gian tới, trường tiếp tục rà soát và điều động một số giáo viên dạy các môn toán, tin học, hóa học, sinh học, mỹ thuật ở điểm trường thị trấn Minh Tân về dạy ở điểm trường Tử Lạc".

2 năm nay, toàn tỉnh có 72 trường học cùng cấp, liên cấp sáp nhập. Để từng bước ổn định điều kiện, chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường sáp nhập thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ năm học 2019 - 2020.

Việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm định mức lao động, chế độ làm việc hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của mỗi người. 

Nâng cao chất lượng

Sau sáp nhập, các hoạt động tập thể của Trường Tiểu học và THCS Thanh Quang (Nam Sách) diễn ra sôi nổi do có lực lượng cán bộ, giáo viên đông đảo hơn

Ngoài khắc phục được việc thừa, thiếu giáo viên, nhiều trường học sau sáp nhập còn thực hiện việc hoán đổi giáo viên ở các điểm trường với nhau.

Cách làm này đem lại hiệu quả tích cực, giúp giáo viên có điều kiện tiếp xúc với những môi trường giáo dục khác nhau, qua đó bổ sung, hỗ trợ nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm giảng dạy.

Sau sáp nhập và bước vào năm học mới 2019 - 2020, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Ái Quốc (sáp nhập từ 2 Trường Mầm non Ái Quốc và Trường Mầm non Hương Sen, TP Hải Dương) điều chuyển 8 giáo viên từ điểm trường Ái Quốc sang điểm trường Hương Sen và ngược lại.

Trường chú trọng lựa chọn những giáo viên có khả năng chia sẻ, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ để hỗ trợ cho nhau cùng tiến bộ, tạo sự đồng đều giữa các điểm trường.

"Đầu năm học, tôi được chuyển từ điểm trường Ái Quốc sang dạy ở Hương Sen. Chúng tôi áp dụng những nghiệp vụ, kinh nghiệm của điểm trường cũ vào dạy dỗ, chăm sóc đã giúp trẻ ở đây có những chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nền nếp", cô giáo Vũ Thị Giang dạy lớp trẻ 4 tuổi Trường Mầm non Ái Quốc cho biết.

Các trường học sáp nhập còn phân công mỗi điểm trường một cán bộ quản lý phụ trách. Các giáo viên làm tổ trưởng, tổ phó các tổ, nhóm chuyên môn được bố trí đan xen ở từng điểm trường để bảo đảm việc thực hiện nội dung, chương trình giáo dục thống nhất, đồng đều.

Không chỉ giúp công tác chuyên môn, sau sáp nhập, các trường được tăng cường đội ngũ, tăng hoạt động tập thể ngoại khóa.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Xuyên (Kim Thành) chia sẻ: "Trước đây, do thiếu người nên mỗi khi có hoạt động ngoại khóa rất vất vả. Bây giờ có việc, trường điều động giáo viên không phải lên lớp đến hỗ trợ các điểm trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đông hơn nên chúng tôi thực hiện công tác chuẩn bị, điều hành, quản lý các hoạt động tập thể, ngoại khóa thuận lợi hơn nhiều".

Thời gian tới, để việc sắp xếp, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả hơn ở trường học sáp nhập, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cần không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, tích cực sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

Chú trọng đổi mới các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt nhóm chuyên môn tại mỗi điểm trường. Giáo viên tích cực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được phân công giảng dạy ở môi trường, lĩnh vực mới.

DANH TRUNG

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với các trường phổ thông sáp nhập của tỉnh từ năm học 2019 - 2020. Theo đó, công tác phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu đối với trường sáp nhập có từ 2 điểm trường trở lên phải theo hướng thuận lợi cho giáo viên đi lại; hạn chế thấp nhất một giáo viên phải dạy ở nhiều điểm trường hoặc phải dạy ở nhiều điểm trường trong cùng một buổi. Các trường sáp nhập liên cấp phân công chuyên môn phải bảo đảm đúng quy định của từng cấp. Riêng các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học, tiếng Anh, các trường có thể bố trí giáo viên dạy liên cấp và có trình độ chuyên môn phù hợp theo chuẩn từng cấp. 

(0) Bình luận
Bố trí giáo viên ở trường học sáp nhập