Bố tôi là bộ đội hải quân. Đơn vị của bố cách nhà gần trăm cây số. Cứ cuối tuần là bố lại về nhà với ba mẹ con tôi. Khi ấy mẹ không cho bố mó tay vào việc gì hết. Mẹ đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ suốt cả tuần để chờ đón bố về. Thời gian ít ỏi của ngày nghỉ cuối tuần mẹ chỉ muốn bố chơi với chị em tôi, rồi cả gia đình bé nhỏ của chúng tôi lại về thăm ông bà nội, ông bà ngoại. Lần nào cũng thế, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ bố cũng kiểm tra đồ đạc trong nhà, hễ cái gì hỏng là bố sửa ngay: từ cái vòi nước bị rò đến cái chảo bị tuột ốc, cái đồng hồ treo tường hết pin; bố còn kiểm tra xe máy của mẹ, thấy sắp hết xăng là bố đổ đầy bình ngay... Hàng xóm láng giềng ai cũng khen bố chu đáo và chịu khó. Khi ấy bố chỉ cười hiền vì tôi biết trong lòng bố thương mẹ con tôi lắm. Bố thường hay nói ra miệng: “Trong nhà vắng người đàn ông là mệt lắm”.
Tôi là con gái lớn của bố nhưng tính khí lại ương bướng như con trai, chẳng mấy khi tôi chịu thổ lộ tình cảm để người khác biết và cũng rất ít khi tâm sự với bố. Những khi nghe bố kể chuyện, em gái tôi cứ tíu tít, xuýt xoa, ôm vai bá cổ bố, vậy mà tôi cứ ngồi ở đằng xa. Không biết từ khi nào, tôi không còn thích được bố ôm vào lòng nữa. Có lẽ tôi nghĩ mình đã lớn, đã thành thiếu nữ thì không nên nhõng nhẽo với bố nữa...
Vậy nên bây giờ tôi nuối tiếc lắm. Bố đã được cấp trên điều động đi công tác ba năm ở một nơi rất xa. Ngày mai bố sẽ lên đường. Tôi bất ngờ trước sự kiện ấy nhưng tôi không giấu được cảm xúc tự hào về bố bởi ngày mai bố sẽ đến một nơi vô cùng thiêng liêng. Nơi ấy là Trường Sa. Sau bữa cơm liên hoan, bố dặn tôi rất nhiều: nào là phải chăm học, phải cứng rắn để giúp mẹ, chăm em... Nước mắt tôi muốn trào ra nhưng kịp ngăn lại vì lời bố dạy vẫn văng vẳng bên tai: “Phải mạnh mẽ lên con gái ạ!”. Rồi những lá thư của bố liên tiếp gửi về, những cuộc điện thoại ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi nghe giọng bố cho đỡ nhớ. Bố kể về loài cây phong ba đầy kiêu hãnh và sức sống kỳ diệu nơi đảo xa. Bố kể về cuộc sống của những người lính ở Trường Sa dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ai cũng lạc quan, yêu đời. Bố đã nhen lên trong lòng tôi ước mơ cháy bỏng được một lần ra thăm đảo. Tôi viết thư cho bố, kể đủ thứ chuyện trong nhà, ngoài lớp và lần đầu tiên tâm sự với bố về tương lai: “Bố ơi! Nhất định con sẽ làm nhà báo, con sẽ làm phóng viên để được đặt chân tới nơi mà bố và đồng đội của bố đang ngày đêm canh giữ”. Bất chợt, mẹ đọc được những dòng thư nắn nót của tôi để trên bàn học, mẹ mỉm cười: “Đúng là cha nào con ấy”.
Tôi tin là mẹ sẽ chắp cánh cho ước mơ của tôi bởi mẹ luôn luôn là hậu phương vững chắc của bố.
HOÀNG THỊ BÍCH(Lớp 10L, Trường THPT Nam Sách)