Ngày 2.9.1945, trong bộ trang phục phù hợp với phong cách giản dị, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong lần gặp nhà giáo Trịnh Lương (con trai trưởng của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô) cách đây chưa lâu tại 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), tôi nghe ông đề cập tới bộ trang phục Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập được xuất phát từ gợi ý của Bác trong những ngày Người ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang.
Hồi đó, tuy mới 12 tuổi, nhưng do tham gia đội “Sói con” (một tổ chức hoạt động dưới sự chỉ đạo của lực lượng Việt Minh), nên Trịnh Lương đã có khả năng quan sát và trí nhớ khá tốt. Ông Lương còn nhớ, khoảng gần một tuần sau thành công của Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945), nhà ông tại 48 Hàng Ngang đã đón một vị khách đặc biệt, được giới thiệu với mọi người là “cụ Lý ở quê ra chơi”.
Khi đó, cụ Lý mặc chiếc áo sơ mi nâu, quần sooc nâu, đi giày vải.“Nhà vốn kinh doanh vải và tơ lụa nên tôi có thói quen hay quan sát người mình gặp mặc quần áo thế nào. Hồi ấy tôi không thể biết đó là Bác Hồ. Chỉ biết khi quan sát, dù thấy cụ Lý mặc quần áo bằng vải thường, nhưng tôi thấy nó rất phù hợp với dáng người và phong thái của cụ”- ông Trịnh Lương cho biết.
Bộ trang phục Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập
Nay muốn tìm hiểu kỹ hơn về bộ trang phục Người mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, tôi đến gặp ông Trịnh Lương tại nhà riêng. Nhắc tới chuyện này, ông Trịnh Lương bèn mở một đĩa VCD để tôi xem trước rồi nói chuyện sau. Đó là chương trình “Cây cao bóng cả” của VTV3 quay cách đây 15 năm nói về gia đình ông Trịnh Văn Bô, trong đó bà Hoàng Thị Minh Hồ (mẹ ông Trịnh Lương-PV) có nhắc đến việc may bộ trang phục để Người chủ trì lễ Tuyên ngôn Độc lập.
Bà Minh Hồ cho biết: “Ngày 27/8/1945, chỉ còn vài hôm nữa là tới ngày ra mắt, tôi gọi ông ở hiệu may Phúc Hưng trên phố Hàng Trống đến may đo cho Bác hai bộ quần áo ka ki, may áo cổ cao. Ông Phúc Hưng giờ vẫn còn, hiện ở bên Pháp…”.
Do thời lượng của chương trình, bà Minh Hồ chỉ nói vắn tắt chuyện may bộ trang phục cho Bác, trong khi câu chuyện này ông Trịnh Lương được mẹ kể chi tiết hơn nhiều. Đó là từ ngày 25/8/1945, sau khi về nhà 48 Hàng Ngang, do bận rất nhiều việc nên Bác và các thành viên Chính phủ lâm thời chưa nghĩ đến chuyện phải có bộ trang phục phù hợp để dự lễ Tuyên ngôn Độc lập.
Đến ngày 27/8, có người nhớ ra chuyện này và nói với bà Minh Hồ lo liệu giúp. Bà Minh Hồ bèn mời nhà may Phúc Hưng, cửa hiệu trên phố Hàng Trống đến để may quần áo cho các thành viên chính phủ tại 48 Hàng Ngang. Chủ hiệu Phúc Hưng vốn là bạn hàng thân thiết lâu năm của bà Minh Hồ, nổi tiếng may những bộ trang phục lịch sự.
Khi đó, mọi người chủ yếu may những bộ quần áo kiểu tây thông thường, riêng Bác thấy mình không hợp với bộ trang phục như vậy. Bà Minh Hồ bèn nói sẽ chọn loại vải đẹp rồi nghĩ cách may bộ trang phục phù hợp cho Bác. Người nói: “Tôi mặc đơn giản quen rồi. Đừng may bằng len dạ đắt tiền, cốt tươm tất giản dị. Không cần cà vạt, cổ cồn là tốt nhất”.
Từ câu nói đó, ông Vũ Đình Huỳnh (thư ký của Bác) và bà Hoàng Thị Minh Hồ nghĩ cách may bộ trang phục phù hợp cho Người. Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới bức ảnh của lãnh tụ Xô viết Stalin trong một bộ trang phục nên ướm thưa với Bác hay là may theo kiểu đó, không có cà vạt mà vẫn oai vệ.
Nhưng Người mỉm cười bảo: “Mình có phải là Stalin đâu”. Rồi Bác chia sẻ ý tưởng về chiếc áo đó không nhất thiết phải giống kiểu áo của Stalin, cũng không nhất thiết giống kiểu áo của một lãnh tụ nào khác. Chiếc áo may cho Bác không cần cầu kỳ, dùng bằng vải dễ mặc, có thể cài khuy kín cổ hoặc mở ra đều tiện. Qua gợi ý của Bác, có thể thấy Người luôn muốn học hỏi tinh hoa nhưng vẫn có ý tưởng mới, không nhất thiết rập theo khuôn mẫu có sẵn.
