Bộ tem đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 5 mẫu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay được coi là "quốc bảo" của Việt Nam.
Bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập
Cách đây 73 năm, ngày 2.9.1946, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám 19.8.1945 và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2.9.1945".
Bộ tem bưu chính đầu tiên in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong lịch sử ra đời và phát triển hơn 70 năm qua, tem Bưu chính Việt Nam luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước. Có những tem thư đã ghi lại dấu ấn lịch sử không thể nào phôi phai trong tâm trí của người dân đất Việt. Trong số đó, phải kể đến Bộ tem bưu chính đầu tiên mang Quốc hiệu Việt Nam in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 19.8.1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 27.8.1946, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 172/SL cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên chiếc tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ “Việt Nam” cùng với vị lãnh tụ vĩ đại sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988) thiết kế, gồm 5 mẫu tem in trên giấy dó, với 5 màu: Xanh lá mạ, đỏ, vàng, lam, tím (chuyên môn gọi là tem thay màu, đổi giá); trong đó có 3 mẫu tem cùng giá chính thức và 2 mẫu có thêm giá phụ thu để phục vụ cứu quốc. Trên tem có in tiêu đề "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Họa sĩ Nguyễn Sáng, một trong 5 cây "đại thụ" của hội họa Việt Nam, người có vinh dự thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, lúc đó mới 23 tuổi. Ông quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang), là sinh viên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước năm 1945. Sau tháng 8.1945, ông tham gia cách mạng, vẽ tranh tuyên truyền cổ động, thiết kế tem và giấy bạc Việt Nam. Ông đã tập trung tài trí và sức lực vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng yêu cầu của tem thư, là chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ họa, phù hợp với điều kiện in khó khăn thiếu thốn của đất nước trong những ngày đầu mới giành độc lập. Hình vẽ trên tem đã phản ánh trung thực, chính xác bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu giành độc lập, với những nét đặc sắc của Người: Thông minh, hiền hậu, uy nghiêm, kiên nghị.
Theo Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội tem Việt Nam, sự ra đời con tem đó đánh dấu một giai đoạn mới, mở đầu cho thời kỳ phát triển của tem bưu chính cách mạng Việt Nam, bộ tem đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, tự in ấn và phục vụ cho nhu cầu cách mạng thời kỳ đó. Điểm lưu ý ở đây là 5 mẫu mỗi mẫu 1 màu. Và trên con tem có phụ thu tức là ngoài giá trị thanh toán cước phí con tem thì có một khoản tiền dành cho quỹ cứu quốc, dành cho mục đích cứu trợ, đáp ứng nhu cầu của cách mạng trong thời kỳ đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, con tem đó ngoài ý nghĩa lịch sử thời điểm ra đời thì về mặt mỹ thuật con tem rất đẹp, in một màu thôi, khắc họa đơn giản nhưng toát lên thần thái của vị cha gia dân tộc, Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Theo Ông Vũ Văn Tỵ - người từng trải qua nhiều vị trí quản lý tại ngành Bưu điện và có 40 năm sưu tầm tem, tại Việt Nam, sau khi thực dân Pháp xâm lược, năm 1886, người Pháp bắt đầu phát hành tem để sử dụng cho thương mại, thư tín. Đó cũng là thời điểm tem du nhập vào Việt Nam. Nhưng, tem này không mang tên Việt Nam mà mang tên nước Pháp hải ngoại. Chỉ đến năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945 chúng ta mới là quốc gia độc lập. Vì thế, bộ tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành vào ngày 2.9.1946 được coi là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Cho đến nay, với sự phát triển của đất nước, của công nghệ, việc thiết kế và in ấn tem đã phát triển và đa dạng, song với ngành bưu điện và những người chơi tem thì bộ tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành năm 1946 có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là sự khẳng định chủ quyền đất nước, đánh dấu sự phát triển của ngành bưu điện sau này, đồng thời ghi lại những dấu ấn lịch sử của đất nước, của chính quyền cách mạng non trẻ.
Và bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”
Sau họa sĩ Nguyễn Sáng, thế hệ những họa sĩ tiếp theo như Bùi Trang Chước, Trịnh Quốc Thụ, Nguyễn Thế Vinh, Dương Quốc Tiến, Đỗ Lệnh Tuấn… cũng đã khắc họa thành công hình tượng Bác trên những con tem.
Bác Hồ luôn là một đề tài lớn, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận đối với các văn nghệ sĩ, trong đó có các họa sĩ vẽ tem bưu chính Việt Nam và những con tem về Người chính là niềm tự hào lớn của tem thư Việt Nam. Mỗi con tem nhỏ hay cả bộ tem đều như đã lắng đọng, gom góp lại một phần trong cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, một nhân cách tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh. Theo thống kê, hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là hình tượng được đưa lên tem bưu chính nhiều nhất với hơn 100 mẫu tem.
Không chỉ là nguồn cảm hứng cho các họa sỹ thiết kế tem trong nước, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một đề tài cho những họa sỹ khắp năm châu thể hiện, đi cùng những sự kiện của dân tộc Việt Nam và với sự nghiệp của Người. Đến nay, đã có không dưới 15 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hành tem bưu chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và năm 2019, tròn nửa thế kỷ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện Di chúc của Người, nhân sự kiện này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”. Theo bà Hoàng Thị Bích Vân - Phó Trưởng Ban Tem bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, bộ tem do họa sỹ Trần Thế Vinh thiết kế theo phong cách đồ họa và mang tính hình tượng cao. Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 block. Mẫu tem thể hiện hình ảnh Bác Hồ đang làm việc với một câu trích trong bản Di chúc, đó là: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Và với hình ảnh bên cạnh là lá cờ Tổ quốc và nhà sàn ở trong Phủ Chủ tịch để tạo nên một cảm giác gần gũi, thân thương mà sâu lắng. Còn hình ảnh block tem là thể hiện hình ảnh đất nước thống nhất và phát triển thông qua hình tượng Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn cùng cờ Đảng và những thành tựu đã đạt được trong quá trình dựng xây đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)” dự kiến diễn ra vào ngày 27.8.2019 tại Hà Nội.
DIỆP NINH (TTXVN)