Theo Bộ Tài chính, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Tối 19.5, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình gửi Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc xin phòng COVID-19, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Quỹ vắc xin phòng COVID-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.
Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có). Đồng thời, quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vắc xin phòng đại dịch này cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện bao gồm nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Về nguồn kinh phí để mua vắc xin, Bộ Tài chính cho hay ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn.
Ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao, kinh phí mua vắc xin sẽ lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Theo Tuổi trẻ