Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 sẽ bãi bỏ một số thông tư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 sẽ bãi bỏ một số thông tư.
Cụ thể, các thông tư về quản lý thuế sẽ bị bãi bỏ, bao gồm Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6.11.2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22.7.2013 của Chính phủ.
Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29.6.2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thông tư số 31/2017/TT-BTC ngày 18.4.2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29.6.2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28.12.2015 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.
Thông tư số 71/2010/TT-BTC ngày 7.5.2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ôtô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán xe ôtô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường.
Thông tư số 06/2017/TT-BTC ngày 20.1.2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6.11.2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (đã được bổ sung tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC).
Thông tư số 79/2017/TT-BTC ngày 1.8.2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung tiết b1 Điểm b Khoản 4 Điều 48 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6.11.2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Một số điểm nổi bật của Thông tư số 80/2021/TT-BTC là việc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khấu trừ thuế đã được hướng dẫn rất cụ thể. Theo đó, khi cơ quan thuế thông báo với hội sở chính của ngân hàng, khi đó các ngân hàng, tổ chức tín dụng mới thực hiện khấu trừ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nộp thuế và các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Một nội dung khác cũng rất đáng lưu ý đó là, người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn khác nơi có trụ sở chính thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại trụ sở chính. Đồng thời, phân bổ số thuế phải nộp cho từng địa phương có hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, đối với hoạt động xây dựng, hoạt động chuyển nhượng bất động sản, cơ sở sản xuất có chi nhánh ở nhiều nơi, xổ số điện toán..., việc khai thuế đã được Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn rất rõ ràng và phân bổ số thuế phải nộp cũng phù hợp hơn.
Chẳng hạn, đối với hoạt động xây dựng, quy định trước kia nếu công trình xây dựng ở địa bàn tỉnh khác nơi có trụ sở chính, người nộp thuế phải nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai 2% trên giá trị công trình. Nhưng theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, chủ đầu tư chỉ phải phải phân bổ 1% cho ngân sách địa phương nơi có công trình xây dựng.
Ngoài hoạt đông khai thuế, quy định về miễn giảm thuế, hoàn thuế, tiền chậm nộp khi ngân sách nhà nước chậm thanh toán, gia hạn chậm nộp... đã được hướng dẫn rất cụ thể.
Bên cạnh đó, thủ tục khai thuế được quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC cũng khác như thuế thu nhập cá nhân trước đây có thể khai thuế theo tháng, hoặc theo quý.
Nhưng theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế khai theo tháng. Chỉ khi nào thuế giá trị gia tăng khai theo quý, thì thuế thu nhập cá nhân mới được khai theo quý.
Hay, việc khai thuế, trước kia có những trường hợp khai ở chi nhánh, nơi cơ quan thuế quản lý trực tiếp (hoạt động xây dựng cơ bản thì khai vãng lai ở các địa phương), nhưng theo hướng dẫn của Thông tư số 80/2021/TT-BTC phải khai tập trung tại trụ sở chính, sau đó trụ sở chính phân bổ cho các địa phương có cơ sở hoạt động xây dựng.
Theo TTXVN