Sau khi tiếp nhận gợi ý của Bác, ông chủ hiệu may Phúc Hưng lại được mời tới. Sau khi được nghe ý tưởng để thiết kế một bộ trang phục mới, ông Phúc Hưng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Tôi đã mường tượng ra bộ trang phục đó rồi”. Ít ngày sau, bộ quần áo được may bằng vải ka ki màu vàng theo ý tưởng mới hoàn thành.
Chiếc áo được may bốn túi, có thể cài khuy kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo cho thoải mái, đi giày hoặc dép đều hợp với trang phục. Bộ quần áo vừa toát lên vẻ trang trọng, nhưng không làm giảm đi sự gần gũi với người dân. Sau khi thử, Bác nói: “Bộ quần áo này phù hợp với mình”.
Ông Trịnh Lương chia sẻ câu chuyện về bộ trang phục may cho Hồ Chủ tịch xuất phát từ ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ảnh: Kiến Nghĩa
Gia đình may bộ trang phục đặc biệt
Từ câu chuyện của ông Trịnh Lương, tôi tha thẩn dạo quanh phố Hàng Trống mong tìm lại chút gì đó còn sót lại của hiệu may Phúc Hưng ngày nào. Phố Hàng Trống giờ thay đổi quá nhiều, chẳng rõ ai còn biết đến thương hiệu Phúc Hưng năm xưa. Tuy nhiên, thật may mắn khi qua dò hỏi tôi đã gặp được ông Nguyễn Phương Giực, cháu rể của cụ Phúc Hưng, hiện vẫn ở trên tầng hai ngôi nhà số 27 phố Hàng Trống.
Căn nhà này trước đây là cửa hiệu may của bố vợ ông, nay gia đình sống ở trên gác, còn tầng một đang được một công ty thương mại sử dụng làm mặt bằng kinh doanh. Ông Giực hiện đã ngoại 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh và nhớ một số việc của gia đình nhà vợ. “Tôi lập gia đình đầu năm 1955 và ở rể tại đây. Bố vợ tôi là anh ruột cụ Phúc Hưng. Khi tôi cưới, cụ Phúc Hưng cũng đến dự”- ông Giực cho biết.
Vợ đã mất, hiện ông Giực vẫn lưu giữ ít giấy tờ của bố vợ để lại. Cầm tấm thẻ căn cước trước đây của bố vợ, ông Giực cho biết quê gốc của gia đình nhà vợ ở thôn Cựu, làng Vân Hoàng (xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội). Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, đầu thế kỷ trước, bố vợ ông Giực cùng anh ruột và hai người em trai đã rời xã Vân Từ để ra Hà Nội học nghề may rồi lập nghiệp tại đây. Người anh cả là cụ Bùi Văn Hồng, sau mở hiệu may lấy thương hiệu Phúc Tường. Người thứ hai (bố vợ ông Giực) là cụ Bùi Văn Lai, mở hiệu may Phúc Mỹ. Người thứ ba là cụ Bùi Văn Cửu mở hiệu may Phúc Hưng. Còn người em út Bùi Văn Cao làm thợ, không mở hiệu may.
Cả ba hiệu may Phúc Tường, Phúc Mỹ, Phúc Hưng đều ở phố Hàng Trống. Qua thời gian, gia đình chú và bác của vợ ông Giực đều chuyển đi nơi khác từ lâu, chỉ còn gia đình nhà vợ ông vẫn ở một phần tại ngôi nhà 27 Hàng Trống. Theo trí nhớ của ông Giực, cụ Bùi Văn Cửu chủ thương hiệu Phúc Hưng sinh khoảng năm 1913, theo hai anh ra Hà Nội học nghề may từ năm 11 tuổi rồi trở thành một chủ hiệu may nổi tiếng đất Hà thành.
Cửa hiệu may Phúc Hưng nằm tại con phố này, nhưng giờ không còn chút nào của dấu tích cũ do cụ Bùi Văn Cửu đã không ở đây từ lâu. Vào khoảng giữa năm 1955, do người con trai trưởng học tại Sài Gòn, cụ Bùi Văn Cửu đã chuyển gia đình vào Nam sinh sống. Sau đó, do cuộc Tổng tuyển cử giữa hai miền Nam Bắc không thể tiến hành do bội ước của chính quyền Ngô Đình Diệm, gia đình cụ Bùi Văn Cửu phải ở hẳn miền Nam.
Tại đây, cụ Cửu không còn tiếp tục nghề may của gia đình nữa mà chuyển sang công việc khác. Khoảng năm 1973, cụ Cửu chuyển sang Pháp sống cùng các con. Từ ngày xa quê hương, tuy chưa có điều kiện trở lại Việt Nam, nhưng cụ Cửu vẫn liên lạc với những người thân quen cũ tại đất nước.
Theo Tiền phong